SHP tạo sức hút khi chuyển sàn

Sau gần 4 năm niêm yết trên sàn UPCoM, CTCP Thủy điện Miền Nam (SHP) đã quyết định chuyển niêm yết qua sàn HOSE. Là doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu của sàn UPCoM và của cả lĩnh vực thủy điện, việc SHP chuyển sàn tạo sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Sau gần 4 năm niêm yết trên sàn UPCoM, CTCP Thủy điện Miền Nam (SHP) đã quyết định chuyển niêm yết qua sàn HOSE. Là doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu của sàn UPCoM và của cả lĩnh vực thủy điện, việc SHP chuyển sàn tạo sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Tăng trưởng ổn định

SHP hiện đang quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên khu vực phụ lưu sông Đồng Nai (thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng) là: Đasiat (13,5MW), Đadâng 2 (34MW) và Đa M’Bri (75MW). Doanh thu của SHP đến từ hoạt động bán điện thương phẩm cho Tổng công ty Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với hợp đồng ký hàng năm. Những năm gần đây, với điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng nước về nhiều nên sản lượng khai thác của SHP năm sau luôn cao hơn năm trước, kéo theo sự gia tăng về lợi nhuận.

Ngành điện là một trong những ngành trọng điểm quốc gia, luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước và người tiêu dùng. Chính vì vậy, đây được xem là ngành được ưu đãi khá nhiều về thuế và chính sách nên ít chịu rủi ro.

Theo thống kê, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần (ROA) của SHP tăng đều đặn trong giai đoạn 2011-2013 (từ 6,89% lên 9,64%). Chỉ số này tăng do giai đoạn này các hoạt động của 2 nhà máy thủy điện Đasiat và Đadâng 2 đi vào phát điện ổn định giúp SHP gia tăng lợi nhuận. Năm 2013, doanh thu của SHP đạt 194 tỷ đồng (tăng 9,56%), lợi nhuận sau thuế đạt 104,2 tỷ đồng (tăng 14,13%).

Tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào mã CP SHP vừa được tổ chức vào ngày hôm qua (16-7) tại TPHCM (ảnh), ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổng giám đốc SHP, đã công bố số liệu mới nhất về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 với những con số cực kỳ ấn tượng. Theo đó, doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 200 tỷ đồng (tăng 159%), lợi nhuận sau thuế đạt gần 60 tỷ đồng (tăng 56%). Với kết quả này, SHP đã hoàn thành được 76% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2014. Theo kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, lợi nhuận sau thuế năm 2014 là 78 tỷ đồng.

Nói về quyết định chuyển sang niêm yết, ông Nguyễn Thành Duy, Chủ tịch HĐQT SHP, cho biết việc chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE nhằm nâng cao tính minh bạch và đặc biệt là tăng cường khả năng huy động vốn qua TTCK. Từ đó tạo động lực cho SHP đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông và NĐT.

Thực tế, thủy điện là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài. Ngay với SHP, dù tình hình tài chính tương đối lành mạnh (hệ số thanh toán đạt trung bình từ 1,09-1,1 lần) nhưng các khoản phải trả năm 2013 tăng do doanh nghiệp phải tập trung xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa M’Bri.

Hấp dẫn NĐT

Dù chi phí đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa M’Bri tương đối lớn với suất đầu tư 29,1 tỷ đồng/MW, nhưng có thể khẳng định SHP đã bắt đầu “hái quả” từ dự án này. Tổ máy số 1 của dự án này chính thức đi vào vận hành cuối năm 2013, Tổ máy số 2 cũng hòa vào lưới điện quốc gia ngày 20-5-2014. Với giá bán điện là 996,48 đồng/kWh, dự kiến nhà máy này sẽ đóng góp khoảng 139 tỷ đồng vào tổng doanh thu năm 2014 của SHP (chiếm 64%).

Hơn hết, việc Nhà máy Thủy điện Đa M’Bri đi vào hoạt động giúp SHP gia tăng đáng kể tầm vóc của doanh nghiệp, từ doanh nghiệp thủy điện nhỏ sang quy mô trung bình ngành với công suất đứng thứ 28/58 công ty thủy điện tham gia thị trường cạnh tranh.

Theo kế hoạch, hơn 93,7 triệu CP SHP sẽ chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 21-7 sắp tới với giá tham chiếu 12.000 đồng/CP. Việc định giá này được xác định theo 2 phương pháp: phương pháp dòng tiền (FCFE) và phương pháp so sánh thị trường. Cụ thể, theo phương pháp FCFE (giá SHP là 10.850 đồng/CP), các giả định được sử dụng là: 2 nhà máy Đasiat và Đadâng 2 phát điện ổn định còn Đa M’Bri đạt 95% công suất; giá điện đảm bảo tỷ suất lợi nhuận gộp của SHP như hiện tại; hệ số chiết khấu là 13%.

Còn còn chiếu theo phương pháp so sánh thị trường với các doanh nghiệp điện đang niêm yết như VSH, DRL, HJS, NLC, TBC, TMP… thì SHP sẽ có giá 13.446 đồng/CP.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư CTCK Maritime Bank, đây là mức giá khá hấp dẫn bởi giá mục tiêu của SHP đạt từ 18.000-20.000 đồng/CP. Chính vì vậy, SHP là mã CK phù hợp với NĐT vì giá trị và sức hút của SHP khi chuyển sàn rất lớn.

Các tin khác