Miễn phí thoại không còn là mơ ước

“Gọi không giới hạn” không dừng lại ở các chương trình khuyến mại để thu hút thuê bao của các nhà mạng nhỏ, viễn cảnh về tương lai được miễn phí cước gọi di động, chỉ tính cước dịch vụ dữ liệu dường như càng ngày càng rõ hơn với người tiêu dùng, đặc biệt đầu tháng 7 này Viettel bất ngờ kiến nghị giảm cước di động ngoại mạng.

 “Gọi không giới hạn” không dừng lại ở các chương trình khuyến mại để thu hút thuê bao của các nhà mạng nhỏ, viễn cảnh về tương lai được miễn phí cước gọi di động, chỉ tính cước dịch vụ dữ liệu dường như càng ngày càng rõ hơn với người tiêu dùng, đặc biệt đầu tháng 7 này Viettel bất ngờ kiến nghị giảm cước di động ngoại mạng.

Mạng nhỏ điêu đứng

Sau 5 năm đứng yên trong ổn định, lần đầu tiên thị trường viễn thông lại xôn xao về giá cước. Sự tiên phong của Viettel trong việc cào bằng giá cước nội và ngoại mạng cũng như giữ nguyên giá cước 3G, đã khiến không ít khách hàng sửng sốt khi lần đầu tiên nhà mạng chịu thiệt hại để “nhường” phần lợi cho khách hàng.

Trên thực tế, đây không phải là chính sách mới, bởi trước đó cả Gtel và Vietnamobile đã áp dụng chính sách này cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, chỉ đến khi Viettel với 54 triệu thuê bao di động - chiếm khoảng 50% tổng số thuê bao di động cả nước - kiến nghị giảm cước, chính sách này mới trở thành “bom nổ chậm” gây hoang mang cho không ít nhà mạng, đặc biệt các nhà mạng nhỏ, vốn dĩ lấy chính sách giá cước rẻ để thu hút thuê bao.

Theo tính toán, chưa cần đề cập đến số thuê bao ít ỏi của Vietnamobile hay Gtel, chỉ tính riêng 2 mạng lớn là VinaPhone với 21 triệu thuê bao và MobiFone 40 triệu thuê bao, cho thấy một điều rằng nếu chấp nhận giảm cước để chạy đua, các nhà mạng nhỏ không khỏi điêu đứng. Điều này gợi nhớ tới “cái chết” của S-Fone hay Beeline trước đây khi 2 nhà mạng này tiên phong thu hút khách hàng bằng các chiêu khuyến mại khủng và nhanh chóng bị đè bẹp khi Viettel hay MobiFone để mắt đến.

Vậy vì sao Viettel lại chọn thời điểm này để kiến nghị giảm cước? Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia về viễn thông cho rằng đối với một chính sách mới bao giờ cũng phải có lộ trình, có thời gian, đặc biệt trong việc xây dựng mô hình giá và thời gian đầu sẽ gặp phải một số trục trặc, tổn thất về doanh thu.

Bối cảnh trên thị trường viễn thông hiện nay, việc chia tách đang khiến 2 đối thủ nặng ký là VinaPhone và MobiFone tạm thời yếu đi, cần có thời gian để tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy. Đây là thời điểm thuận lợi để Viettel thí điểm mô hình này không sợ sự cạnh tranh quá khốc liệt từ 2 nhà mạng kia.

Đi trước uống… nước trong

Như chính Viettel đã từng tính toán, nếu Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đồng ý với phương án này, Viettel có thể mất đến 80 tỷ đồng mỗi tháng. Trong điều kiện thị trường viễn thông đang yên ổn, người dân cũng không có kiến nghị khẩn thiết về giảm giá cước như cách đây 4-5 năm, tại sao Viettel lại tự gây thiệt hại cho mình?

Trên thực tế, nếu nhìn ra thị trường viễn thông một số nước trên thế giới, việc đưa cước thoại về mức tối thiểu, thậm chí miễn phí, thay vào đó sẽ tính bằng cước dữ liệu đang trở thành một xu hướng. Đặc biệt, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí (OTT) càng góp phần đẩy nhanh xu hướng này.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cũng từng thừa nhận trong 5 năm tới, dịch vụ data (dữ liệu) dần vượt lên thay thế các dịch vụ thoại cả về doanh thu và lưu lượng. Lúc đó data sẽ là dịch vụ và nguồn thu chính của DN, thay vì dịch vụ thoại như hiện nay. Vì vậy, Bộ TT-TT khuyến khích DN cung cấp dịch vụ viễn thông đưa ra các gói cước đa dạng, phù hợp với các đối tượng người dùng trong xã hội. Thậm chí, các mạng di động cần nghiên cứu mô hình kinh doanh mới phù hợp như xu hướng miễn cước thoại và chỉ thu phí data.

Như vậy, khi kiến nghị giảm cước, Viettel đã tính toán đến phương án dài hạn và nhanh chân đi trước để đón đầu xu thế. Thực tế, dù các nhà mạng có giảm hay không giảm cước thoại, rõ ràng người tiêu dùng cũng ngày càng ít sử dụng các dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống bởi sự phát triển mạnh mẽ của internet và sự trỗi dậy của OTT. Tuy nhiên, trong một thị trường đã bão hòa, việc thu hút các thuê bao chưa bao giờ là chuyện cũ. Bên cạnh đó, việc được giảm cước thoại sẽ khiến người tiêu dùng có tâm lý thoải mái để sử dụng các dịch vụ data hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, cho rằng sự chuyển dịch của ngành viễn thông đã xảy ra, nguồn thu từ cước thoại của các DN viễn thông đang bị co lại. “Trước hiện tượng này, các DN viễn thông hoặc muốn cản trở quá trình này, làm cho tốc độ nhỏ đi của miếng bánh chậm lại, hoặc có cách ứng xử tích cực hơn là đi tìm cái mới, miếng bánh mới, thị trường mới và lĩnh vực mới” - ông Hùng cho biết.

Viettel kiến nghị giảm giá cước hâm nóng cuộc chiến giá.

Viettel kiến nghị giảm giá cước hâm nóng cuộc chiến giá.

Cho đến thời điểm hiện nay cả VinaPhone và MobiFone đều tỏ ra thận trọng với chính sách này. Tuy nhiên, không khó để thấy 2 nhà mạng này sẽ phải sớm nhập cuộc chơi nếu như đề xuất của Viettel được Bộ TT-TT phê duyệt. Điều này dự báo một thời kỳ cạnh tranh khốc liệt như 5 năm về trước trên thị trường viễn thông có thể lại bắt đầu. Và nhiều người đã tự hỏi, liệu các nhà mạng nhỏ sẽ có còn đường sống?

Các tin khác