Argentina khó trả nợ đúng hạn

Một tòa án liên bang tại Hoa Kỳ hôm 22-7 đã ra lệnh tiến hành đàm phán khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc vỡ nợ lần thứ hai của Argentina trong vòng 13 năm.

Một tòa án liên bang tại Hoa Kỳ hôm 22-7 đã ra lệnh tiến hành đàm phán khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc vỡ nợ lần thứ hai của Argentina trong vòng 13 năm.

Thẩm phán Thomas Griesa ở Manhattan ra phán quyết như vậy sau khi mô tả tại sao Argentina phải thực hiện lời hứa với các trái chủ trước khi chứng kiến cuộc vỡ nợ kỷ lục 100 tỷ USD vào năm 2001. Ông nói những cuộc đàm phán liên tục phải bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 23-7 (giờ địa phương) như một cách tốt nhất nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp vì một cuộc vỡ nợ là điều tồi tệ nhất, sẽ làm tổn hại đến “những con người thực”.

Jonathan Blackman, một luật sư của Argentina, nói vấn đề quá phức tạp để có thể giải quyết trước hạn chót ngày 30-7, vì vậy không thể có một thỏa thuận vào cuối tháng này. Ông nói một vấn đề là các trái chủ Hoa Kỳ, những người đang nắm 1,5 tỷ USD nợ sau khi từ chối được trả nợ với mức thấp hơn giá gốc, đang đòi được trả 100% giá trị nợ.

Argentina đối mặt khả năng vỡ nợ đã nổi lên từ tháng 6 sau phán quyết cuối cùng của Tòa án tối cao của Hoa Kỳ đối với việc phúc thẩm bản án của tòa án cấp dưới. Argentina đã bị buộc phải hoàn trả 100% số tiền vay (cả gốc lẫn lãi) cho 2 "quỹ kền kền" là NML Capital và Aurelius Management, theo phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Số tiền phải thanh toán cho NML và Aurelius lên đến 1,33 tỷ USD, trong khi phần lớn các chủ nợ (93%) đã chấp nhận giảm nợ và chỉ yêu cầu Argentina thanh toán 30% khoản nợ ban đầu. Cũng trong tháng trước, Argentina đã trở thành quốc gia có xếp hạng thấp nhất trong hệ thống đánh giá của Standard and Poor’s sau khi hãng xếp hạng tín dụng của Hoa Kỳ hạ 2 bậc xếp hạng nợ của Argentina từ CCC+ xuống CCC- (dưới mức khuyến khích đầu tư 9 bậc), kèm theo triển vọng "tiêu cực".

Ngày 30-7 là hạn chót để Argentina thanh toán 1,33 tỷ USD cho NML và Aurelius. Trong trường hợp không trả được nợ đúng hạn và cũng không tìm được bất kỳ thỏa thuận nào với 2 quỹ kền kền của Hoa Kỳ trước ngày 30-7, Argentina sẽ chính thức vỡ nợ kỹ thuật lần thứ hai kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2001.

Các nhà kinh tế đều tin rằng một cuộc vỡ nợ nữa đối với Argentina sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho một đất nước đã chìm trong suy thoái và đang phải vật lộn với một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Một cuộc vỡ nợ có thể châm ngòi cho một sự sụp đổ giá trái phiếu và đẩy lợi suất trái phiếu lên 2 con số, quay ngược những thành tựu đạt được trong năm nay.

“Một cuộc vỡ nợ sẽ rất tồi tệ, cho dù nếu không tệ bằng năm 2001” - Nicolas Dujovne, một nhà kinh tế ở Buenos Aires, nói. Ông ước tính việc vỡ nợ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Argentina thụt lùi 2,5% trong năm nay, trong khi nếu không vỡ nợ chỉ giảm từ 1-1,5%. Ông Dujovne nói rằng nền kinh tế, với dự trữ ngoại hối ở mức rất yếu ớt, hiện đang ở trong “một trạng thái cân bằng rất mong manh” và có thể nhanh chóng chuyển sang tình trạng “rất không ổn định” nếu bị vỡ nợ.

Biểu tình phản đối các quỹ kền kền ở Argentina.

Biểu tình phản đối các quỹ kền kền ở Argentina.

Claudio Loser, một người Argentina đứng đầu bộ phận bán cầu phía Tây của IMF khi nước này vỡ nợ vào năm 2001, cho biết nếu Argentina tiếp tục bị loại trừ khỏi các thị trường vốn quốc tế vì tiếp tục vỡ nợ, nước này sẽ tiếp tục phải vay với lãi suất phạt rất cao.

Ngược lại, nếu đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ kền kền sẽ dẫn đến giảm phí bảo hiểm rủi ro của Argentina 4-5 điểm phần trăm, nhờ đó sẽ làm giảm hóa đơn tiền lãi hàng năm của cả khu vực công và khu vực tư nhân từ 4-6 tỷ USD. Ông Loser cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài của Argentina (hiện ở mức thấp nhất khu vực) sẽ tăng 5 tỷ USD/năm nếu các doanh nghiệp lấy lại lòng tin. Và khoảng 200 tỷ USD tài sản người Argentina giữ ở nước ngoài cũng sẽ tìm đường quay lại cố hương.

Các tin khác