Blue chip giữ nhịp thị trường

Sự ổn định của nhóm CP có vốn hóa lớn đã góp phần giúp cho thị trường duy trì được sắc xanh trong những phiên giao dịch gần đây. Dự báo diễn biến của thị trường có thể duy trì trong tình trạng này đến hết tháng 7.

Sự ổn định của nhóm CP có vốn hóa lớn đã góp phần giúp cho thị trường duy trì được sắc xanh trong những phiên giao dịch gần đây. Dự báo diễn biến của thị trường có thể duy trì trong tình trạng này đến hết tháng 7.

Trái với diễn biến giảm điểm ở phần lớn các thị trường châu Âu và châu Á trước thông tin về vụ máy bay MH17 của Malaysia rơi ở Ukraine, TTCK trong nước lại giao dịch khá khởi sắc. Trong tuần qua được đánh giá khá tích cực với điểm nhấn là phiên giao dịch ngày 18-7. Phiên giao dịch này diễn ra khá sôi động khi cả 2 chỉ số chốt phiên trong sắc xanh.

Chốt phiên, VN Index tăng 5,89 điểm (tương đương 0,99%) lên mức 596,26 điểm, trong khi HNX Index tăng 0,29 điểm (tương đương 0,36%) lên 81,14 điểm. Độ rộng thị trường mở rộng không đáng kể trên HOSE với 103 mã tăng so với 98 mã giảm, nhưng thu hẹp nhẹ trên HNX với 80 mã tăng so với 95 mã giảm.

Như vậy, kết tuần giao dịch vừa qua, 2 chỉ số đều có mức tăng đáng kể so với tuần trước khi VN Index tăng 2,31%, HNX Index tăng 3,21%. Thanh khoản dù giảm về khối lượng (trung bình đạt 100 triệu CP/phiên) nhưng lại tăng nhẹ về giá trị, đạt 8.159 tỷ đồng trên HOSE và 2.759 tỷ đồng trên HNX.

Điểm sáng trong phiên giao dịch ngày 18-7 là mã FPT (CTCP Tập đoàn FPT). Nếu trong phiên sáng, thị trường vẫn giữ kịch bản giằng co như các phiên trước, đến phiên chiều, thị trường khởi sắc lên với “đầu tàu” mã FPT khi có thông tin hãng Apple sẽ thâu tóm tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này (tin này được cho là xuất phát từ trang tin Techinsider.net, sau đó FPT đã bác bỏ thông tin này).

Không lâu sau đó, các mã blue chip khác như VNM, PVD, BVH, VCB cũng tăng điểm “dây chuyền” nhờ dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, từ đó giúp VN Index chinh phục ngưỡng kháng cự 592-594.

Tuần vừa qua, khối ngoại chuyển từ vị thế mua ròng sang bán ròng trên HOSE và giảm nhẹ lượng mua ròng trên HNX. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 39,16 tỷ đồng trên HOSE, chủ yếu các mã PPC, DRC, MWG, HT1, STB, VCB. Trên HNX, khối ngoại mua ròng với tổng giá trị 87,18 tỷ đồng...

Một hiện tượng không thể không nhắc đến trong tuần vừa qua là mã MWG (CTCP Đầu tư Thế giới di động). Sau khi chào sàn vào phiên giao dịch 14-7, mã CP này đã tăng trần trong 5 phiên liên tiếp, từ 68.000 đồng/CP lên 106.000 đồng/CP, tương đương mức tăng hơn 55%.

Có thể khẳng định, tuần giao dịch vừa qua chính là tuần giao dịch của các CP vốn hóa lớn khi nhóm CP này tăng tốt hơn hẳn nhóm CP có mức vốn hóa trung bình và nhỏ. Theo CTCK BIDV, một phần nguyên nhân do nhóm CP vốn hóa lớn thường được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt hơn nhóm còn lại. Thực tế đã chứng minh, sự luân chuyển tích cực của dòng tiền giúp cho thị trường luôn có nhóm CP dẫn dắt và đây là đặc trưng của xu hướng tăng giá.

Theo nhận định chung của giới phân tích, trong ngắn hạn thị trường tăng trưởng khá vững, thanh khoản liên tiếp được cải thiện nên thị trường sẽ tiếp tục xu thế tích lũy và tăng nhẹ. Bên cạnh đó, thông tin chính thức về kết quả kinh doanh quý II-2014 sẽ tiếp tục là yếu tố chính tác động đến sự vận động của thị trường trong thời gian tới. Nhận định này phần nào được thể hiện qua các phiên giao dịch của tuần trước.

Trong các phiên giao dịch này thị trường không có nhiều phản ứng trước các thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực như việc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải của Việt Nam, FED có khả năng sẽ sớm tăng lãi suất hay tai nạn máy bay của Hãng hàng không Malaysia. Điều này cho thấy sự ổn định trong tâm lý của NĐT và diễn biến thị trường vẫn chủ yếu chịu chi phối bởi yếu tố kết quả kinh doanh quý II-2014.

Từ nhận định này, đa phần các CTCK đều có cùng khuyến nghị NĐT nên tiếp tục nắm giữ các mã blue chip cơ bản ổn định và có tiềm năng tăng trưởng trong kết quả kinh doanh quý II, nên tránh lướt sóng để đạt tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, hiện có nhiều nhóm CP đã tăng điểm khá mạnh nên ít nhiều thông tin đã được phản ánh vào giá CP. Do đó, hiệu quả hỗ trợ của những thông tin công bố chính thức sắp tới có thể sẽ không mạnh, đặc biệt với những mã đã tăng liên tục trong 2 tuần vừa qua.

Đối với NĐT “lướt sóng” chưa nắm giữ CP, nên tranh thủ các phiên thị trường điều chỉnh để mua  vào các CP cơ bản. Nếu chịu được rủi ro, NĐT có thể mua vào các mã CP penny đã có thời gian điều chỉnh dài và chưa tăng giá. 

Các tin khác