Xót xa làng lặn biển

Mưu sinh bám biển luôn vô vàn nỗi nhọc nhằn. Nhưng cách người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, khai thác từ biển đã để lại trong tôi nỗi xót xa đến hoang hoải. Họ sống và làm giàu bằng nghề lặn biển và trả giá bằng xương máu, thậm chí cả mạng sống của mình. Phía sau họ là những người vợ buồn bã, những đứa con thơ dại chưa trưởng thành có nguy cơ không được học hành đến nơi đến chốn.

Mưu sinh bám biển luôn vô vàn nỗi nhọc nhằn. Nhưng cách người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, khai thác từ biển đã để lại trong tôi nỗi xót xa đến hoang hoải. Họ sống và làm giàu bằng nghề lặn biển và trả giá bằng xương máu, thậm chí cả mạng sống của mình. Phía sau họ là những người vợ buồn bã, những đứa con thơ dại chưa trưởng thành có nguy cơ không được học hành đến nơi đến chốn.

Làm giàu nhờ nghề

Đến đầu xã, ấn tượng trong tôi là hình ảnh của những ngôi nhà lầu hai ba tầng, mái ngói đỏ tươi xen lẫn những hàng cây xanh ngút ngát, những dãy hoa giấy rực rỡ. Nhiều em nhỏ chạy xe đạp điện hồn nhiên trên những cung đường vắng ven biển. Những người phụ nữ nhàn tản ngồi trông ra phía biển,  chờ chồng con đi biển về nấu những bữa ăn ngon, sum họp gia đình. Cuộc sống đã thay đổi.

Cả những ngôi làng nằm nép mình bên biển ở Ninh Vân cũng thay da đổi thịt. Bình thường, người dân đi theo nhóm 7-8 người chung chiếc thuyền, với đồ nghề gồm: đầu nhái, vợt, gương, súng bắn, dây hơi, nịt chì… Khi cá to bị trúng tên quẫy cả một vùng nước sủi tăm, thợ săn cá phải ghìm mũi tên để cá không trốn thoát.

Nhiều người dân dầm mình đánh bắt.

Nhiều người dân dầm mình đánh bắt. 

Tôi được biết hiện Ninh Vân có nhiều “đại gia” lặn biển, như các ông: Nguyễn Văn Thanh, Trần Văn Luyến (thôn Đông), Nguyễn Trắng, Trần Văn Tài (thôn Tây)… Chẳng khó khăn gì, tôi đã tìm được ông Trần Văn Luyến, một lão ngư sống bằng nghề nay đã “nhường bụng biển cho con”, tâm sự: “Ai cũng biết công việc rủi ro nhiều, nhưng không thể khác. Họ chấp nhận như định mệnh ấy chú ạ. Kể cả con cái chúng tôi. Nhưng cũng vì thế cuộc sống khấm khá hơn. Như anh thấy đó, nhà cửa giờ bà con xây dựng hoành tráng lắm. Bà con đổi đời rồi”.

Cũng theo ông Luyến, trước đây bà con khu biển Ninh Vân nghèo lắm, sống bằng nghề nông và đánh bắt gần bờ. Thế rồi họ học được nghề lặn biển thuê, lặn biển tìm kiếm nguồn lợi quý và những chuyến đi, những chuyến lặn biển đã cho họ thu nhập khá. Họ “khuân” tiền về xây dựng cửa nhà, mua sắm đồ gia dụng, xe máy…

Từ đó, bà con đua nhau mua sắm đồ nghề đi lặn biển kiếm cá. Ông Luyến có 6 con trai đều sống bằng nghề lặn biển. Rồi “2 thằng rể” cũng theo nghề cha vợ đi làm ăn. Tất cả đều có thu nhập khá. “Nếu như trước kia chẳng biết bao giờ bà con mới nở mày nở mặt được. Hết rồi cái ngày gạo đong ăn từng bữa. Ấm bụng rồi, tụi trẻ con cũng được học hành tử tế” - ông Luyến tự hào.

Chung tâm trạng ấy, ông Huỳnh Văn Nhứt, có 4 con làm nghề, thổ lộ người dân nhờ bụng biển bắt về nào hải sâm, cá mú, cá bò chìa… Đây là những hải sản quý được nhiều thương lái tìm về tận nơi mua gom. Có tiền, bà con hăng hái hơn, mua tàu lớn, rồi đến các vùng biển xa xôi khác hành nghề. Thậm chí có người còn đến lặn thuê cho một số ngư dân ở các nước trong khu vực. So với bà con ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), con số lặn biển ở Ninh Vân ít hơn, nhưng hăng hái đi xa, đi dài ngày hơn. Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, Hoàng Văn Hướng, cho biết xã có khoảng 500 hộ dân, 80% trong số đó làm nghề biển và khoảng 450 người làm nghề lặn biển.

Tương lai về đâu?

