Hồi sinh chữ Thái

Là người dân tộc Thái, suốt những năm tháng công tác, ông Hà Nam Ninh, hiện trú tại Khu phố 2, thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đã sưu tầm sách, nghiên cứu chữ Thái. Hơn thế, từ năm 2006, ông đã tích cực dạy chữ và cùng một số nhà văn hóa triển khai các công trình nghiên cứu chữ cổ.

Là người dân tộc Thái, suốt những năm tháng công tác, ông Hà Nam Ninh, hiện trú tại Khu phố 2, thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đã sưu tầm sách, nghiên cứu chữ Thái. Hơn thế, từ năm 2006, ông đã tích cực dạy chữ và cùng một số nhà văn hóa triển khai các công trình nghiên cứu chữ cổ.

Khao khát tìm bản sắc dân tộc

Ông Hà Nam Ninh bên bộ sưu tập "Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa".

Ông Hà Nam Ninh bên bộ sưu tập
"Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa". 

Hiện ở các huyện miền Tây tỉnh Thanh Hóa, có tới 85% người dân tộc Thái, Mường. Theo ông Hà Nam Ninh (chữ Thái là Kha Khun Nênh), chữ Thái có từ rất sớm và điều đó đã góp phần làm nên bản sắc, cũng như kho tàng văn hóa đặc sắc của họ. Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỷ 20, do sử dụng nhiều tiếng Kinh, chữ Thái bị mai một, ít người sử dụng. Dần dần từ đó, trở nên xa lạ đối với các thế hệ trẻ. Các bậc cha mẹ cũng không có ý thức dạy tiếng Thái cho con cái.

Từ năm 1980, sự khao khát tìm hiểu lại bản sắc dân tộc mình, tìm “gốc” của mình, ông Ninh đã lặn lội khắp các bản làng vùng Tây Thanh Hóa. Hễ nơi nào có người Thái sinh sống là ông tìm đến để tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu viết chữ Thái cổ, gặp những cụ già nói sõi tiếng Thái. Như “đứa trẻ tập nói”, ông đã học được những chữ đầu tiên.

Mỗi khi đi đâu nghe thông tin về kho tư liệu, ông đều tìm đến mua lại hoặc photocopy, nhiều khi ở những bản vùng sâu không có phương tiện, ông đành mượn gia chủ ngồi hì hụi chép lại. Có nhiều cuốn viết về ca dao tục ngữ, truyện thơ, bài khắp (hát Thái), những bài cúng mang đậm giá trị văn hóa tâm linh.

Bên cạnh đó các sách cổ này còn chứa đựng nhiều truyện thơ, bài thuốc, bài cúng có giá trị văn hóa tâm linh cũng như lịch sử hình thành nên vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt...

Ông Hà Nam Ninh trải lòng: “Trước đây có thời điểm người ta gần như bỏ quên chữ Thái cổ. Nhiều ghi chép văn tự cổ viết về cúng tế bị coi là mê tín dị đoan nên cũng bị hủy hoại, thất lạc nhiều”.

Năm 1985 ông bắt đầu tìm học chữ Thái cổ. Do là chữ tượng thanh được ghi âm ghép vần, nên lúc đầu có 15 nguyên âm, 36 phụ âm, sau đó các nhà nghiên cứu thấy thiếu một số từ nên thêm vào được 18 nguyên âm, 42 phụ âm. Đặc biệt chữ Thái cổ viết liền nhau rất dễ nhầm lẫn, sai một dấu có thể hiểu sai cả một đoạn văn. Cách ghép vần cũng khác so với tiếng Việt. Đặc biệt chữ Thái có khả năng ghi chép lại các ngôn ngữ khác như: tiếng Việt (kinh), tiếng Hán, tiếng Mường…

Tuy nhiên bằng sự quyết tâm, sự cần mẫn chịu khó sau hàng chục năm “rèn mài chữ nghĩa” ông đọc thông viết thạo. Sau đó, được tiếp xúc với nhiều văn tự cổ đọc hiểu ông lại càng say mê hơn nữa. Từ một nhà giáo say mê chữ dân tộc ông đi sâu vào nghiên cứu văn hóa.

Phổ biến nét văn hóa đặc sắc

“Ban đầu tưởng rất khó, nhưng đi sâu vào nghiên cứu và học, tôi đã tìm ra nguyên tắc, từ kết cấu phụ âm, nguyên âm cho tới ngữ pháp. Khi học được dễ dàng, tôi có thêm quyết tâm và nhận thấy thật ra việc học không khó, chỉ thiếu nhiệt huyết thôi” - ông Ninh tâm sự.

Kinh qua nhiều công việc, ông từng làm Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Trưởng phòng Giáo dục, Trưởng ban Dân vận huyện, rồi Chủ tịch Hội Cựu giáo chức… Năm 2004 ông nuôi khát vọng hồi sinh chữ Thái. Bản thân, sau khi đã “tìm được gốc gác”, thông thạo tiếng dân tộc Thái, ông Ninh bắt đầu nghĩ đến chuyện giúp cho nhiều người khác khỏi “mất gốc”.

Đó là làm sao để thêm nhiều người dân tộc mình biết sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách tốt nhất và phổ biến nhất để bảo lưu, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc. Bắt đầu từ năm 2006 ông vận động anh em người Thái đang làm cán bộ các cấp ở huyện đi học. Một số người có liên quan đến việc tiếp xúc với dân bản đi học. Ban đầu nhiều người ngăn cản ông đi dạy, nghiên cứu. Sau đó họ hiểu những việc ông làm, đã ủng hộ nhiệt tình. Sau đó nhiều ủy viên thường vụ huyện đi học, rồi công an, kiểm lâm… cũng tích cực học để hiểu văn hóa, hiểu tiếng dân tộc.

Từ 2007 Sở Giáo dục-Đào tạo Thanh Hóa nhận thấy những việc làm hay của thầy Ninh và cho rằng việc dạy chữ Thái là cần thiết nên đã phối hợp bồi dưỡng cho các giáo viên. Đến nay ông Ninh đã dạy được 5 khóa, mỗi khóa khoảng 100 người. Năm 2014 Trường Đại học Hồng Đức đề xuất tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu để dạy phổ biến tiếng dân tộc cho cán bộ công chức cho các huyện.

Tuy nhiên, có một điều khiến người thầy nhiều tâm huyết này trăn trở là hiện mới có người lớn ý thức được việc học chữ Thái. Trong khi đó, đối tượng học sinh rất cần phải học, nhưng do chương trình học ở trường rất nặng, không có cách nào “chen” vào được.

Thầy Ninh trăn trở: “Việc học của người lớn đã quan trọng, việc học của trẻ em còn quan trọng hơn. Hiện nay nhiều cán bộ người dân tộc đi ra công tác, càng lớn tuổi càng thấy mình mất gốc, càng muốn học. Các anh em dưới xuôi lên công tác cũng muốn học để giao lưu với bà con. Khi có vốn kiến thức, họ hiểu bà con cũng phục vụ tốt hơn cho công việc”.

Nói đến thầy Ninh, không thể không nhắc đến những công trình nghiên cứu lớn. Đó là biên soạn cuốn “Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa”, dày hơn 2.000 trang; bộ “Dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa”, “Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái”; phối hợp với Sở Nội vụ, chỉnh sửa tài liệu “Dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công tác vùng cao”… Chưa hết, thầy Ninh còn làm thơ, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa.

Mới đây, ông Ninh in tập thơ “Dấu chân trên bản Mường”. Đọc thơ ông, bạn đọc hiểu thêm về lịch sử, địa lý ở miền núi. Nhà thơ xứ Thanh, ông Lê Huy Hoàng nhận xét: “Hà Nam Ninh luôn có mặt trên khắp nẻo đường của miền núi và với phong cách “vừa đi đường vừa làm thơ”, nhưng thơ anh lại không phải là thơ phong trào. Chất văn, ngôn ngữ văn chương vẫn được toát lên”.

Bây giờ mái đầu đã hoa râm nhưng Hà Nam Ninh vẫn xốc vác, năng nổ đúng như thơ ông viết: “Mùa xuân trồng bắp, làm thơ / Mùa hè dạy học đội mưa đánh chài / Mùa thu dịch sách viết bài / Mùa đông leo núi dao gài thắt lưng / Dấu chân in khắp bản Mường…”.

Các tin khác