Thiếu vốn, thiếu luật

Khái niệm đặc khu kinh tế (ĐKKT) thường được hiểu là một khu vực giới hạn về địa lý riêng biệt, vị trí thuận lợi. Ở đó được quản lý bởi một cơ quan quản lý ở cấp thể chế cao nhằm cung cấp các ưu đãi nhất định về thuế, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Mục tiêu hướng đến của ĐKKT là xây dựng thể chế có sức cạnh tranh vượt trội để thu hút các nguồn lực đầu tư, làm động lực tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc.

Khái niệm đặc khu kinh tế (ĐKKT) thường được hiểu là một khu vực giới hạn về địa lý riêng biệt, vị trí thuận lợi. Ở đó được quản lý bởi một cơ quan quản lý ở cấp thể chế cao nhằm cung cấp các ưu đãi nhất định về thuế, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Mục tiêu hướng đến của ĐKKT là xây dựng thể chế có sức cạnh tranh vượt trội để thu hút các nguồn lực đầu tư, làm động lực tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc.

Mô hình 30 năm

Trong vòng 30 năm qua, mô hình ĐKKT trở thành xu hướng chung của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Ở nước ta, tham vọng triển khai xây dựng một số ĐKKT mang tính chất thử nghiệm vốn được đặt ra từ giữa thập niên 90. Một số công việc mang tính chất sơ khai lúc đó là Chính phủ từng cho thành lập Tổ nghiên cứu ĐKKT. Tổ nghiên cứu này có nhiệm vụ nghiên cứu sự cần thiết hình thành ĐKKT, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức và các chính sách áp dụng.

Năm 2002, Việt Nam bắt đầu thí điểm mô hình KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) và đến nay đã có 28 KKT cửa khẩu, 18 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000ha. Kết luận 74-KL/TW ngày 17-10-2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) một lần nữa đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

3 ĐKKT được chọn gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Ngoài 3 khu vực trên, nhiều địa điểm khác có thể được lựa chọn là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (KKT trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (KKT trọng điểm phía Bắc), Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định (KKT trọng điểm miền Trung)...

Trên thực tế, dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng đến nay chưa có một KKT nào phát triển đúng nghĩa. Điều đáng nói, một trong số những KKT này đang chạy theo phong trào, muốn “đặc cách” trở thành ĐKKT để hưởng ưu đãi nhiều hơn. Tỉnh Quảng Ngãi vừa qua ngỏ ý xin trung ương thành lập mô hình ĐKKT Dung Quất hay Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa mới đây cũng đề xuất xin thành lập một ĐKKT với nhiều ưu đãi đặc thù là những trường hợp điển hình. Và ngay lập tức, đề xuất trên của Formosa bị Chính phủ bác bỏ vì KKT này vốn được Chính phủ ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành.

Dò đá qua sông?

Việc xây dựng thể chế kinh tế - hành chính cho các ĐKKT phải thực sự đột phá, đủ sức cạnh tranh và phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, thay vì đầu tư vào nhiều ĐKKT cùng lúc, nên tập trung đầu tư thí điểm ngay vào một đặc khu thực sự có lợi thế, được nhiều nhà đầu tư quan tâm để tránh phân tán nguồn lực, giảm trợ cấp từ ngân sách.

Có thể nói, thực trạng phát triển ĐKKT ở nước ta chẳng khác gì “dò đá qua sông”. Sở dĩ nói như vậy là đến thời điểm này vẫn chưa có Luật về ĐKKT và đây chính là rào cản lớn khiến các nhà đầu tư quan ngại. Đối với những nhà đầu tư lớn “sừng sỏ”, cái họ quan tâm là một môi trường đầu tư mà ở đó khung pháp lý ổn định, đầy đủ, dịch vụ hành chính công chuyên nghiệp chứ không phải là những cam kết, hứa suông, tầm nhìn mông lung. Còn với những đòi hỏi được hưởng cơ chế ưu đãi kịch trần, chưa có tiền lệ như Formosa vừa qua thực chất là biểu hiện của việc nước ta đang thiếu khung pháp lý rõ ràng, nặng nề cơ chế “xin - cho”.

Để Hồng Công, Thâm Quyến, Dubai… thành công với mô hình ĐKKT như hiện nay, Chính phủ của họ này đã chi hàng trăm tỷ USD, đến khi có hiệu quả thực mới dám nghĩ đến việc nhân rộng. Bởi họ hiểu rằng muốn thu hút nhà đầu tư vào đặc khu phải mở hầu bao ngân sách thật rộng để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.

Tiềm năng phát triển ĐKKT tại Việt Nam có đủ nhưng thứ chúng ta thiếu là vốn. Nhưng dường như cấp quản lý vĩ mô cho đến chính quyền các địa phương đang đặt mục tiêu phát triển ĐKKT một cách cảm tính, quá nhiều, quá dàn trải. Riêng 3 ĐKKT tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, ước tính nguồn vốn xây dựng cơ bản lên đến vài chục tỷ USD. Như Quảng Ninh, đề án phát triển ĐKKT Vân Đồn giai đoạn 2014-2030 cần đến 12 tỷ USD.

Với nguồn vốn khổng lồ như vậy, Chính phủ sẽ lấy nguồn thu ở đâu để phân bổ cho Quảng Ninh và nhiều nơi xây dựng đặc khu? Cần thấy rằng bài học xương máu về hệ lụy phát triển ồ ạt cảng biển, khu tế cửa khẩu, KKT ven biển vẫn còn nguyên giá trị.

Với thực trạng như hiện nay, có thể nói con đường phát triển thành công mô hình ĐKKT đối với Việt Nam phía trước là một hành trình dài. Nếu thực hiện một cách nghiêm túc thì đây chính là điều kiện tốt để tận dụng thu hút các nguồn lực bên ngoài như công nghệ, vốn, nhân tài, kinh nghiệm, nhằm kích hoạt và phát triển các vùng kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển thành công mô hình ĐKKT, trước hết Chính phủ cần sớm thông qua Luật về ĐKKT để xác định các tiêu chí, điều kiện, ngành nghề ưu tiên phát triển và lộ trình thực hiện. Từ đó đề ra các giải pháp, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thương mại, đầu tư, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như vấn đề được nhà đầu tư quan tâm như phát triển hàng không, rộng cửa cho casino…

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất nhiều ĐKKT bị thất bại do quá phụ thuộc vào khuyến khích miễn giảm thuế, tiền thuê đất, bơm các gói ưu đãi hào phóng, nhưng ngược lại chính sách áp dụng không cho thấy tính cạnh tranh.

Chẳng hạn như, xúc tiến đầu tư kém hiệu quả; thủ tục chấp thuận đầu tư, cấp phép, phê duyệt dự án rườm rà; thủ tục hải quan phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nhiêu khê; thiếu một hệ thống ngân hàng với quy chế hoạt động riêng để đáp ứng về tài chính; chính sách lao động và phát triển nguồn nhân lực, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài bất cập. Cùng với “hạ tầng cứng”, cơ sở “hạ tầng mềm” đóng một vai trò hết sức quan trọng, song thường bị xem nhẹ đã tạo ra một rào cản vô hình, làm giảm tính năng động, linh hoạt và hiệu quả của các ĐKKT.

Các tin khác