ASEAN: Sức hút nhà đầu tư

Thời gian qua, nhiều nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành điểm đến ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài. Ưu thế của một khu vực có dân số trẻ, giá nhân công thấp, sức tiêu dùng cao... đang được phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức.

Thời gian qua, nhiều nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành điểm đến ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài. Ưu thế của một khu vực có dân số trẻ, giá nhân công thấp, sức tiêu dùng cao... đang được phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức.

Khi Skyscanner, công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ về du lịch trực tuyến có trụ sở tại Edinburgh (Scotland), muốn mở rộng hoạt động tại châu Á, bất ngờ xảy ra: lãnh đạo công ty không chọn Trung Quốc, một thị trường giàu tiềm năng, là điểm khởi đầu. Thay vào đó, công ty Scotland đã thành lập văn phòng đầu tiên tại Singapore vào năm 2011 với nhận thức “đây là thời của Đông Nam Á”.

Năm 2013, lượng khách du lịch châu Á truy cập vào trang web của Skyscanner trung bình mỗi tháng tăng 140%, trong đó 1/4 đến từ các quốc gia thành viên ASEAN. Filip Filipov, Giám đốc điều hành Skyscanner, cho hay ASEAN với dân số trẻ cùng số lượng người am hiểu công nghệ ngày một tăng nhanh, việc tìm kiếm dịch vụ trên các trang web bằng các thiết bị di động vì thế sẽ phát triển. “Chúng tôi tin tưởng vào tương lai Đông Nam Á. Skyscanner muốn đón đầu xu hướng tìm kiếm và mua bán trực tuyến tại khu vực này” - ông Filipov nói.

Với dân số 630 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm trong 15 năm qua, nếu xem như một quốc gia, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, với GDP ở mức 2.400 tỷ USD năm 2013. Các chuyên gia kinh tế đánh giá ASEAN là khu vực có tốc độ phục hồi  tốt nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngân hàng ANZ đã nhận định ASEAN sẽ là cột trụ thứ 3 của nền kinh tế châu Á, bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc. Theo thống kê, 1/3 số vốn đầu tư của Hoa Kỳ được rót vào ASEAN, nhiều hơn những gì nền kinh tế lớn nhất hành tinh đầu tư vào Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), lãnh thổ Đài Loan và New Zealand cộng lại.

Sức tiêu dùng của người dân ASEAN cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, số người thuộc tầng lớp trung lưu tại ASEAN (có mức thu nhập 16-100USD/ngày) hiện khoảng 190 triệu người, dự báo sẽ tăng gấp đôi, lên 400 triệu người, vào năm 2020. Ước tính 67 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại ASEAN với mức tiêu dùng hơn 7.500USD/năm hiện nay sẽ tăng lên thành 125 triệu hộ trong năm 2015.

Dây chuyền lắp ráp ô tô của hãng Toyota (Nhật Bản) tại tỉnh Samut Prakan, Thái Lan.

Dây chuyền lắp ráp ô tô của hãng Toyota (Nhật Bản) tại tỉnh Samut Prakan, Thái Lan.

Có thể thấy một sự thay đổi trong mô hình kinh doanh tại ASEAN từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Trước khủng hoảng, ASEAN là khu vực chủ yếu xuất khẩu hàng hóa bán thành phẩm cho các nước châu Á khác.

Tuy nhiên, sau năm 2008, Đông Nam Á lại là thị trường xuất khẩu hàng hóa thành phẩm của các nước châu Á. Các nhà đầu tư đã nắm bắt chuyển động này, tiêu biểu là Nhật Bản. Doanh nghiệp xứ Phù Tang đang ồ ạt rót tiền vào Đông Nam Á, năm 2012 số tiền đầu tư vào ASEAN 6,4 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2005.

Mặc dù nền kinh tế khu vực Đông Nam Á có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn những mối lo. Đầu tiên là sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Công ty đánh giá xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết ASEAN chiếm 12,2% lượng hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2013, tăng 7,3% so với một thập niên trước.

Trung Quốc giờ đây là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Thứ hai, việc thiếu cải cách cơ cấu sản xuất, đặc biệt là các biện pháp tăng năng suất, có thể sẽ khiến ASEAN mất dần sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. Cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là một thách thức không nhỏ. Trong khi đó, tại Thái Lan, sự chia rẽ trong chính trường vẫn chưa được cải thiện.

Indonesia, sau gần 2 thập kỷ ổn định, giờ phải đối mặt với thách thức sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-7 vừa qua. Trong khi đó, việc thiếu vắng một người có năng lực kế nhiệm Tổng thống Philippines Benigno Aquino khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016 đang khiến các nhà đầu tư quan ngại, đặt câu hỏi về tương lai của nền kinh tế Philippines... 

Các tin khác