Chống buôn lậu: Loay hoay "bịt" kẽ hở chính sách

Chính sách ưu đãi thuế với cư dân biên giới phải sửa theo hướng nào để giảm tình trạng cõng hàng hay thực trạng doanh nghiệp thuộc "luồng xanh" cũng tráo ruột là một vài vấn đề về chính sách chống buôn lậu mà nhiều bộ, ngành vẫn tỏ ra loay hoay trong cuộc họp vừa tổ chức ngày 21/7.

Chính sách ưu đãi thuế với cư dân biên giới phải sửa theo hướng nào để giảm tình trạng cõng hàng hay thực trạng doanh nghiệp thuộc "luồng xanh" cũng tráo ruột là một vài vấn đề về chính sách chống buôn lậu mà nhiều bộ, ngành vẫn tỏ ra loay hoay trong cuộc họp vừa tổ chức ngày 21/7.

Xây tường... trên núi chống hàng lậu

 

Đưa ra ý kiến tại cuộc họp về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại vừa được Tổng cục Hải quan tổ chức chiều nay (21/7), trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công An thẳng thắn đưa ra thực tế, tại một số nơi, lực lượng liên ngành đã phải xây tường trên núi để giảm tình trạng gùi hàng.

Tuy vậy, theo ông, biện pháp này cũng chưa thực sự hiệu quả bởi cơ quan chức năng "bịt chỗ này" thì hàng lậu lại "nảy ra chỗ kia." Do vậy theo ông Lực, việc sửa chửa phải bắt đầu từ chính sách.

Đại diện Bộ Công an lấy ví dụ về chính sách ưu đãi thuế với cư dân biên giới. Theo quy định, hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức mua, bán, trao đổi thì được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị mặt hàng đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày.

Tuy nhiên, theo ông, với số tiền trên, lượng hàng hoá được trao đổi của cư dân biên giới có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi ngày. Đây là số tiền không nhỏ và phần lớn đều được các đối tượng đầu nậu thuê người dân cõng hàng để trốn thuế. Vấn đề này ông Lực cho rằng cần tập hợp để sửa chữa cho phù hợp hơn với thực tế.

Sơ hở trên được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính một lần nữa nhắc tới và cho rằng điểm khó khống chế ở đây là đối tượng được hưởng ưu đãi là cư dân xã biên giới nên phạm vi khá rộng.

Ông Tuấn đề xuất chuyển việc ưu đãi này từ đơn vị cá nhân sang cơ chế hộ gia đình. Đặc biệt, đại diện ngành tài chính cho rằng cần rõ ràng quy định, nếu bà con mua hàng để dùng thì miễn thuế còn nếu bán ra thì chắc chắn phải thu.

Đưa ra ý kiến của mình, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại cho rằng, việc tính thuế với những mặt hàng cư dân biên giới đã mua nhưng bán ra phải được quy định thật cụ thể.

"Cần quy định rõ khi nào người dân mang hàng ra bán, phạm vi bán ra ở đâu,... thì mới tính thuế. Chúng ta phải tính chắc không những quy định lại có tình trạng chung chung, kém hiệu quả," ông Lê Bá Trình đưa ra ý kiến.

Hàng "luồng xanh" cũng tráo ruột

Đưa ra thực trạng khác, ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công An cho rằng, chính sách phân luồng để kiểm tra hàng hoá đang bị lợi dụng.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp có mánh hoạt động cầm chừng, "thể hiện" tốt với cơ quan chức năng để được xếp vào luồng xanh rồi lợi dụng để buôn lậu hàng.

Ông đưa ra ví dụ về một công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc luồng xanh, tức là được ưu tiên khi kiểm tra hàng hoá với danh mục hàng trong đăng ký là mủ cao su. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng trực tiếp mở hàng hoá thì "ruột hàng" lại là hàng chục mét khối một loại gỗ quý.

Vấn đề đại diện Bộ Công an nêu ra đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu hoàn thiện cơ chế quan lý rủi ro, đặc biệt cơ chế phân luồng hàng hoá chuyên nghiệp.

Cũng về kiểm tra hàng hoá, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt vấn đề, hàng giá rẻ, kém chất lượng hiện vẫn vượt cửa khẩu tràn vào thị trường trong nước. Bởi vậy, theo ông, cơ quan quản lý cần phải bàn cách để ngăn những mặt hàng này ngay từ biên giới.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đều nhất trí việc phải kiểm tra chất lượng, kiểm dịch hàng hoá ngay tại cửa khẩu.

Thậm chí, Thứ trưởng Vũ Văn Tám còn đề nghị việc cần có phòng thí nghiệm ở khu vực cửa khẩu để đảm bảo an toàn, chất lượng trong việc kiểm tra hàng hoá.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh lại cho rằng, đây là vấn đề cần bàn kỹ hơn vì việc kiểm tra, kiểm dịch tại tất cả các cửa khẩu đòi hỏi nguồn lực lớn.

Bởi vậy, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đề nghị thành lập đơn vị kiểm tra, thí nghiệm tại các thành phố và hàng hoá ở cửa khẩu của tỉnh nào sẽ đưa về trung tâm đó để kiểm tra.

"Việc này nên uỷ quyền cho địa phương, hàng hoá không phải đem về bộ hay Hà Nội," đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra ý kiến.

Ghi nhận những ý kiến này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng với những mặt hàng chất lượng kém. Thậm chí, khi lấy ví dụ về thực trạng nhập thiết bị y tế cũ nát, Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ Hải quan có nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là ở một số ngành hàng có lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa đạt yêu cầu; chính sách, thể chế vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo và các sơ hở, để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, trốn thuế. Đáng chú ý, tình trạng liên kết, tiếp tay với các đầu nậu trong buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tiếp diễn, gây hậu quả thất thu cho ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng khẳng định.

Lo lắng trước tình trạng hàng lậu, hàng giả bày bán tràn lan, Phó Thủ tướng đề nghị, để công tác này có hiệu quả cao, cần đăc biệt chú ý cải cách, rà soát về mặt thể chế, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan.

Các tin khác