ĐKKT:Lỡ nhịp quá khứ, thiếu khả thi hiện tại

Ý tưởng của tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang xây dựng Vân Đồn, Phú Quốc thành những đặc khu kinh tế (ĐKKT) là bởi khi hội nhập sâu rộng với thế giới, nước ta cần xây dựng một số ĐKKT (và cần có cả Luật ĐKKT) với thể chế vượt trội để tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội. Với tư cách là một trong những người từng là lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI - nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư), từng tiếp nhận nhiều ý tưởng về vấn đề này, đã tham khảo một số ĐKKT ở nước ngoài, tôi muốn chia sẻ vài thí dụ để cùng suy ngẫm về vấn đề hệ trọng này.

Ý tưởng của tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang xây dựng Vân Đồn, Phú Quốc thành những đặc khu kinh tế (ĐKKT) là bởi khi hội nhập sâu rộng với thế giới, nước ta cần xây dựng một số ĐKKT (và cần có cả Luật ĐKKT) với thể chế vượt trội để tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội. Với tư cách là một trong những người từng là lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI - nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư), từng tiếp nhận nhiều ý tưởng về vấn đề này, đã tham khảo một số ĐKKT ở nước ngoài, tôi muốn chia sẻ vài thí dụ để cùng suy ngẫm về vấn đề hệ trọng này.

Kinh nghiệm Thâm Quyến và Phố Đông

Trung Quốc đã khá thành công trong việc xây dựng các ĐKKT với Thâm Quyến và Phố Đông. Thâm Quyến là ĐKKT đầu tiên của Trung Quốc được khởi động từ 1979 - năm đầu thực hiện chủ trương cải cách và mở cửa. Việc lựa chọn Thâm Quyến thay vì Thượng Hải hay Bắc Kinh để xây dựng ĐKKT đầu tiên là ý tưởng của ông Đặng Tiểu Bình - người được coi là kiến trúc sư của phát triển kinh tế thị trường Trung Quốc và chủ trương “một nước hai chế độ” khi thu hồi Hồng Công vào năm 1997, nhằm tận dụng ưu thế thương mại tự do tư bản của Hồng Công.

Sự thành công của Thâm Quyến và Phố Đông bao gồm nhiều yếu tố. Thứ nhất, về địa lý, Thâm Quyến gần Hồng Công, Thượng Hải vốn là thành phố giao thương quốc tế hàng đầu của Trung Quốc trong mọi thời đại. Thứ hai, thể chế đặc thù vượt trội so với luật pháp của đất nước. Thứ ba, cán bộ lãnh đạo được lựa chọn từ những người xuất sắc để thực hiện chủ trương lớn.

Theo đó, xây dựng Thâm Quyến theo mô hình thị trường tự do nằm trong đại lục để các tỉnh, thành phố khác cử cán bộ, lập doanh nghiệp tại đó, nhằm tiếp cận phương thức kinh doanh tư bản vận dụng vào từng địa phương.

Thâm Quyến được thực hiện cơ chế đặc thù vượt trội so với khung khổ pháp luật được áp dụng đối với các địa phương khác về mọi phương diện: đầu tư, đất đai, xây dựng, đi lại, cư trú… Do vậy từ một làng chài nhỏ, chỉ trong 10 năm Thâm Quyến đã trở thành thành phố hiện đại, lập kỷ lục thế giới về tốc độ đô thị hóa. Năm 2012 Thâm Quyến có dân số 15 triệu người, diện tích hơn 2.200km2, GDP 193 tỷ USD.

Phố Đông cũng được Đặng Tiểu Bình khi đến thăm Thượng Hải năm 1990 chủ trương xây dựng ĐKKT, chậm hơn Thâm Quyến 11 năm, khi Trung Quốc đang bị thế giới cô lập sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Từ ruộng lúa, đầm lầy, những ngôi nhà nhỏ, chỉ 10 năm sau Phố Đông đã trở thành đô thị hiện đại, thêm 10 năm sau đó là đô thị khổng lồ tiêu biểu cho thế kỷ 21. Nơi đây đã tạo nên kỳ tích Phố Đông khi so với năm khởi đầu 1990, năm 2007 tổng sản lượng kinh tế tăng 45 lần, đầu tư nước ngoài tăng 1.056 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 49 lần và thu ngân sách tăng 52 lần.

