Ngân hàng dồn sức cho Internet Banking

Hơn 20 ngân hàng triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện, cước viễn thông, thuế... giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi không phải tới tận nơi nộp tiền.

Hơn 20 ngân hàng triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện, cước viễn thông, thuế... giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi không phải tới tận nơi nộp tiền.

Nhà neo người, lại phải thường xuyên đi công tác nên anh Quang Hiếu ở Đống Đa, Hà Nội thường bị nhân viên hãng viễn thông gọi rồi gửi hóa đơn giục đóng tiền cước. Có lần, anh nhờ người đến tận điểm thu cước để thanh toán, nhưng cũng có khi do bận nên quên. Kết quả là nhà mạng khóa dịch vụ Internet và chiều gọi đi của điện thoại di động.

"Nhiều lúc cáu nhưng rồi nghĩ lại cũng thấy lỗi một phần do mình. Bị cắt dịch vụ mãi, tôi quyết định đăng ký dịch vụ thanh toán cước di động qua ngân hàng. Giờ thì cứ nhận được tin nhắn báo cước là tôi chỉ cần ngồi văn phòng, bấm chuột chuyển khoản là xong", anh Hiếu nói.

Nhu cầu của khách hàng như anh Hiếu ngày càng gia tăng là lý do các ngân hàng ưu tiên hơn cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có Internet Banking. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến cuối năm 2013, số người dùng dịch vụ Internet Banking tăng 45% so với 3 năm trước đó. Khoảng 90% ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking và gần một nửa triển khai Mobile Banking.

Số doanh nghiệp hợp tác thanh toán bằng Internet Banking với ngân hàng cũng gia tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN TP HCM) đã hợp tác với 24 ngân hàng phát triển dịch vụ thu hộ tiền điện, đưa tỷ lệ thanh toán tiền điện qua ngân hàng năm 2013 lên 44,9% tổng doanh thu, tăng gấp 12,8 lần so với năm thí điểm 2007. Tổng công ty dự định sẽ chiết khấu tiền điện nếu thanh toán điện tử trước thời hạn 5 ngày nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Đầu năm 2014, Tổng cục Thuế cũng cho hay đã có 366.000 doanh nghiệp khai thuế qua mạng Internet, Tổng cục Thuế đã hợp tác với các ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, MB, BIDV, VPBank) để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tới 15.000 doanh nghiệp đến cuối năm. Ngoài điện và thuế, còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác chấp nhận thanh toán qua Internet Banking. Đáng chú ý nhất là đề án thanh toán và quản lý tiền học phí bằng “thẻ học đường SSC” và dịch vụ E-Banking của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.

Hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ Internet Banking đều cho rằng đây là một giải pháp hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và gánh nặng thủ tục cho khách hàng. Chị Hà, một nhân viên bưu điện cho biết, thay vì phải “trốn việc” về sớm để nộp tiền điện nước, tiền cáp quang, tiền học cho con cái, chị Hà có thể thanh toán mọi hóa đơn ngay tại văn phòng công ty. Anh Thắng - chồng chị Hà cũng tiết kiệm được nhiều thời gian và tránh các thủ tục rườm rà khi thanh toán tiền hàng cho đối tác, nộp thuế và điện nước cho doanh nghiệp của mình qua hệ thống Internet Banking. Bằng cách lưu lại lịch sử mọi hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Internet Banking còn làm minh bạch các khoản chi tiêu và giao dịch của cá nhân và doanh nghiệp, làm giảm thiểu tối đa rủi ro mất mát và đáp ứng yêu cầu bảo mật cao.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, Tienphongbank… đã đa dạng hóa tính năng cho dịch vụ. VPBank tập trung phát triển Internet Banking từ năm 2009 và chọn đây là mũi nhọn kinh doanh. Ngân hàng đã hoàn thiện một loạt tính năng cho dịch vụ “VPBank online”, hợp tác với các doanh nghiệp điện, nước, thuế, bảo hiểm, viễn thông, hàng không, tiêu dùng… Đồng thời, phát triển các tiện ích cao cấp như gửi tiết kiệm trực tuyến hưởng lãi suất hấp dẫn, tích điểm iCash đổi quà.

VPBank cũng đã gia nhập hệ thống 9 ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ chuyển tiền siêu tốc liên ngân hàng của Smartlink, giúp khách hàng chuyển tiền tức thời 24/7, với hạn mức thanh toán cao và mức phí hỗ trợ ưu đãi. Riêng với nhóm khách hàng doanh nghiệp, VPBank đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế triển khai dịch vụ thu hộ ngân sách Nhà nước, bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn đối với dịch vụ Internet Banking, khi mới có 22% dân số có tài khoản ngân hàng; 42 triệu thẻ ATM được phát hành (94% thẻ nội địa và 6% thẻ quốc tế); 13.500 cây ATM và 500.000 ví điện tử.

Các tin khác