Bấp bênh tài sản thế chấp

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 297 dự thảo luật quy định bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn đối tượng của quyền thế chấp không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Trong khi đó, theo luật hiện hành, bên thế chấp chỉ được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi tọa đàm mới đây về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, đại diện nhiều ngân hàng thương mại đã bất ngờ khi đọc một quy định mới: Dự thảo cho phép bên thế chấp được tự ý bán tài sản (đã thế chấp) mà không cần sự cho phép của bên nhận thế chấp. Với quy định này, tình trạng cố tình xâm phạm tài sản bảo đảm - một trong những nút thắt khiến ngân hàng khó xử lý nợ xấu - sẽ được... hợp pháp hóa !?.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 297 dự thảo luật quy định bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn đối tượng của quyền thế chấp không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Trong khi đó, theo luật hiện hành, bên thế chấp chỉ được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán. Với tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bên thế chấp chỉ được bán, trao đổi, tặng cho “nếu được bên nhận thế chấp đồng ý”.

Theo lý giải của đại diện Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật), trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua, rất ít trường hợp bên nhận thế chấp đồng ý cho bên thế chấp bán tài sản. Điều này khiến tài sản thế chấp mang đi đảm bảo bị đóng băng. Bởi vậy dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) điều chỉnh theo hướng khắc phục vấn đề này. Nếu quy định mới được áp dụng, việc bảo vệ quyền lợi của bên thế chấp sẽ thông qua “quyền theo đuổi tài sản đến cùng” của bên nhận thế chấp.

Với việc bán tài sản phải theo cơ chế đăng ký công khai, minh bạch, người mua tài sản sẽ cân nhắc việc có mua hay không khi tài sản này đang dùng để thế chấp. Cùng với đó, thủ tục giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự được rút gọn, thi hành án ngay đối với giao dịch các bên đã thực hiện công khai, minh bạch và có thỏa thuận về việc được quyền áp dụng cưỡng chế thi hành ngay, sẽ giúp bên nhận thế chấp thực thi quyền theo đuổi tài sản của mình. Đây là một trong những điểm mới vừa đảm bảo tính kinh tế của tài sản, vừa thúc đẩy giao dịch này xác lập và giao dịch một cách hợp pháp.

Cách giải thích của ban soạn thảo, về mặt lý thuyết là khá hợp lý, đồng thời thể hiện sự tiến bộ theo xu hướng của pháp luật quốc tế. Nhưng xét trên tình hình thực tế ở Việt Nam, quy định này có thể đã vượt xa những gì đang diễn ra, dẫn đến những hệ quả khôn lường. Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng hiện nay, hành vi cố tình xâm phạm tài sản bảo đảm xảy ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn khác nhau, thậm chí có sự thông đồng của bên thứ ba nhằm tiếp tay cho chủ sở hữu tẩu tán, né tránh nghĩa vụ trả nợ.

Khi xảy ra tranh chấp, xử lý tài sản bảo đảm trở thành nỗi sợ hãi của các ngân hàng bởi một rừng thủ tục, khiến quá trình xử lý nợ xấu gặp nhiều trắc trở. Tại buổi tọa đàm, đại diện một ngân hàng thương mại đã phải thốt lên: “Đưa ra quy định mới, ban soạn thảo không hiểu nỗi khổ của ngân hàng”.

Hiện nay tòa án đã quá tải và các ngân hàng đang chết chìm trong giao dịch đảm bảo. Bởi thế, với quy định mới, nhiều ý kiến lo lắng về quyền theo đuổi tài sản của ngân hàng để bảo vệ quyền của bên nhận thế chấp. Nói một cách đơn giản, hiện tài sản trong tay bên thế chấp đầu tiên, ngân hàng đã rất khó khăn trong việc xử lý, nay luật quy định cho phép bán sang tay cho bên thứ ba chắc chắn khó khăn gấp bội. Trong khi đó, việc đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay chưa được thực hiện nghiêm, có nhiều kẽ hở nên nhiều trường hợp cùng một tài sản nhưng mang thế chấp nhiều nơi, thế chấp rồi đem bán...

Mặc dù hiện tại hoạt động của các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp đã có các thiết chế khác bảo vệ như cơ chế đăng ký giao dịch đảm bảo, nhưng việc Bộ luật Dân sự đi trước khá xa so với các luật khác và chưa có sự thay đổi của các cơ quan tố tụng là điều đáng lo lắng.

Đại diện một số ngân hàng cho rằng nếu áp dụng quy định này trong khi chưa có sự thay đổi của hệ thống tư pháp và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng dân sự, cần phải có quy định chuyển tiếp phù hợp để bảo vệ hệ thống ngân hàng. Trong trường hợp phải chuyển nhượng hoặc chuyển giao tài sản mà thu được lợi ích phải có quy định chuyển tiền cho tổ chức tín dụng để đảm bảo thu hồi nợ.

Các tin khác