Câu chuyện Chu Lai và Phú Quốc

Năm 1997 Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam được thành lập với Trưởng ban là ông Lê Xuân Trinh (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Năm 1998, ông Lê Xuân Trinh là người đề xướng chủ trương xây dựng ĐKKT. Với cách làm việc khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề ra các tiêu chí để lựa chọn 4-5 địa điểm ở các địa phương, tổ chức hội thảo để trao đổi quan điểm.

Cuối cùng Chu Lai được chọn làm thí điểm xây dựng ĐKKT, lúc đầu gọi là KKT mở, về sau là KKT Chu Lai. Một số thành viên Tổ kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ thời điểm đó không đồng tình với lựa chọn trên, do địa điểm không thích hợp nên khó thành công; chưa có một nhà đầu tư quốc tế tiềm năng nào chọn Chu Lai làm ĐKKT. Khi đó, chúng tôi kiến nghị nếu làm thí điểm nên chọn Phú Quốc.

Tuy nhiên, sau đó Chính phủ và Bộ Chính trị chấp nhận chủ trương thành lập KKT Chu Lai. Đó là dự án quy mô lớn chưa từng có ở nước ta với diện tích hàng trăm ngàn hécta, có khu bảo thuế, cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, thành phố Vạn Tường 500.000 dân, ưu đãi đầu tư cao nhất, xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài theo cơ chế riêng.

Có thể nói KKT Chu Lai vào lúc đó đã được áp dụng cơ chế đặc biệt so với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài. Không thể phủ nhận thành quả thu hút vồn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước của KKT Chu Lai sau hơn 10 năm xây dựng. Nhưng nếu so với mục tiêu ban đầu và so với 10 năm của Thâm Quyến và Thượng Hải lại quá khiêm tốn. Hơn nữa, từ KKT Chu Lai làm thí điểm đã rút ra được bài học gì để thực hiện chủ trương xây dựng ĐKKT của nước ta cũng chưa rõ ràng.

Những năm 1993 và 1994, SCCI nhận được 2 dự án tiền khả thi về Phú Quốc của nhà đầu tư quốc tế và một của nhóm Việt kiều tại Pháp với tiêu đề “Con rồng tre”. Ý tưởng chung của các dự án đó là biến Phú Quốc thành trung tâm tài chính ngoài khơi và cảng trung chuyển của vùng Đông Nam Á. Lý do họ chọn Phú Quốc để xây dựng ĐKKT, thứ nhất diện tích xấp xỉ Singapore, đủ lớn để phát triển thành trung tâm tài chính khu vực.

Thứ hai không có biên giới đất liền với các địa phương khác nên có thể thực hiện cơ chế hành chính đặc biệt và cho mở kinh doanh sòng bài (casino). Thứ ba, có tọa độ lý tưởng vì nếu lấy Phú Quốc làm trung tâm khoảng cách đến các thành phố lớn trong khu vực không xa lắm. Thứ tư, nằm trên đường hàng hải quốc tế, trong khi Singapore sắp đến giới hạn tối đa về cảng trung chuyển. Đã có nhiều đoàn đến khảo sát Phú Quốc, trong đó có Phó vương Malaysia. Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân nên các ý tưởng trên không biến thành hiện thực.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Phú Quốc như “một tờ giấy trắng” nên dễ vẽ thành bức tranh đẹp và chỉ cần họa sĩ có tài. Nhưng bây giờ đất đai hòn đảo này đã bị chia thành hàng ngàn mảnh nhỏ có chủ. Vì thế, vấn đề giải phóng mặt bằng quá khó và phức tạp, dù chính quyền và các cơ quan chức năng có nỗ lực hết sức mình. Trước thực trạng đó, không biết ai đủ tài năng để biến Phú Quốc thành ĐKKT?

