Cổ phiếu xây dựng phân hóa mạnh

Vừa le lói tín hiệu hồi phục từ thị trường bất động sản thì doanh nghiệp xây dựng lại phải đối mặt với khó khăn mới là chi phí đầu vào. Chính vì vậy, hiện tượng phân hóa giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Vừa le lói tín hiệu hồi phục từ thị trường bất động sản thì doanh nghiệp xây dựng lại phải đối mặt với khó khăn mới là chi phí đầu vào. Chính vì vậy, hiện tượng phân hóa giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Rủi ro kép

Theo thống kê, tháng 6-2014, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao thứ 2 (sau nhóm thuốc và dụng cụ y tế) với mức tăng 0,61% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 nhóm này tăng 5,02%. Nguyên nhân do nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát đều tăng giá bán do giá xăng dầu, điện và chi phí vận chuyển tăng. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty xây dựng, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Trong quý I-2014, lợi nhuận biên gộp bình quân của các công ty xây dựng niêm yết giảm xuống 15,1% so với 15,6% trong quý I-2013. Lợi nhuận biên hoạt động bình quân giảm từ 8,3% trong quý I-2013 xuống còn 7,7% trong quý I-2014. Tác động này sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II do chỉ số giá vật liệu xây dựng trong các tháng của quý II-2014 vẫn trong xu hướng tăng.

Ngoài vấn đề đầu vào, khoản phải thu từ khách hàng vẫn là gánh nặng và rủi ro đối với các công ty trong ngành. Theo thống kê của CTCK Maybank KimEng, tính tổng các công ty niêm yết trong ngành, khoản phải thu cuối quý I-2014 đã giảm khoảng 5% so với thời điểm cuối 2013, nhưng vẫn chiếm đến 30% tổng tài sản. Các khoản phải thu khó đòi vừa ảnh hưởng đến lợi nhuận do phải trích lập dự phòng, vừa ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của các công ty.

Đối với phần lớn các công ty trong ngành, rủi ro này sẽ chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp xây dựng công bố kết quả kinh doanh quý II, nhưng nếu nhìn vào kết quả kinh doanh quý I có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng tăng trưởng âm do cùng lúc đối mặt với 2 rủi ro trên.

Đại gia bứt phá

Tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực xây dựng trong thời điểm hiện tại chỉ có thể nhắc đến là hiệu quả kinh doanh của các công ty lớn, có uy tín trong ngành như CTCP Xây dựng Cotec (CTD), CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC). Các doanh nghiệp này liên tục trúng thầu nhiều hợp đồng xây dựng mới từ đầu năm đến nay, giá trị hợp đồng mới ký tăng đáng kể so với năm trước. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng khởi công lại một số dự án trước đây phải hoãn thi công.

Theo HBC, từ đầu năm đến nay HBC đã thắng thầu trên 5.000 tỷ  đồng, trong đó có nhiều dự án lớn như: Saigon Center (1.600 tỷ đồng), VietinBank Tower (2.900 tỷ đồng), 2 dự án căn hộ của Novaland tại TPHCM (520 tỷ đồng)…

Những dự án mới này cộng với 2.800 tỷ đồng từ năm 2013 chuyển sang thì tổng giá trị công việc hiện nay đã đạt khoảng 8.000 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ năm 2014, cổ đông của HBC đã thông qua kế hoạch doanh thu đạt 5.000 tỷ  đồng (tăng 46%), lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỷ đồng (tăng 640%). Với những công trình trúng thầu dồn dập như hiện tại khả năng HBC về đích là điều có thể dự báo trước.

Ngoài ra, các công ty này cũng chủ động tăng tỷ trọng các công trình công nghiệp với thời gian thực hiện ngắn hơn và ít rủi ro nợ phải thu từ khách hàng hơn. Đơn cử là trường hợp CTD. Với những khó khăn ở mảng xây dựng nhà ở và khách sạn, CTD đã chủ động chuyển hướng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực xây dựng thương mại và công nghiệp với dòng tiền ổn định và tiềm năng tăng trưởng cao hơn khi vốn đầu tư  FDI vào Việt Nam đang tăng trở lại.

Nhờ đó, cơ cấu doanh thu của CTD cũng thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng mảng thương mại, nhà xưởng đồng thời giảm tỷ trọng mảng nhà chung cư và resort, khách sạn. Theo thống kê, doanh thu từ mảng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất 39% trong tổng doanh thu trong năm vừa qua với nhiều dự án như: Nhà máy Coca Cola, Nhà máy Kính Essilor, Nhà máy Tôn Phương Nam, Nhà máy Sợi màu Brotex. Với chiến lược mở rộng sang mảng xây dựng công trình hạ tầng dân dụng, CTD đã có kế hoạch hợp tác với Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao Thông 1 (Cienco 1) và CTCP Nền móng và Công trình ngầm Fecon (FCN) để thành lập công ty chuyên về  xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng.

Mặt bằng sắt thép đã nhích lên do giá điện, xăng tăng. Ảnh: LONG THANH

Mặt bằng sắt thép đã nhích lên do giá điện, xăng tăng. Ảnh: LONG THANH

Theo nhận định của CTCK Vietcombank, liên doanh với Cienco 1 sẽ tạo cơ hội để CTD tiếp cận các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, sau đó có thể trực tiếp thu phí hoặc bán quyền thu phí lại cho các đơn vị thu phí chuyên nghiệp khác. Đây là chiến lược phù hợp với xu thế hiện nay do chủ trương đẩy mạnh xây dựng hạ tầng của Chính phủ.

Đặc biệt, thu phí từ những dự án BOT sẽ đảm bảo nguồn thu nhập đều đặn cho CTD và tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Được biết, trong khi phần lớn các doanh nghiệp xây dựng không chi trả cổ tức do làm ăn không hiệu quả, thì CTD lên kế hoạch trả cổ tức cho năm 2014 là 20%, HBC 15%.

Các tin khác