Tăng thu dịch vụ bù tín dụng

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của các NHTM đã cho thấy tín hiệu đáng mừng đó là thu nhập lãi từ dịch vụ tăng mạnh, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của NH. Điều này cho thấy các NHTM đang quyết tâm khai thác mảng này để gỡ khó khi tín dụng nghẽn dòng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài chú trọng đến việc tăng lợi nhuận, NH cũng cần phải quan tâm đầu tư chất lượng dịch vụ mới có thể có được nguồn thu bền vững.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của các NHTM đã cho thấy tín hiệu đáng mừng đó là thu nhập lãi từ dịch vụ tăng mạnh, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của NH. Điều này cho thấy các NHTM đang quyết tâm khai thác mảng này để gỡ khó khi tín dụng nghẽn dòng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài chú trọng đến việc tăng lợi nhuận, NH cũng cần phải quan tâm đầu tư chất lượng dịch vụ mới có thể có được nguồn thu bền vững.

Lợi nhuận bù vào dự phòng

Trong kết quả kinh doanh những tháng đầu năm của các NHTM, nợ xấu và tín dụng vẫn còn là vấn đề gây nhiều nỗi lo. Để giải quyết khối nợ xấu đang gánh, các NHTM quốc doanh lên kế hoạch bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trong năm 2014, Vietcombank dự kiến bán từ 1.000-1.200 tỷ đồng nợ xấu, BIDV dự kiến bán 2.000 tỷ đồng và VietinBank dù trước đó khẳng định không bán nợ xấu để tự xử lý nhưng hiện cũng đã lên kế hoạch bán khoảng 1.500 tỷ đồng. Việc các NH chủ động bán nợ xấu cũng dễ hiểu, bởi hiện nay hệ quả từ nợ xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận NH.

Đơn cử 6 tháng đầu năm 2014, Vietcombank đạt 5.178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhưng trích dự phòng rủi ro đến 2.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đạt 3,06%. Hiện dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng 6,63% nhưng tính cả các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hay như VIB vừa công bố lợi nhuận 6 tháng trước dự phòng đạt 598 tỷ đồng, nhưng phải trích lập dự phòng rủi ro đến 447 tỷ đồng.

Theo các NHTM, vài năm gần đây nợ xấu buộc các NH phải trích lập dự phòng rủi ro cao nên lợi nhuận bị bào mòn, khó khăn càng chồng chất. Còn năm nay, tăng trưởng tín dụng rất khó khăn, NH phải áp dụng lãi suất thấp để cạnh tranh trong khi chi phí vốn vẫn cao nên nguồn thu rất hạn hẹp.

Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ ở mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn, từ 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Thậm chí các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ vay ở mức 6-7%/năm.

Cạnh tranh tăng thu từ dịch vụ

Tuy nhiên, một điểm sáng trong kết quả kinh doanh của các NH trong những tháng đầu năm 2014 là nguồn thu từ dịch vụ đã có nhiều khởi sắc. 6 tháng đầu năm Vietcombank thu nhập thuần từ lãi chỉ tăng 9% nhưng thu dịch vụ tăng 15,11% Sacombank đạt 1.531 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhưng trong đó thu ngoài lãi đạt 551 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở quý I, Techcombank đã thông báo các dịch vụ thanh toán và tiền mặt, tư vấn và dịch vụ khách hàng mang về nguồn thu đến 435 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2013. MB đạt 205 tỷ đồng trong hoạt động dịch vụ bảo lãnh, thanh toán, tiền mặt. Các NH khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ở mức cao như VietinBank tăng đến 29%, VPBank tăng 29%, DongABank tăng 27%...

Theo Tổng giám đốc một NHTM, nguồn thu từ lãi thấp buộc các NH phải chủ động tìm kiếm hướng đi mới theo hướng chuyển dịch dần, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Bởi theo chuẩn mực của các NH lành mạnh, thu nhập từ tín dụng chỉ chiếm khoảng 50-55% tổng lợi nhuận, còn lại được đóng góp từ mảng dịch vụ như chuyển tiền, phát hành thẻ, dịch vụ du học, dịch vụ ngoại tệ, mở L/C…

Cũng giống như trên thị trường tín dụng, trên thị trường dịch vụ các NH cũng đang có sự chạy đua cạnh tranh rất khốc liệt để hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm. Khá thành công khi phát triển lĩnh vực dịch vụ, lãnh đạo Techcombank cho biết để có được kết quả như vậy, NH phải đầu tư số vốn khá lớn về công nghệ, nguồn nhân lực dài hạn và liên tục.

Trong khi đó, các NHTM quốc doanh với lợi thế nhiều công ty con cũng đang thúc đẩy các hoạt động dịch vụ để đóng góp vào sự phát triển chung. Cụ thể, công ty chuyển tiền Vietcombank sau khi triển khai được 2 phòng giao dịch và 52 đại lý tại các bang của Hoa Kỳ hiện đang xin giấy phép hoạt động tại các bang khác để tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh doanh số chuyển tiền qua các đại lý. 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã đạt doanh số 11,9 triệu USD.

Không chùn bước trước sự thành công của các NH đi trước, nhiều NH khác cũng đang sốt sắng đầu tư, khai thác những mảng nhiều tiềm năng với kỳ vọng cải thiện nguồn thu từ mảng dịch vụ. Quý I-2014, VIB đã ký hợp đồng mua hơn 140 máy ATM, tăng 75% số lượng máy ATM. Viet Capital Bank mới đây cũng ra mắt dịch vụ Mobile Banking dành cho điện thoại di động hoặc máy tính bảng và khuyến mại rầm rộ để thu hút người dùng.

Lo ngại chất lượng dịch vụ

Trên mảng dịch vụ, các NH có lợi thế đầu tư trước đang “hái quả”, còn những NH đi sau buộc phải chịu cảnh đầu tư trước thu tiền sau để giành khách hàng. Do vậy, dịch vụ Mobile Banking vừa triển khai tại Viet Capital Bank phải miễn phí hầu hết các dịch vụ như đăng ký sử dụng, phí dùng hàng tháng, yêu cầu cấp lại tên truy cập/mật khẩu, yêu cầu thay đổi/bổ sung thông tin.

Còn với VIB phải duy trì chính sách miễn phí rút tiền tại 14.000 ATM (của nhiều NH) trên toàn quốc dù đặt mới hàng loạt máy ATM. Do vậy, thoạt nhìn cứ ngỡ khi NH chú trọng vào dịch vụ người dân sẽ được hưởng lợi, nhưng thực tế mảng dịch vụ càng phát triển thì khách hàng phải gánh chịu thêm nhiều loại phí. Bởi các NH chịu thiệt miễn phí để thu hút khách hàng thời gian đầu, nhưng về sau sẽ tăng thu. Nếu muốn sử dụng các dịch vụ NH kể trên, khách hàng mở thẻ ATM và khi sở hữu một chiếc thẻ chủ thẻ phải trả hàng loạt phí liên quan như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí cấp lại thẻ, phí cấp lại mã PIN, phí xác nhận số dư tài khoản, phí rút tiền, phí in sao kê, vấn tin tài khoản, phí chuyển khoản, phí dịch vụ SMS báo có…

Chỉ với phí dịch vụ SMS, các NHTM thu từ 8.000-8.800 đồng/thẻ/tháng, với hàng triệu thẻ đã phát hành, nguồn thu của NH đã rất đáng kể. Chưa dừng lại ở đó, gần đây nhiều NH còn điều chỉnh tăng mức phí đối với hàng loạt dịch vụ liên quan đến dịch vụ thẻ. Điều đáng chú ý là NH chỉ mới chạy theo lợi nhuận nhưng lại chưa chú trọng đến chất lượng. Chẳng hạn các loại phí đối với thẻ ATM cao nhưng máy ATM lại thường xuyên gặp sự cố nghẽn mạng, hết tiền gây ra không ít phiền toán cho người sử dụng.

Nhiều NH chú trọng tăng thu dịch vụ bù tín dụng. Ảnh: LONG THANH

Nhiều NH chú trọng tăng thu dịch vụ bù tín dụng. Ảnh: LONG THANH

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng khi phục vụ khách hàng, NH cũng phải tốn nhiều chi phí nên việc thu phí dịch vụ là đương nhiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều NH vẫn thu phí quá cao trong khi dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu.

Vì vậy, nếu dịch vụ kém, phí cao họ sẽ không sử dụng và tìm những giải pháp thay thế tiện ích hơn. Hiện các NH đã có lợi thế phát triển dịch vụ, cách tốt nhất để tiếp tục duy trì và gia tăng lợi nhuận từ mảng dịch vụ NH phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân chứ không thể vịn vào lý do thu không đủ chi khi giải trình về chất lượng dịch vụ kém. Điều này sẽ khiến NH đánh mất khách hàng. 

Các tin khác