Năm 2001, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khởi động lại dự án Phú Quốc. Ông Phạm Sĩ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và tôi được Tỉnh ủy và UBND tỉnh mời giúp xây dựng dự án. Chúng tôi và ông Tôn Gia Huyên (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai) cùng Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khảo sát thực địa tại Phú Quốc.

Chúng tôi đã kế thừa ý tưởng của các dự án nước ngoài để đề ra 3 mục tiêu: xây dựng khu tài chính ngoài khơi, du lịch quốc tế bao gồm casino và cảng trung chuyển quốc tế. Trên cơ sở đó đã lập dự án, quy hoạch đất đai, đề xuất thể chế và cơ chế hành chính đặc thù, lựa chọn người có ý tưởng lớn, có kiến thức và năng lực quản lý, được giao trách nhiệm và quyền hạn cần thiết đứng đầu cơ quan quản lý ĐKKT.

Một số cuộc họp của lãnh đạo tỉnh được tổ chức để chúng tôi trình bày dự án và đã đạt được đồng thuận cao. Dự án được trình Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã chủ trì cuộc họp gồm lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương tại Phú Quốc về dự án của chúng tôi. Tại cuộc họp đó, Phó Thủ tướng đã đề nghị chuyển dự án cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư để nghiên cứu thêm trình các cấp có thẩm quyền.

Bẵng đi một thời gian khá dài, năm 2013, ông Phạm Sĩ Liêm và tôi được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ mời dự cuộc họp bàn về ĐKKT Phú Quốc. Tại cuộc họp đó chúng tôi có dịp trình bày lại ý tưởng dự án của mình và được nhiều thành viên của ban bày tỏ sự đồng tình. Theo quan điểm của tôi, nếu chọn địa điểm lý tưởng nhất để xây dựng ĐKKT của nước ta, với tất cả tiêu chí khoa học, đó phải là Phú Quốc. Và trong việc phát triển kinh tế của đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, việc tận dụng cơ hội hết sức quan trọng.

Vài suy ngẫm về ĐKKT

Trước đây, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất đã từng xin cơ chế đặc thù để xây dự án 260 tỷ USD tại Phú Yên. Chính phủ đã phải đi lại bao nhiêu lần nhưng cuối cùng bằng không. Các nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc khi được hỏi về ĐKKT họ cho biết không tham gia, không quan tâm. Vậy liệu có nhà đầu tư nào ra Vân Đồn làm ĐKKT? Tôi chắc 20 năm nữa cũng không thể có ĐKKT ở đó. Bởi muốn làm ĐKKT ở đó phải đầu tư cả chục tỷ USD, tốn tiền lắm.

Người ta ca ngợi Dubai, nhưng không biết rằng họ đã bỏ vào hàng trăm tỷ USD mới xây dựng được thành phố đảo dừa. Mình liệu có tiền để làm vậy không? Tóm lại, xây dựng ĐKKT để làm gì? Để giúp cho nền kinh tế phát triển? Để có thể chế kinh tế tốt nhất nhằm hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó lan tỏa ra trong nước? Nếu cho áp dụng thuế suất 0% ở ĐKKT cần đầu tư FDI làm gì, ai có lợi?... Đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội rất cần những ý tưởng mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững của từng địa phương, góp phần giải bài toán chung hướng đến mục tiêu năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Có nhiều cách lựa chọn con đường đi lên, nhưng lựa chọn xây dựng ĐKKT, theo quan điểm của tôi có lẽ khó trở thành hiện thực. Vì vậy, nên chăng chú trọng nhiều hơn đến nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng tốt, hiệu quả nhiều, đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các chủ trương của Đảng và điều hành của Chính phủ.

Mô hình sân bay quốc tế Phú Quốc.

Mô hình sân bay quốc tế  Phú Quốc.

Tôi cho rằng cần hỗ trợ nhiều hơn đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; thực hiện tốt nhất quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI; đầu tư nhiều hơn và có hiệu quả hơn vào vốn con người và khoa học công nghệ, cải cách đồng bộ và có kết quả tốt hơn bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ công chức… Những biện pháp đó sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn, thay vì hướng tới các mục tiêu mà tính khả thi không cao.

Các tin khác