Xây dựng phục hồi từ giải pháp "phá băng" BĐS

Giá trị sản xuất ngành xây dựng trong hai quý đầu năm 2014 đạt khoảng 352.700 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là mức tăng trưởng tốt so với mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng trong hai quý đầu năm 2014 đạt khoảng 352.700 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là mức tăng trưởng tốt so với mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

Dấu hiệu phục hồi tích cực này đã chứng minh các giải pháp đồng bộ mà ngành xây dựng đưa ra ngay từ đầu năm là đúng đắn, đặc biệt là việc vận dụng linh hoạt các chính sách để “phá băng” cho thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất liên quan.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả khả quan.

Từ thực tế diễn biến của thị trường, Bộ Xây dựng đã kịp thời đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 02 theo hướng kéo dài thời hạn cho vay từ 10 năm lên 15 năm; tiếp tục hạ lãi xuất cho vay; mở rộng đối tượng cho vay; mở rộng các ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.

Cùng đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo Chỉ thị số 2129/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản; hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án phát triển thị trường bất động sản.

“Đây là những yếu tố quan trọng giúp thị trường bất động sản tiếp tục chuyển biến và phục hồi tích cực. Quan trọng hơn, thị trường đã thiết lập lại trật tự, điều chỉnh phân khúc hàng hóa cho phù hợp và lòng tin của khách hàng đang dần trở lại,” Bộ trưởng nói.

Xu thế chuyển động tốt thể hiện qua việc giá cả tương đối ổn định, không tiếp tục giảm sâu, thậm chí có một số dự án mức giá còn tăng nhẹ. Đặc biệt, cả nguồn cung lẫn giao dịch đều tăng và tỷ lệ nghịch với lượng tồn kho bất động sản. Các chủ đầu tư cũng sát thực tế hơn, tự điều chỉnh cơ cấu hàng hóa chuyển dịch theo hướng hợp lý, đa dạng hơn để phù hợp với nhiều loại nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung.

Khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam cho thấy trong những tháng đầu năm 2014, vốn FDI vào thị trường bất động sản đạt 692 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ thị trường bất động sản Việt Nam đang dần lấy lại sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt bằng giá nhà ở nhìn chung ổn định, nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%), thì trong sáu tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp. Một số dự án có vị trí tốt, đã hoàn thành hoặc sắp đưa vào sử dụng giá tăng nhẹ (khoảng 1-2%) so với năm 2013.

Theo Bộ Xây dựng, tính trên toàn quốc, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 83.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm 11.423 tỷ đồng. Cùng đó, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến giữa quý 2 cũng đạt xấp xỉ 278.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2013; tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản còn 3,7%.

Mặc dù gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở mới giải ngân được khoảng 8% nhưng đã được các Bộ ngành liên quan chủ động đề xuất nhiều giải pháp như “nới” điều kiện và mở rộng đối tượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và giúp thêm nhiều người dân có cơ hội được hưởng nguồn vay ưu đãi này mua nhà, cải thiện chỗ ở...

Sản xuất phục hồi

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất ngành xây dựng, ngay từ đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Không chỉ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngày đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước... để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng vẫn duy trì được sự tăng trưởng, góp phần vào những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đất nước.

Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất ngành xây dựng sáu tháng đầu năm ước đạt 352.700 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2013; tính theo giá so sánh năm 2010, đạt 282.700 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng trưởng chung GDP cả nước (5,18%) và mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp (5,8%). Đáng chú ý, một số lĩnh vực trước đây khó khăn nay đã có những dấu hiệu phục hồi như sản xuất vật liệu xây dựng (vật liệu xây dựng), nhóm tư vấn.

Để đạt được những con số này, Bộ Xây dựng đã dồn trọng tâm vào việc quản lý phát triển vật liệu xây dựng, tái sản xuất vật liệu xây dựng theo các đề án, chương trình và lộ trình đã lập.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là làm sao hệ thống được các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm giá trị vật liệu xây dựng trong mỗi công trình xây dựng tại Việt Nam.

“Thậm chí, đã đến lúc cần thống kê xem trong nước đang thiếu và cần chủng loại vật liệu xây dựng gì mà các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam chưa làm được, loại nào vẫn phải nhập khẩu hay loại nào chúng ta đã có khả năng làm được. Cùng đó, việc quản lý phát triển vật liệu xây dựng phải được quan tâm, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu như ximăng, cần theo hướng đảm bảo thăng bằng cán cân cung – cầu, xác định thị trường tiêu thụ...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường quản lý phát triển vật liệu xây dựng theo quy hoạch, trong đó đặc biệt chú ý đến ximăng và một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu khác với mục tiêu bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết hàng tồn kho.

Thông qua việc tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 và tiến độ thực hiện các dự án ximăng, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh tiến độ, quy mô công suất và đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không đủ điều kiện đầu tư nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu xi măng.

Cùng với đó, Bộ cũng đôn đốc các địa phương thực hiện tốt chương trình phát triển vật liệu xây không nung; tăng cường kiểm soát việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Việc quản lý vật liệu xây dựng sẽ bám sát quy hoạch lẫn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện Bộ Xây dựng đã bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Các tin khác