Nếu chỉ có thế thôi thì cuộc sống ở Ninh Vân đã trọn vẹn. Nghề lặn thuê được nhiều, nhưng mất không ít bởi tai nạn xảy ra như cơm bữa. Rất nhiều người đã chết trong những chuyến đi. Nhiều người trở về thành tàn phế. Một trong số nhiều người trả giá là anh Huỳnh Vân, một người dân bị tai biến do hít phải luồng nước độc. Anh đã không lên kịp nên thiếu ôxy, chất độc ăn vào người, làm liệt dây thần kinh, tai biến. Giờ anh đang góp mặt vào số những người phải ăn chực vợ và con vì tật nguyền, không thể ra biển nữa. Lúc tôi đến, anh Vân đang nhìn xa xăm ra ngoài khơi, như đang nhớ về những ngày tháng tung hoành dưới những con sóng. Giờ lực bất tòng tâm, sống trong buồn bã.

Một “kình ngư” biển khơi giờ không thể vùng vẫy, chịu “bó tay” trên bờ với nỗi buồn không thể tả xiết. Hỏi về những sự cố nguy hiểm, anh Vân cho hay: “Sự cố nhiều, nhưng ngư dân sợ nhất gặp luồng nước độc, vỡ dây dẫn khí, vỡ mặt gương lặn… Áp suất lúc đó sẽ bị giảm đột ngột. Ở dưới sâu trong lòng nước biển 50m, thậm chí 60m, nếu người thợ lặn không lên nhanh rất dễ “ăn đòn”. Tôi bữa đó lặn sâu 50m bắt hải sâm và gặp phải luồng nước độc nên bủn rủn cả tay chân. Vì ở sâu, khó thở, lại luống cuống vướng dây không lên kịp. Đến khi ngoi được lên mặt nước tôi đã yếu lắm. May mắn được cứu sống, chứ chậm chút nữa chết chắc”.

Hàng xóm của anh Vân là anh Nguyễn Phát (42 tuổi, thôn Tây) đã 22 năm mưu sinh trên biển và đã chứng kiến không ít tai nạn từ nghề. Mới đây anh chứng kiến cái chết của ông Nguyễn Văn Sáu, cùng thôn trong chuyến đi lặn tại vùng biển Philippines. Anh Phát kể rằng, hôm đó ông Sáu ỷ sức khỏe nên chủ quan. Ông lặn quá sâu, lúc ngoi lên có vẻ mệt, đau đầu. Nghỉ một chút hết đau lại xuống nước nhưng vẫn thấy đau đầu. Ông lên nghỉ. Vài lần như vậy, gần tối đó ông Sáu chết. Bản thân anh Phát cũng từng một lần gặp phải sự cố khi lặn biển ở Phú Quý (Bình Thuận). May thay, anh Phát được hỗ trợ kịp thời nên không xảy ra việc nghiêm trọng. Suốt mấy chục năm làm nghề, Ninh Vân có hàng trăm người bị tai nạn, bệnh tật, ngớ ngẩn, liệt người, cụt chân tay... Hàng chục người đã chết.

Trước những vấn đề nhức nhối bởi các tai nạn thương tâm xảy ra với các thợ lặn, đầu năm 2013, Liên hiệp Pháp ngữ và phát triển biển đảo quốc tế đã triển khai đề án: “Bão hòa khí nitơ bằng ôxy ở độ sâu 9m” ở một số làng chài tỉnh Khánh Hòa. Đây là đề án mang đậm tính nhân văn, nhằm trang bị kiến thức cấp cứu những người bị nạn cho chính ngư dân, người lặn biển để họ có kiến thức giúp đỡ lẫn nhau. Qua phương pháp này, chỉ cần một bình ôxy có thể tránh được tai biến mạch máu não hoặc bại liệt. Qua đó, đã không ít người được “cải tử hoàn sinh”, thoát chết trong gang tấc.

Trăn trở cho tương lai, ông Huỳnh Văn Nhứt rưng rưng nước mắt tâm sự: “Ai cũng muốn giàu có, nhưng giàu mà không sướng cũng tội. Giàu mà nơm nớp lo sợ. Ai biết hiểm nguy đến vào lúc nào, giờ nào. Nhưng cuộc sống mà. Không làm nghề đó nữa đời sống không đảm bảo. Cần phải để cho thế hệ tương lai được sống no ấm và bớt rủi ro. Đó cũng là tâm sự của nhiều người dân nơi đây. Trước mắt, họ chỉ biết phải thận trọng hơn khi lặn biển. Biển vàng biển bạc đó, nhưng cũng đầy bão tố, hiểm nguy. Nếu có ý thức bảo vệ mình và cuộc sống tương lai, tôi tin, người Ninh Vân sẽ tìm được phương pháp đánh bắt hữu hiệu, an toàn”.

Các tin khác