Nông dân làm chủ bằng cổ phiếu

CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã mạnh dạn tiên phong phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân trồng lúa. Đây được xem là bước đi đột phá trong việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN nhằm nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS (ảnh) đã trao đổi với ĐTTC về những tham vọng phát triển bền vững ngành lúa gạo nước ta.

CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã mạnh dạn tiên phong phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân trồng lúa. Đây được xem là bước đi đột phá trong việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN nhằm nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS (ảnh) đã trao đổi với ĐTTC về những tham vọng phát triển bền vững ngành lúa gạo nước ta.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, xuất phát từ đâu AGPPS có sáng kiến phát hành cổ phiếu với giá ưu đãi cho nông dân?

Ông HUỲNH VĂN THÒN: - AGPPS là một trong những DN hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay AGPPS luôn gắn bó với nông dân và sự phát triển của công ty gắn liền với phát triển của ngành nông nghiệp.

Những năm qua Việt Nam tự hào là cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới, song hàng năm giá trị thu về từ hạt gạo chưa tương xứng với thế mạnh, đời sống của nhiều hộ nông dân trồng lúa còn bấp bênh. Do đó, chăm lo cho nông dân trồng lúa, đồng thời nâng cao giá trị hạt gạo là vấn đề cấp bách đặt ra đối với các cấp, các ngành, trong đó có AGPPS.

Lần đầu tiên nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL được làm chủ sản phẩm mình làm ra thông qua mô hình mới là tham gia cổ phiếu của DN lớn. Đây là bước đột phá, là hướng đi đầy triển vọng trong sản xuất lúa gạo bền vững. Chương trình phát hành cổ phiếu giá ưu đãi sẽ mở ra cho nông dân hướng làm ăn lớn, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, mơ ước nhiều năm nay đã thực hiện được.

Ông Lê Vĩnh Tân,
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Từ mong muốn đó, tháng 4-2013, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty, AGPPS đã có một quyết định quan trọng phát hành cổ phiếu với giá ưu đãi cho nông dân. Mục tiêu của công ty thông qua việc mua cổ phiếu nhằm để nông dân cùng hùn vốn, trở thành người chủ sở hữu thực sự cùng kinh doanh và chia lợi nhuận với AGPPS.

Việc tham gia mua cổ phiếu còn giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng, nâng cao trình độ canh tác lúa gạo theo hướng hiện đại. Vì vậy, khi chương trình phát hành cổ phiếu cho nông dân được chúng tôi thông báo, lập tức nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL.

- Khi triển khai chương trình này xuống nông dân, AGPPS gặp những khó khăn gì?

- Tất nhiên, khi một sản phẩm mới ra đời bao giờ cũng gặp khó khăn và chương trình phát hành cổ phiếu cho nông dân cũng không ngoại lệ. Thuận lợi của AGPPS là chương trình cùng nông dân ra đồng được triển khai từ năm 2006 đã đem lại kết quả rất tốt, khi hầu hết nông dân trồng lúa ở các vùng miền đều biết đến AGPPS. Bởi lẽ thực hiện chương rình này, AGPPS đã tổ chức trên 12.000 điểm trình diễn với hơn 1.017 kỹ sư luôn sát cánh cùng nông dân.

Đến năm 2010, chúng tôi tiếp tục thực hiện đề án xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo đó, AGPPS đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL, xây dựng vùng lúa nguyên liệu và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tất cả các hộ tham gia đều được công ty cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0%; được hỗ trợ miễn phí vận chuyển lúa, bao bì, sấy.

Trong suốt mùa vụ có kỹ sư của công ty bám đồng ruộng giúp nông dân kỹ thuật sản xuất, phòng trị sâu bệnh… nhờ đó năng suất và chất lượng lúa tăng cao, chi phí giá thành giảm, lợi nhuận thu về nhiều hơn. Chính từ hiệu quả thiết thực của các chương trình trên nông dân tin tưởng và yêu mến AGPPS ngày càng nhiều.

Tuy nhiên khi triển khai chương trình phát hành cổ phiếu chúng tôi thận trọng từng bước đi. Cụ thể, công ty tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp với nông dân nhằm trao đổi với bà con về năng lực, tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả trong kinh doanh, tham vọng… của công ty.

AGPPS tổ chức nhiều cuộc họp báo với các ngành chức năng, nhà khoa học, nhà chuyên môn… để nghe những ý kiến đóng góp. Chúng tôi luôn ý thức rằng đối với nhà đầu tư khi họ chơi cổ phiếu lời lỗ là chuyện bình thường, nhưng với nông dân trồng lúa đời sống còn vất vả, việc mua cổ phiếu sẽ khiến bà con cân nhắc kỹ lưỡng.

- Đến nay, AGPPS đã phát hành được bao nhiêu cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân?

- Chương trình này chính thức được triển khai rộng rãi vào cuối tháng 10-2013, đến giữa tháng 4-2014 AGPPS tổ chức lễ trao sổ cổ đông đầu tiên cho 1.724 nông dân mua hơn 1,8 triệu cổ phiếu, với số tiền hơn 56 tỷ đồng. Giá mỗi cổ phiếu 30.000 đồng, tương đương 1/2 giá thị trường của AGPPS hiện nay.

Hộ mua nhiều nhất 12.500 cổ phiếu và hộ mua ít nhất 300 cổ phiếu. Đối tượng được phát hành cổ phiếu giá ưu đãi là những nông dân tham gia các chương trình của AGPPS và đã đồng hành cùng công ty phát triển ngành sản xuất lúa gạo. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân đợt 2, đợt 3… nhằm thắt chặt hơn mối liên kết giữa DN và nông dân.

Cán bộ AGPPS ra tận ruộng bán cổ phiếu cho nông dân. Ảnh: H.Lợi

Cán bộ AGPPS ra tận ruộng bán cổ phiếu cho nông dân. Ảnh: H.Lợi

- Xin ông thông tin thêm về những định hướng phát triển lúa gạo của AGPPS trong thời gian tới.

- Ngoài 5 nhà máy gạo hiện tại, phấn đấu đến năm 2018 AGPPS sẽ hoàn thành 12 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất mỗi nhà máy 200.000 tấn/năm; xây dựng vùng lúa nguyên liệu rộng 360.000ha, đồng thời đẩy mạnh gắn kết với nhiều nông dân trồng lúa.

Mục tiêu của AGPPS là tổ chức lại nền sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, hạt gạo làm ra đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo truy suất nguồn gốc… nhằm đưa hạt gạo vào những thị trường khó tính với giá xuất cao. Điều quan trọng không kém là tạo cho nông dân hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị lúa gạo và làm chủ giá bán của sản phẩm do mình làm ra.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác