Thay đổi cách tiếp cận công nghệ cao

Sau 11 năm hình thành, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã có đóng góp to lớn vào nền kinh tế nhờ thu hút đầu tư trên 2,3 tỷ USD, hiệu quả kinh tế gấp 74 lần so với các khu công nghiệp khác và chiếm 85% giá trị xuất khẩu/năm. Tuy nhiên, năm 2014 mới được xác định là năm bản lề cho sự thay đổi toàn diện về chất của SHTP trong tương lai. Ông Lê Hoài Quốc (ảnh), Trưởng Ban Quản lý SHTP, đã chia sẻ với ĐTTC những trăn trở về hướng phát triển thu hút công nghệ cao hiện nay.

Sau 11 năm hình thành, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã có đóng góp to lớn vào nền kinh tế nhờ thu hút đầu tư trên 2,3 tỷ USD, hiệu quả kinh tế gấp 74 lần so với các khu công nghiệp khác và chiếm 85% giá trị xuất khẩu/năm. Tuy nhiên, năm 2014 mới được xác định là năm bản lề cho sự thay đổi toàn diện về chất của SHTP trong tương lai. Ông Lê Hoài Quốc (ảnh), Trưởng Ban Quản lý SHTP, đã chia sẻ với ĐTTC những trăn trở về hướng phát triển thu hút công nghệ cao hiện nay.

PHÓNG VIÊN: - Năm 2014 đã đi được nửa chặng đường, xin ông cho biết những kết quả trong thu hút đầu tư tại SHTP?

-Ông LÊ HOÀI QUỐC: - Những tháng đầu năm, nền kinh tế chung trong nước và thế giới gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các nước lân cận như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, diễn biến phục hồi kinh tế đang diễn biến tốt.

Đối với TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, khả năng thu hút đầu tư không có dấu hiệu suy giảm. Từ đầu năm đến nay, SHTP đã có 4 nhà đầu tư mới, thu hút số vốn trên 333 triệu USD, vượt gấp rưỡi kế hoạch ban đầu. Lũy kế đến nay đạt trên 2,27 tỷ USD. Dự báo đến cuối năm, có nhiều nhà đầu tư mới đang làm thủ tục cấp phép.

Trong đó, có DN FDI có kế hoạch đầu tư với số vốn lên đến cả tỷ USD. Một thuận lợi không nhỏ đang có một làn sóng chuyển đầu tư DN Nhật Bản sang các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là khả năng cung ứng nguồn nhân lực quản trị cao cấp và sản phẩm phụ trợ. Nhưng nhìn chung chúng ta vẫn đáp ứng được lực lượng lao động cơ bản, bao gồm cả lao động phổ thông và kỹ sư bậc cao.

- Thu hút đầu tư vẫn tăng dù ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được đánh giá là kém phát triển. Tại sao lại xảy ra nghịch lý này?

- Thực ra, vấn đề này đã được chúng  ta nhận diện từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, mặt bằng lương tối thiểu của chúng ta thấp, chi phí cho nguồn lao động thấp. Với mức chênh lệch mặt bằng chi trả nhân công trong nước và thị trường bên ngoài, các DN FDI vẫn có lời dù phải nhập khẩu linh phụ kiện (trong khi thuế suất nhập khẩu gần như bằng 0). Đây là mấu chốt khiến dòng tiền FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam.

SHTP đang bước vào xây dựng giai đoạn 2 với Khu Không gian khoa học. SHTP muốn thúc đẩy đồng thời cả 3 hoạt động: Nghiên cứu phát triển, đào tạo và ươm tạo. Trong đó, ươm tạo những DN có công nghệ mới là đích cuối cùng. Việc tạo ra nhiều DN như vậy mới mong thay đổi về chất cho công nghệ cao tại Việt Nam. Những dự án công nghệ cao muốn vào SHTP phải minh chứng khâu mang lại giá trị gia tăng cao, và Việt Nam thụ hưởng gì trong tổng lợi nhuận giá trị gia tăng đó.

Ông Lê Hoài Quốc,
Trưởng Ban Quản lý SHTP

Hiện nay, bên cạnh mục tiêu nâng dần mặt bằng lương cho người lao động, song song đó SHTP đang xây dựng “Đề án phát triển ngành CNHT cho công nghệ cao” với nhiều ưu đãi dành cho DN về thuế suất và tiền thuê đất.

Để phù hợp với đặc thù của ngành CNHT thường là những DN vừa và nhỏ, SHTP có chính sách xây dựng nhà xưởng cho thuê với giá 4,5USD/m2/tháng. Ngoài ra, DN đầu tư vào SHTP được vay tối đa 70% trên tổng vốn cố định trong thời gian không quá 7 năm; được hỗ trợ 10-30% chi phí đào tạo kỹ thuật các ngành công nghệ…

Tuy nhiên, muốn phát triển ngành CNHT trong nước, cần chính sách phù hợp, không thể làm nóng vội. Ngay cả khi đủ trình độ công nghệ sản xuất được linh phụ kiện đạt chuẩn cũng chưa chắc các DN sản xuất chịu mua. Bởi lâu nay họ đã có bạn hàng thân thiết. Vì vậy, chúng ta phải có chính sách khôn ngoan thu hút đầu tư ngay từ ban đầu, sẵn sàng tạo cơ chế mạnh hơn, đặc biệt hơn kéo nhà đầu tư về Việt Nam.

Nhưng ngược lại, các cơ quan chức năng cần yêu cầu cam kết sau một thời gian, nhà đầu tư phải tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, có lộ trình chuyển giao công nghệ thiết bị phụ trợ cho chính các DN bản địa. Có như vậy, chúng ta mới có nền CNHT nội địa thực sự.

- Bắt buộc các DN đầu tư phải tăng tỷ lệ nội địa hóa có là giải pháp khả thi nâng cao năng lực nội sinh công nghệ cao tại Việt Nam?

- Tôi lấy thí dụ, năm 2013, Tập đoàn Sanofi, chuyên sản xuất dược phẩm, xin đặt nhà máy tại SHTP. Điều kiện đặt ra ngay cho Sanofi là phải xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm tại đây, đồng thời đào tạo cho chuyên gia trong nước. Nếu không, chúng tôi không chấp nhận.

Chính cách làm quyết liệt đó, SHTP không chỉ có Sanofi và hàng chục nhà đầu tư FDI cam kết thực hiện chuyển giao nghiên cứu, đào tạo. Ngoài ra, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa theo từng năm cũng là điều kiện bắt buộc cho nhà đầu tư mới. Hiện DN đạt tỷ lệ này cao nhất tại SHTP đã lên đến 30%. Chúng tôi đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao tới năm 2015 là 25% và đến 2020 đạt 40%.

Tuy nhiên, để đạt được điều này rất khó. Như DN FDI đang nhập khẩu linh phụ kiện từ các DN phụ trợ nước ngoài, vốn là bạn hàng lâu năm. Bây giờ, chúng ta phải có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện để DN FDI đưa các bạn hàng cung ứng cùng đến Việt Nam.

Lúc đó, họ vẫn đảm bảo được cam kết nội địa hóa. Cho nên, các chính sách cần yêu cầu DN FDI phải tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng các sản phẩm của các DN trong nước hoặc tiến hành chuyển giao có lộ trình đối với thiết bị, linh phụ kiện. Ngược lại, DN đầu tư được bù lại bằng những ưu đãi.

Nếu không đưa ra điều kiện chặt chẽ ngay từ đầu, các DN nước ngoài đến SHTP chỉ để tận dụng những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn nhân lực rẻ… Họ không đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) và đến khi rút đi, chúng ta chẳng được gì dù đó là những thương hiệu lớn toàn cầu.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác