TPHCM: Đột phá hướng ra biển Đông

Cùng với việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, những năm qua TPHCM luôn chú trọng đầu tư mở rộng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch, luồng hàng hải để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đây là một trong những chủ trương lớn nhằm phát huy lợi thế phát triển du lịch, vận tải nội địa, liên vùng và các tuyến hàng hải quốc tế, góp phần hiện thực hóa chiến lược tiến ra biển Đông.

Cùng với việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, những năm qua TPHCM luôn chú trọng đầu tư mở rộng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch, luồng hàng hải để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đây là một trong những chủ trương lớn nhằm phát huy lợi thế phát triển du lịch, vận tải nội địa, liên vùng và các tuyến hàng hải quốc tế, góp phần hiện thực hóa chiến lược tiến ra biển Đông.

Đánh thức luồng Soài Rạp

Cuối tháng 6-2014, sự kiện khánh thành dự án luồng Soài Rạp có thể nói là thành công lớn của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện chiến lược tiến ra biển Đông của TPHCM. Luồng Soài Rạp dài 54km, độ sâu 9,5m đi qua Tiền Giang, Long An và TPHCM đã hoàn thành nạo vét giai đoạn 2. Ngay sau đó, TPHCM đã đón tàu container Northern Genius (Nhật Bản) có tải trọng 54.020DWT vào cảng SPCT (cảng container Trung tâm Sài Gòn) thông qua luồng Soài Rạp.

Hiện TPHCM có 2 luồng tàu biển đó là luồng Lòng Tàu và Soài Rạp. Theo các chuyên gia, luồng Soài Rạp sẽ phát huy lợi thế vượt trội khi có thể tiếp nhận tàu có trọng tải gấp đôi, rút ngắn được khoảng 20km, đồng thời giúp các hãng tàu nước ngoài có tải trọng lớn tiết kiệm chi phí nhiên liệu, phí xếp dỡ hàng hóa, phí hoa tiêu (so với luồng Lòng Tàu).

Tới đây, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) triển khai với độ sâu nạo vét đến âm 12m để đón tàu tải trọng lên đến 70.000-100.000 tấn. Chắc chắn khi dự án nạo vét hoàn thành, sức cạnh tranh của cụm cảng Hiệp Phước là vượt trội và có nhiều ưu thế so với các cụm cảng lân cận.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, phát triển giao thông vận tải thủy, trong đó tập trung nạo vét các luồng hàng hải có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự kiến sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp sẽ đạt trên 150 triệu tấn/năm. Cảng Hiệp Phước là trọng tâm của hệ thống cảng biển phía Nam, nơi trung chuyển hàng hóa đi các nước.

Do vậy phải tập trung hoàn thiện hệ thống cảng hiện đại, năng lực bốc dỡ hàng hóa, cải thiện dịch vụ logistics và hoàn chỉnh quy hoạch gắn với tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước, biến nơi đây thành trung tâm kinh tế cảng biển để cạnh tranh với các cảng biển trong khu vực. TPHCM tập trung kết nối hạ tầng giao thông như metro, các tuyến đường vành đai, cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra vào cảng.

Trung tâm cảng biển khu vực

TPHCM: Đột phá hướng ra biển Đông ảnh 1Việc nạo vét thành công luồng Soài Rạp sẽ là động lực để cụm cảng Hiệp Phước chuyển mình. Đặc biệt với Cảng SPCT, công suất vận chuyển dự kiến tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu container/năm. Mới đây, một số hãng tàu lớn đã thông báo với SPCT sẽ mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TPHCM đến các thị trường lớn trên thế giới thay vì trung chuyển qua một cảng trung gian.TPHCM: Đột phá hướng ra biển Đông ảnh 2

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm,
Phó Tổng giám đốc cảng SPCT

Xét về quy mô và năng lực, hệ thống cảng TPHCM trong những năm qua luôn là cảng biển lớn nhất nước về khối lượng hàng hóa thông qua hàng năm và tương lai vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo xếp hạng của Hội Vận tải biển thế giới World Shipping Council, hệ thống cảng TPHCM ở vị trí thứ 25 trong 50 cảng container lớn nhất thế giới năm 2012.

Theo quy hoạch được phê duyệt, công suất của hệ thống cảng TPHCM đến năm 2020 đạt khoảng 105-132 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 160-271 triệu tấn/năm. Nếu như năm 2005, lượng hàng hóa thông qua các cảng TPHCM đạt khoảng 60 triệu tấn/năm, nay đã tăng lên 85-90 triệu tấn/năm. Đây là tín hiệu tích cực của sự nỗ lực di dời, sắp xếp và phát triển cảng biển TPHCM một cách hợp lý.

Có thể thấy, sau khi Tân cảng Sài Gòn hoàn tất di dời và đưa vào khai thác bến cảng container tại Cát Lái (quận 2), sản lượng hàng container thông qua Tân cảng Cát Lái tăng lên không ngừng. Năm 2012, lượng hàng hóa thông qua Tân cảng Cát Lái đạt 2,87 triệu TEU, năm 2013 tăng lên 3,2 triệu TEU. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng của Tân cảng Cát Lái ước đạt 1,7 triệu TEU.

