Sôi động thương mại điện tử

Với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được kỳ vọng đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.

Với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được kỳ vọng đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.

Thị trường tiềm năng

Vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa thực hiện một vài thao tác đơn giản trên màn hình máy tính, Nguyễn Hữu Hòa đã hoàn tất một giao dịch mua chiếc điện thoại di động, không phải mất thời gian đến các cửa hàng để xem. Việc cuối cùng là ngồi chờ người mang hàng đến giao.

Vài năm trở lại đây, xu hướng mua sắm online đang ngày càng được nhiều người, đặc biệt giới trẻ ưa chuộng. Theo đó, ngồi một chỗ nhưng có thể xem rất nhiều mặt hàng, nhiều thương hiệu, so sánh giá để đưa ra quyết định mua. Thói quen này sẽ là khởi nguồn cho sự bứt phá của mảng TMĐT Việt Nam. Xét về tiềm năng có rất nhiều số liệu để minh chứng. Hiện nay có 36 triệu người Việt Nam truy cập internet trong tổng số hơn 90 triệu dân, chiếm gần 40%.

Năm 2013, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin tiến hành khảo sát tình hình mua sắm trực tuyến đối với cá nhân với sự tham gia của 781 người có sử dụng internet tại Hà Nội và TPHCM. Tỷ lệ người truy cập internet và mua sắm trực tuyến là 57%, ước tính doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa DN với khách hàng) khoảng 2,2 tỷ USD.

Theo dự báo đến năm 2015 Việt Nam có khoảng 40-45% dân số sử dụng internet. Bên cạnh việc tăng trưởng tỷ lệ sử dụng internet của người dân, tốc độ phát triển kinh tế, khung pháp luật TMĐT cũng từng bước hoàn thiện, xu hướng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics và hạ tầng thanh toán dần được quan tâm, giá trị mua hàng trực tuyến của mỗi khách hàng vào năm 2015 sẽ tăng thêm 30USD so với năm 2013, dự báo doanh số TMĐT B2C của Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015.

Với riêng từng DN, doanh thu từ mảng TMĐT cũng khá ấn tượng. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thế giới di động, cho biết doanh thu từ bán hàng online trong năm 2013 là 450 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng doanh thu và trong thời gian tới dự kiến đạt khoảng 100 tỷ đồng/tháng.

Thanh toán vốn bị coi là một trong những trở ngại cho sự phát triển của TMĐT hiện nay đang từng bước được khắc phục. Trong 164 DN kinh doanh TMĐT tham gia khảo sát có tới 48% website TMĐT đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến.

Cụ thể, một số DN lớn trong lĩnh vực này đã có những đầu tư chu đáo mảng thanh toán, như website chodientu.vn đã sớm liên kết với nhiều ngân hàng, đồng thời cho ra mắt cổng thanh toán nganluong.vn. Hay Lazada hiện hỗ trợ thanh toán bằng thẻ ATM cho 25 ngân hàng thông qua cổng thanh toán Smartlink…

Cuộc chiến đang căng

Xét về doanh thu, chodientu và Ladaza là 2 website TMĐT đang dẫn đầu thị trường với thị phần: chodientu.vn chiếm 29%, Lazada.vn 22%, tiếp đến là vatgia.com 15%… Cuộc đua giữa chodientu.vn và Lazada.vn đang ngày càng khốc liệt khi khoảng cách doanh thu không quá lớn. Trong năm 2013, Lazada đã phát triển mô hình Marketplace nhằm phát triển thêm mảng TMĐT C2C (giao dịch người tiêu dùng với người tiêu dùng) song hành với B2C.

C2C cũng chính là hoạt động cốt lõi của chodientu.vn. Có ý kiến cho rằng Lazada.vn đang thể hiện lợi thế mạnh vì tiền để phát triển nhanh, mạnh và tạo một cuộc chiến căng thẳng với chodientu.vn. Tuy nhiên, chodientu với sự góp sức của ebay cũng chưa thể nói trước được điều gì.

Miếng bánh hấp dẫn trong mảng TMĐT đang lôi kéo nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Vào những tháng đầu năm 2014, Tập đoàn Vingroup đã công bố việc thành lập Công ty TNHH VinE-Com để tham gia lĩnh vực TMĐT. Theo đó, công ty này có vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng, trong đó Vingroup đóng góp 70%. Mới đây nhất, FPT cũng hoàn tất thương vụ mua lại website 123mua của VNG. 123mua sẽ được quản lý bởi sendo.vn, một sàn giao dịch thương mại của FPT.

Theo đại diện FPT việc mua lại 123mua cũng chính là lời cam kết lâu dài của FPT với TMĐT Việt Nam. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, sau thương vụ ebay mua 20% cổ phần của chodientu.vn vào năm 2011, đến nay đã có sự tham gia của nhiều DN nước ngoài hơn. Cụ thể, năm 2013, MOL đã mua lại 50% cổ phần của nganluong.vn; hay Tập đoàn Sumitomo đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của CTCP Tiki (Tki.vn) thông qua việc đầu tư và nắm giữ khoảng 30% cổ phần trong Tiki. Trước Sumitomo, Tiki.vn được một quỹ đầu tư mạo hiểm khác của Nhật Bản là CyberAgent Ventures rót vốn.

Chọn mua hàng qua internet. Ảnh: Kim Ngân

Chọn mua hàng qua internet. Ảnh: Kim Ngân

Sự có mặt của nhiều DN lớn nước ngoài dự báo mở ra sự phát triển khả quan của TMĐT Việt Nam. Hầu hết nhà điều hành đều rất tự tin cho sự phát triển của mình.

Một thí dụ có thể thấy, trong lần chia sẻ với ĐTTC cách đây khoảng 1 năm, Tom Trần (sáng lập kay.vn) đặt ra mục tiêu trong vòng 1 năm sẽ làm cho kay.vn trở thành một trong những website TMĐT được tin cậy nhất tại Việt Nam. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, Tom Trần đã cho mở thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm bên cạnh website. Kay.vn cũng là một trong những website tiên phong với hình thức này. 

Các tin khác