Bỏ lỡ một thế mạnh

Quy hoạch mạng lưới đường thủy TPHCM tính đến thời điểm này đã trải qua 2 đợt. Kết quả là UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 2571 năm 2001 và Quyết định 66 (QĐ 66) năm 2009 nhằm phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến bãi khu vực TPHCM đến năm 2020.

Quy hoạch mạng lưới đường thủy TPHCM tính đến thời điểm này đã trải qua 2 đợt. Kết quả là UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 2571 năm 2001 và Quyết định 66 (QĐ 66) năm 2009 nhằm phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến bãi khu vực TPHCM đến năm 2020.

Tiềm năng lớn, khai thác yêu

Theo QĐ 66, các tuyến đường thủy nội địa địa phương khu vực TP sau khi quy hoạch gồm 87 tuyến với tổng chiều dài 574,1km; 2 tuyến đường sông chuyên dùng với tổng chiều dài 2,6km; 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn TP với chiều dài 252km; 7 tuyến  hàng hải trên địa bàn TP với tổng chiều dài 146,8km. Bên cạnh đó, TP còn có nhiều tuyến đường thủy đan xen: các tuyến nội thành, nối tắt, liên tỉnh, liên kết nội thành với khu cảng biển mới Hiệp Phước.

Cùng với mạng lưới luồng tuyến, TPHCM cũng là một địa bàn có một mạng lưới cảng - bến phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và chức năng: cảng Phú Định (sông Chợ Đệm - Bến Lức), cảng Trường thọ (rạch Đào - Nhà máy Xi măng Hà Tiên), cảng Long Bình (quận 9, sông Đồng Nai); các cảng khách Bạch Đằng (quận 1), Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và cảng khách du lịch Long Hòa (huyện Cần Giờ).

Như vậy, về tiềm năng, trước hết chúng ta có hàng trăm km đường thủy, mật độ lớn và chiều dài đường thủy có thể khai thác tốt. Hai là hệ thống sông, kênh, rạch đan xen khắp TP từ nội thành, ngoại thành, liên tỉnh. Ba là hệ thống giao thông thủy TPHCM gắn liền với các tuyến đường thủy, đường biển lớn, quan trọng của khu vực. Chẳng hạn, cùng với tuyến TPHCM - Vũng Tàu - Thị Vải, luồng Soài Rạp hiện nay được khơi thông đã tạo năng lực khai thác về vận tải thủy của TPHCM như được nối thêm cánh tay.

Từ mạng lưới đó có thể lan tỏa ra các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc bằng đường thủy rất rộng mở. Theo đó, lên phía Bắc có sông Sài Gòn, lên phía Đông có sông Đồng Nai, xuống phía Nam có hàng loạt hệ thống sông, kênh, rạch của Nhà Bè, quận 7. Phía Tây có hệ thống sông Chợ Đệm, Bến Lức; từ sông Sài Gòn theo rạch Tra, kênh xáng An Hạ, kênh Thầy Cai nối kết sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây của vùng kinh tế Đồng Tháp Mười.

Tiềm năng nhiều nhưng thực tế việc tận dụng tiềm năng đó chưa xứng tầm do chưa khai thác nhiều luồng tuyến vận tải. TP từng khởi động chương trình ý tưởng khai thác tuyến vận tải thủy trên kênh Tẻ, kênh Đôi, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ, sông Sài Gòn lên Thanh Đa - Lái Thiêu - Củ Chi… nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Trong QĐ 66 về nhiệm vụ thực hiện quy hoạch cũng đã xây dựng chương trình mở tuyến ca nô buýt trên một số tuyến nội thành, nội - ngoại thành, như tuyến rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ - kênh Đôi ra sông Chợ Đệm - Bến Lức; bến Bạch Đằng - Lái Thiêu. Nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai khả thi. Chính quyền TP, Sở GT-VT đã có những chương trình và bước đi cụ thể, song thực hiện các lộ trình còn chậm.