Như vậy cụm cảng gần cảng SPCT (đã hoàn thành giai đoạn 1), Cảng Tân cảng - Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cũng đang gấp rút hoàn thiện và mở rộng, sẽ hình thành một khu kinh tế cảng biển sầm uất tại Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Theo CTCP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), lợi thế cùng sức hút của các cảng nói trên gắn liền với sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, luồng Soài Rạp, luồng Lòng Tàu… Các luồng hàng hải quan trọng tới đây sẽ tiếp tục được nâng cấp, nạo vét, lúc đó hệ thống cảng TPHCM hoàn toàn có khả năng tiếp nhận các tàu 50.000-100.000DWT.

Các cảng cũng sẽ được nâng tầm để thực hiện chức năng trung chuyển quốc tế, giảm dần sự lệ thuộc những cảng trung chuyển khu vực, đồng thời đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa khu vực kinh tế phía Đông và Tây lưu vực sông Đồng Nai và một phần hàng hóa của toàn vùng phía Nam.

Chiến lược tiến ra biển Đông là một trong những chủ trương lớn của TPHCM trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Là một TP có cảng lớn nhất nước, việc đưa cảng, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tiến dần ra cửa biển là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kích cỡ tàu vận tải biển của ngành hàng hải thế giới. Chính vì vậy, trong những năm qua, khu Nam TPHCM (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh) đã hình thành một loạt KCX Tân Thuận, KCN Long Hậu, Phong Phú, đặc biệt khu Hiệp Phước - Nhà Bè.

 Việc khai thông luồng Soài Rạp nằm trong chiến lược tiến ra biển Đông của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Việc khai thông luồng Soài Rạp nằm trong chiến lược tiến ra biển Đông của TPHCM.
Ảnh: CAO THĂNG
 

Theo quy hoạch, Hiệp Phước tương lai sẽ hình thành 4 khu đô thị lớn: Khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn, làm đầu mối trung chuyển phục vụ TPHCM, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL; Khu đô thị công nghiệp tập trung quy mô lớn, đa ngành, đa dạng về sản phẩm, các loại công nghiệp gắn với cảng và vận tải đường thủy; Khu đô thị dịch vụ logistics, phục vụ cho các hoạt động cảng, sản xuất công nghiệp, vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển; Khu đô thị hiện đại, với các khu dân cư đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao.

Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư xin ý kiến hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng đề cương và đề án chi tiết thành lập khu kinh tế đặc biệt tại TPHCM, gồm quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ - những vị trí còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Kế hoạch phát triển khu kinh tế đặc biệt của TP nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác cảng biển. Đây là mô hình mới của TP và là một trong những đề án trọng điểm, chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2016-2020), tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển du lịch đường sông

TPHCM: Đột phá hướng ra biển Đông ảnh 4Để khai thác hiệu quả cảng biển, TP cần tập trung nguồn lực và ưu tiên đầu tư dứt điểm hạ tầng kết nối vào cảng, xem xét đầu tư có trọng điểm các cảng biển theo quy hoạch nhằm tránh phân tán nguồn lực; tạo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan. TPHCM cần kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ làm động lực phát triển kinh tế; hiện đại hóa dịch vụ logistics, xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa qua cảng ...
TPHCM: Đột phá hướng ra biển Đông ảnh 5

Ông Phạm Anh Tuấn,
Phó Tổng giám đốc Portcoast

Với hơn 1.000km sông, kênh, rạch có chức năng vận tải đường thủy nội địa và hàng hải, TPHCM còn được đánh giá rất có tiềm năng trong phát triển du lịch đường sông. TPHCM có hệ thống kênh rạch, sông ngòi dẫn đến nhiều khu du lịch sinh thái như rừng ngập mặn Cần Giờ, bán đảo Thanh Đa, vườn cây Lái Thiêu, vườn cò Thủ Đức, cù lao Bà Sang, cù lao Long Phước…

Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, những di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với các hoạt động khai thác du lịch đường sông có thể tạo điểm đến, như chùa Hội Sơn, miếu nổi Gò Vấp, đền Bến Dược, làng gốm Lái Thiêu. Ngoài ra, việc hoàn thiện tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, dự án đại lộ Đông Tây và chương trình cải tạo môi trường kênh Lò Gốm đang tạo ra một diện mạo mới, tạo đà cho phát triển du lịch đường sông nội đô.

Để thu hút du khách cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trong thời gian tới, TPHCM đã khởi động Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP giai đoạn 2013-2015, định hướng đến 2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Theo đó, TP sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn các tuyến du lịch đường sông, trong đó tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại Cù lao Long Phước ở quận 9 với quy mô 100ha. Đồng thời, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước hàng năm sẽ được tổ chức tại khu vực quận 9, bến Bạch Đằng - bến Nhà Rồng, Cần Giờ, Củ Chi.

Hàng năm, trung bình TPHCM đón khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế. Với lượng khách quốc tế và nội địa đến TPHCM không ngừng gia tăng sẽ là cơ hội lớn để khai thác lợi thế du lịch vốn nổi tiếng của một TP trên bến dưới thuyền. Tổng doanh thu (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) năm 2013 ước đạt 83.191 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu du lịch cả nước (200.000 tỷ đồng).

Tiềm năng lợi thế có, song các công ty du lịch cho biết du lịch đường sông phát triển chưa tương xứng. Vấn đề đặt ra cho du lịch bằng đường sông hiện nay là TP cần sớm khắc phục yếu kém cơ sở hạ tầng như cầu tàu, bến đỗ phục vụ khách, kèm theo đó là nâng cao dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải hành khách, tổ chức liên kết các khu du lịch, điểm du lịch ven sông và trên bờ.

Các tin khác