Gỡ nút thắt công nghiệp hỗ trợ

Bàn về vấn đề tự chủ kinh tế, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của nước ta đang rất kém, nên sản xuất các mặt hàng công nghiệp chủ yếu mang tính gia công, lắp ráp; phải nhập rất nhiều các nguyên liệu phụ liệu nước ngoài, giá trị gia tăng đem lại rất thấp, đồng thời làm tăng nhập siêu. Chính vì vậy, một trong những nút thắt quan trọng cần tháo gỡ trong thời gian tới là phải đẩy mạnh phát triển ngành CNHT.

Bàn về vấn đề tự chủ kinh tế, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của nước ta đang rất kém, nên sản xuất các mặt hàng công nghiệp chủ yếu mang tính gia công, lắp ráp; phải nhập rất nhiều các nguyên liệu phụ liệu nước ngoài, giá trị gia tăng đem lại rất thấp, đồng thời làm tăng nhập siêu. Chính vì vậy, một trong những nút thắt quan trọng cần tháo gỡ trong thời gian tới là phải đẩy mạnh phát triển ngành CNHT.

Loay hoay, manh mún

Phát triển CNHT ở Việt Nam là vấn đề không mới, bởi từ năm 2001 đã có chủ trương và tới năm 2007 Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển với tầm nhìn đến năm 2020. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 12 quy định chính sách phát triển một số ngành CNHT... Tuy nhiên, cho đến nay phát triển CNHT ở Việt Nam vẫn trong tình trạng loay hoay, manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Hay như ngành cơ khí, mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng 40-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước, nhưng con số này mới đạt 32,6% vào năm 2012.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhà thầu Việt Nam chưa tự sản xuất được các loại máy móc, thiết bị chính phục vụ cho các dự án điện, than, xi măng… nên “miếng ngon” đều rơi vào tay nhà thầu nước ngoài. Ngay cả những ngành hàng đứng top đầu trong xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày… phần lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất xuất khẩu đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Có tới 80-85% tỷ lệ nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại...

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành văn phòng JETRO tại TPHCM, khó khăn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay là tình trạng thiếu hụt CNHT tại thị trường nội địa. Khảo sát của JETRO năm 2013 cho thấy tỷ lệ cung cấp nội địa cho các công ty Nhật Bản chưa đến 32% tại Việt Nam so với 64% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan. 10 năm qua, JETRO đã nỗ lực nâng cao ngành này thông qua các buổi trao đổi thương mại và triển lãm về CNHT song vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Nút thắt chính sách

Để phát triển CNHT trong thời gian tới, trước hết cần xác định quan điểm đây là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ chế, chính sách phát triển xác định rõ ưu tiên trong từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần thành lập cơ quan đầu mối thống nhất quản lý ở cấp vĩ mô và hiệp hội doanh nghiệp CNHT để phối hợp và liên kết hoạt động ở cấp vi mô.

TS. Phạm Tất Thắng,
Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)

Ông Vũ Nguyên Thức, Trung tâm Hợp tác - Chuyển giao tri thức (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay về thể chế và chính sách là chưa có quan điểm rõ ràng về CNHT để xác định các chủ thể tham gia phát triển ngành này; cơ chế vận hành chưa đầy đủ, chủ yếu là mệnh lệnh hành chính từ trên xuống, không bám sát nhu cầu thị trường. “Các chính sách đã ban hành dường như vẫn chưa chạm đến các doanh nghiệp sản xuất CNHT, mức độ khuyến khích vẫn còn thiếu và yếu” - ông Thức nhận định.

Cùng chung quan điểm, TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), phân tích Việt Nam đã có các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển doanh nghiệp, chính sách tăng cường liên kết doanh nghiệp thông qua các khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực CNHT nên chưa phát huy được tác dụng.

Nêu tình hình cụ thể trong phát triển CNHT ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết vốn đầu tư là một khó khăn. Một vấn đề khác, dù hiện nay lãi suất đã giảm nhiều (9-10%/năm), nhưng so với nhà đầu tư nước ngoài họ có lợi thế hơn rất nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể vay vốn tại nước họ với lãi suất chỉ khoảng 1-2%/năm để đầu tư.

Khó khăn nữa là ở các quốc gia sản xuất thiết bị nhà đầu tư của họ có thể được hưởng ưu đãi của ngân hàng xuất khẩu. Nước nào cũng có ngân hàng này để tài trợ vốn đầu tư thiết bị với lãi suất rất thấp, thậm chí cho trả chậm. “Thí dụ, tôi là doanh nghiệp Trung Quốc, tôi mua thiết bị của Trung Quốc có thể thương lượng trả chậm đến 1-2 năm cho nhà sản xuất. Việt Nam không làm được như vậy” - ông Trường nói. Đáng lưu ý, sản xuất trong nước hiện nay có bất lợi so với nhập khẩu. Đó là nhập khẩu được ân hạn thuế 270 ngày, còn sản xuất trong nước thuế VAT 10% thu ngay.

Tháo gỡ thế nào?

Tại hội thảo thu hút đầu tư công nghệ cao và CNHT vào TPHCM diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã nói thẳng: “Đến nay vẫn chưa rõ nội dung các khái niệm CNHT, công nghệ cao, thực trạng và định hướng phát triển của nó ra sao. Điều này dẫn đến phát triển ngành này trong thời gian qua ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn yếu”.

Từ thực trạng này, theo nhiều chuyên gia, chính sách phát triển CNHT cần tập trung tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp CNHT trong và ngoài nước, giữa doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệp công nghiệp chính. Cụ thể hơn, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, kiến nghị nên xem xét lại các chính sách liên quan đến CNHT, theo hướng CNHT của ngành nào được ưu đãi như sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào ngành đó. Thí dụ, nếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho Samsung doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng những ưu đãi như Samsung.

Trong khi đó, ông Park Chang Eun, Phó Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, cho rằng một phương án giải quyết triệt để và có hiệu quả từ gốc rễ nên được xem xét, đó là tiến hành nuôi dưỡng nhân lực từ trong “trứng nước”.

Nhà nước nên đưa ra nhiều chính sách để phát triển quá trình giáo dục đào tạo từ ngay từ bậc đại học để cho ra lò các thế hệ có nền tảng đầy đủ và vững chắc để phát triển các kỹ năng. “Người Việt Nam thông minh và có tính sáng tạo rất cao, có khả năng thích ứng và học hỏi công nghệ mới nhanh. Nếu được đào tạo, họ hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm vươn tầm thế giới” - ông Park Chang Eun nhìn nhận.

Các tin khác