Miền đất võ, trời văn

Từ thời vua Quang Trung cùng đội quân thần tốc tiến ra Bắc dẹp tan 29 vạn quân Thanh, người ta vẫn biết về Bình Định là mảnh đất võ, đến đàn bà con gái, chân yếu tay mềm cũng biết “đánh roi đi quyền”. Nhưng nếu ai đã từng đến Bình Định một lần sẽ khám phá được nhiều điều, mảnh đất ấy, con người nơi ấy không chỉ có chất khí khái cùng tinh thần thượng võ của người miền Trung.

Từ thời vua Quang Trung cùng đội quân thần tốc tiến ra Bắc dẹp tan 29 vạn quân Thanh, người ta vẫn biết về Bình Định là mảnh đất võ, đến đàn bà con gái, chân yếu tay mềm cũng biết “đánh roi đi quyền”. Nhưng nếu ai đã từng đến Bình Định một lần sẽ khám phá được nhiều điều, mảnh đất ấy, con người nơi ấy không chỉ có chất khí khái cùng tinh thần thượng võ của người miền Trung.

Thương hiệu “đất võ”

Bình Định, một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam (Vovinam), được mệnh danh là miền đất võ. Thời Tây Sơn ghi nhận là giai đoạn hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất của võ cổ truyền Bình Định, gắn liền với tên tuổi các thủ lĩnh phong trào nông dân Tây Sơn và những chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trải qua thời gian, võ cổ truyền Bình Định không ngừng được chọn lọc, nâng cao, trở thành một nhân tố văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong văn hóa tinh thần của người dân.

Nhiều lò võ được xây dựng và phát triển, nhiều môn phái được hình thành ở trong và ngoài nước tạo nên sự đa dạng, phong phú của võ Việt như Tinh võ đạo, Tráng sĩ đạo, Việt võ đạo, Quán khí đạo, Lam Sơn võ đạo... phát triển rộng khắp tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản…

Vì vậy, thời gian tới khi Festival võ cổ truyền Việt Nam sẽ được tổ chức ở TP Quy Nhơn (Bình Định) quy tụ hơn 50 đoàn võ từ các nước trên thế giới,  các làng võ, lò võ nơi đây như một “đại tổ đường” đón mọi người tìm về. Du khách quốc tế và những người yêu võ cổ truyền Vovinam khi về Bình Định đều muốn ghé thăm các di tích lịch sử văn hóa, các làng võ nổi tiếng dệt nên bao huyền thoại kỳ bí, thành tâm xúc động thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, cảm nhận tình yêu và sức hấp dẫn của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định.

Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định. 

Đến đất võ Bình Định ai cũng nghe tiếng những làng võ, lò võ nổi tiếng như dòng họ Trương (xã Phù Mỹ, huyện Mỹ Hiệp), dòng họ Đinh (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn), dòng họ Trần (thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn)… Những câu ca dao như: “Roi Kinh, quyền Bình Định”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, “Tiếng đồn An Thái, Bình Khê / Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo”… cho thấy một lịch sử sôi động và lâu dài của miền đất này.

Du khách đến với mỗi làng võ, võ đường Bình Định nghe các võ sư kể về quá trình hình thành và phát triển võ cổ truyền, kinh nghiệm của người đi trước và để tận mắt chứng kiến những đường roi, bài quyền tuyệt kỹ, để hiểu hơn về miền đất võ, giá trị võ cổ truyền.

Tôi tới làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) may mắn được tìm hiểu về một huyền thoại nổi tiếng đất Bình Định, cố võ sư Hồ Ngạnh với tuyệt kỹ làm rạng danh đường roi Thuận Truyền: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”.

Được nghe những giai thoại, chạm tay vào những kỷ vật của ông, tiêu biểu là 2 cây roi lớn làm bằng gỗ kền kền được Hồ gia giữ lại làm báu vật, được xem biểu diễn các bài roi độc đáo như Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… là những khoảnh khắc tôi sẽ lưu giữ mãi không thể quên.

Miền đất thi nhân

Bình Định không chỉ nổi tiếng là đất võ mà còn là miền đất của các thi nhân, nơi nâng cánh cho các hồn thơ của những tài năng lớn trong làng thi ca Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan…

Du khách đến Bình Định không thể không ghé qua Ghềnh Ráng Tiên Sa - một địa danh ở phía Đông Nam TP Quy Nhơn. Nơi đây đá chất trập trùng tạo thành hang, thành rạng, gành với khí hậu mát mẻ và phong cảnh hữu tình, được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ mát từ năm 1927. Dưới chân đồi Ghềnh Ráng, bên bờ gành là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn nên còn gọi là Bãi Trứng.

Bên cạnh sườn đồi là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đầm Thị Nại - bán đảo Phương Mai là đầm lớn nhất Bình Định chạy dài hơn 10km, bề rộng tới gần 4km với nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng bổ dưỡng. Nằm về phía Đông đầm Thị Nại là bán đảo Phương Mai với hệ thống núi đá trùng điệp và những đồi cát khổng lồ, địa điểm lý tưởng để du khách chơi trượt cát, tắm biển.

Đến với Bình Định, giữa trùng điệp núi, thi thoảng lại bắt gặp hình ảnh những ngọn tháp kiêu hãnh vươn giữa muôn vàn cây cối, giữa cái nắng bàng bạc lúc xế chiều. Không giống như tháp Chăm ở Mỹ Sơn xây quần tụ trong lòng một thung lũng, tháp Chăm ở Bình Định được rải đều trong 6 huyện.

Từ tháp nọ tới tháp kia cách nhau vài chục cây số. Theo đánh giá của những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm, những cụm tháp ở Bình Định đã đạt tới độ chín của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, dung hòa được những phong cách nghệ thuật Chămpa và Kh’mer khiến chúng khác nhiều, so với tháp Chăm ở nơi khác.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết Liên hoan không chỉ là một giải thi đấu võ thuật cổ truyền mà còn là nơi hội tụ của các giá trị văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc, là cơ hội để các dòng phái võ thuật cổ truyền trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau trên tinh thần thượng võ.

Có thể nói, đây là dịp để hậu duệ các môn phái chiêm nghiệm, tôn vinh các giá trị võ thuật cổ truyền của tiền nhân. Bên cạnh công việc chuẩn bị, tỉnh Bình Định đang tập trung quảng bá một số lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương như lễ hội chiến thắng Đống Đa, lễ hội chợ Gò, hội đánh Bài Chòi cổ… nhằm tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Bình Định, góp phần thu hút khách du lịch đến với mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này.

Sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như Lễ dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế Trời - Đất (tại Tây Sơn); Cuộc thi Người đẹp Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; Lễ hội đường phố… Để hạn chế tối đa nạn chặt chém, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh, nhà hàng, khách sạn phải niêm yết giá trước liên hoan 15 ngày, đảm bảo phục vụ du khách tốt nhất.

Các tin khác