Kết nối sông - biển

Thời gian qua, một vấn đề các nhà khoa học và quản lý đã đề cập đến là đẩy mạnh đầu tư khai thác vận tải, du lịch sinh thái - sông nước tại Cần Giờ. Đây là khu bảo tồn sinh quyển của thế giới được UNESCO công nhận. Nếu phát triển Cần Giờ đúng tầm, ngoài lợi ích kinh tế còn mang ý nghĩa về dân sinh - xã hội - nhân văn.

Thực tế TPHCM đã dành nhiều ưu ái cho sự phát triển Cần Giờ, đặc biệt về hạ tầng giao thông thủy nhằm phát triển khai thác du lịch sông nước. Bởi để quảng bá hình ảnh Việt Nam qua giá trị tiềm năng tự nhiên của khu sinh thái Cần Giờ, qua di sản lịch sử rừng sác Cần Giờ phải có tàu bè, luồng tuyến, bến bãi và các dịch vụ tổng hợp phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Một vấn đề khác, hiện nay giao thông thủy đảm nhận vận chuyển hành khách cho một TP quy mô dân số gần 10 triệu dân, nhưng TP chưa có một trung tâm tác nghiệp hành khách đường thủy nội địa đúng tầm. TP cần có một cảng hành khách thủy có quy mô phù hợp, hiện đại và mang đặc thù Việt Nam và Nam bộ - Sài  Gòn. Đó là một đòi hỏi thực tế và là tầm nhìn phát triển.

Các nhà khoa học, các nhà quản lý và ngay cả trong QĐ 66 có nêu vấn đề này. Đó là TP phải sớm có trung tâm tác nghiệp khách thủy, làm cơ sở thúc đẩy đầu tư - khai thác vận tải khách thủy nói riêng. Điều này cho thấy việc thiếu nhìn nhận bao quát, tìm ra các điểm nhấn để đầu tư và tổ chức khai thác giao thông vận tải thủy.

Hiệp Phước đang là một trung tâm tác nghiệp cảng biển lớn nhiều tiềm năng. Các ý tưởng quy hoạch trong QĐ 66 đã cho mở các tuyến đường thủy nội địa nối tuyến đường thủy nội địa quốc gia ra cảng Hiệp Phước trên sông Nhà Bè và Soài Rạp, gồm 5 nhánh tuyến: tuyến Rạch Đĩa - Phú Xuân - sông Nhà Bè, rạch Cây Khô - Phước Kiểng - rạch Mương Chuối, rạch Dơi - sông Kinh - sông Đồng Điền, sông Giồng - kênh Giồng và rạch Mương Lớn, rạch Hàng ra sông Soài Rạp. Quan điểm là giao thông thủy nội địa phải phục vụ tối đa cho khu cảng biển Hiệp Phước, thực hiện “Door to Door” nối kết sông - biển.

Vì vậy, củng cố các điều kiện hạ tầng, khai thông luồng lạch cho các tàu vận tải thủy nội địa chạy trên 5 tuyến nêu trên là một yêu cầu thực tế, một vấn đề quan trọng. Tìm cách khai thác vận tải thủy tối ưu trong chuyển tải sông - biển và ngược lại. Vấn đề này chưa được xúc tiến mạnh mẽ, chưa tương xứng với vai trò giải tỏa hàng hóa cảng Hiệp Phước bằng sự tham gia của 5 tuyến vận tải thủy nêu trên, trong khi hoạt động khai thác cảng Hiệp Phước đang dồn dập gia tăng về nhu cầu hàng hóa thông qua.

Trong điều kiện hiện nay, vai trò và vị trí của giao thông đường thủy nội địa ngày càng được nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn. Đó là giao thông đường thủy là một cấu thành bình đẳng với các ngành vận tải khác như đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không. Các nhà quản lý phải nhận ra điều này để không lãng phí tiềm năng và hiện thực hóa tiềm năng.

Các tin khác