Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Bài 2: Đẩy mạnh hội nhập, giảm phụ thuộc

Tăng cường hội nhập và khai thác thị trường trong nước là những giải pháp quan trọng được nhắc đến nhiều trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, để làm được điều này, thách thức sẽ rất lớn. Đặc biệt trong vấn đề hội nhập thời gian qua, khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của nước ta còn nhiều hạn chế.

Tăng cường hội nhập và khai thác thị trường trong nước là những giải pháp quan trọng được nhắc đến nhiều trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, để làm được điều này, thách thức sẽ rất lớn. Đặc biệt trong vấn đề hội nhập thời gian qua, khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của nước ta còn nhiều hạn chế.

Kỳ vọng các FTA mới

Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử… chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác trong hoạt động xuất nhập khẩu tránh phụ thuộc vào một thị trường. Trên thực tế, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc có gắn bó chặt chẽ từ lâu và để tránh phụ thuộc lớn, Chính phủ cùng các bộ, ngành đang tích cực đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với EU; liên minh thuế quan Nga, Kazakhstan, Belarus; Hàn Quốc. Những FTA này sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Việc thông qua các FTA để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng là một cơ hội không thể bỏ qua. Với các FTA, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở việc tiếp cận thị trường với thuế quan ưu đãi mà còn ở các cơ hội trao đổi, đàm phán để giải quyết những vấn đề vốn trước nay là rào cản với các thị trường này như hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ.

Ông Đỗ Thắng Hải,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Có thể thấy, hơn lúc nào hết Việt Nam trông chờ vào những tiến triển của các đàm phán trên. Những FTA này khi đàm phán thành công và đi vào thực thi sẽ giúp Việt Nam trong việc giảm bớt và dần thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, tạo sự cân bằng lâu dài của nền kinh tế.

Theo Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, các thỏa thuận dành ưu đãi thuế quan cho hàng hóa từ các đối tác, các FTA có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cho sản xuất cũng như tiêu dùng. Cụ thể, với các FTA, trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào và hàng tiêu dùng từ các nước đối tác FTA, đặc biệt từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, có sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thể nhập khẩu vào Việt Nam với giá cả hợp lý hơn.

Cũng với các FTA, thị trường dịch vụ (xây lắp, tài chính…) của Việt Nam sẽ chứng kiến sự tham gia cạnh tranh sôi động, bình đẳng và minh bạch hơn của các nhà cung cấp dịch vụ từ các đối tác với chi phí hợp lý hơn. Đây sẽ là cơ sở để cải thiện phần nào tình trạng nhập siêu hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc hiện nay.

Trong 8 FTA Việt Nam đã ký kết (gồm ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Australia và New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Chile), nhiều chuyên gia cho rằng lẽ ra chúng ta đã có thể tận dụng để bổ sung dần nguồn cung khác thay vì từ Trung Quốc. Thế nhưng thói quen mua hàng giá rẻ vẫn lấn lướt, để rồi dù thị trường rộng mở nhưng hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu vẫn chủ yếu là hàng Trung Quốc, nhà thầu và lao động Trung Quốc…

Điều này đã làm nhập siêu từ Trung Quốc ăn hết thành quả những nỗ lực xuất siêu sang các thị trường, khiến nền kinh tế tiếp tục lún sâu vào phụ thuộc. Việc Việt Nam tiếp tục đàm phán các FTA với những đối tác lớn sắp tới, đặc biệt là TPP với những đòi hỏi khắt khe hơn, lại một lần nữa doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ta đứng trước cơ hội có thể tiếp cận nguồn cung với giá hợp lý, chất lượng tốt hơn từ các đối tác lớn.

Tăng cường trao đổi, tham vấn

Các FTA mới với những quy tắc và thủ tục chứng nhận về xuất xứ cũng sẽ là một thách thức lớn và cơ hội có thể mất đi nếu doanh nghiệp không tận dụng, không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan. Chẳng hạn, với TPP, những bất lợi doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sẽ khiến sản phẩm nhập khẩu trở nên cạnh tranh hơn, trong khi Việt Nam chưa xây dựng nhiều hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Hoặc với  việc mở cửa thị trường dịch vụ, nhiều ngành sẽ không còn được bảo hộ; quyền sở hữu trí tuệ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải bỏ tiền nhiều hơn để mua các phát minh sáng chế; yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ từ các nước TPP cao và phức tạp gây khó khăn đối với các mặt hàng phi nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh (như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…).

Đến thời điểm hiện nay, yêu cầu phát huy nội lực để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam đã rất cấp thiết. Để làm được việc này, đầu tiên phải nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó phải tái cơ cấu, trong đó quan trọng là thể chế, bãi bỏ những rào cản ảnh hưởng, hạn chế đến mọi tổ chức và cá nhân.

Ông Vũ Viết Ngoạn,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Một nghiên cứu của Trung tâm WTO về giải pháp tăng cường hiệu quả tham vấn doanh nghiệp trong các đàm phán FTA đã cho biết, những bất cập, hạn chế về tham vấn doanh nghiệp trong đàm phán thương mại quốc tế, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không được chuẩn bị trước để đón nhận và thực thi các cam kết (gần 87%), không biết để tận dụng những cơ hội cam kết mang lại (hơn 79%), không biết về các công cụ chính sách có trong cam kết có thể giúp bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình thực thi cam kết (75%), hay cách để vượt qua khó khăn trong cạnh tranh (gần 73%).

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, bà Silvia Hernandez, nguyên Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh, Thượng viện Mexico, cho rằng vai trò của doanh nghiệp tư nhân hết sức quan trọng trong việc tận dụng cơ hội của các hiệp định. Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau và tham gia tích cực vào quá trình đàm phán để hỗ trợ các vấn đề về kỹ thuật cho đoàn đàm phán.

Tại Mexico, doanh nghiệp tham gia từ đầu đến cuối việc đàm phán và có những vận động nhất định với chính phủ trong việc ký kết các FTA. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cung cấp thông tin về các FTA một cách đơn giản, dễ hiểu cho doanh nghiệp và người dân, từ đó đưa ra những khuyến nghị liên quan đến các vấn đề thiết thân của họ.

Đề cập những bất cập hiện nay, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhiều doanh nghiệp trong nước tận dụng các cam kết mở cửa thị trường còn rất hạn chế. Chẳng hạn như việc vượt qua các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch hay quy chế về nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp, hiệp hội các ngành hàng sẽ được định hướng tham gia ngay từ đầu quá trình đàm phán FTA, qua đó chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin và góp ý thường xuyên cho việc đàm phán để đạt được những thỏa thuận có lợi, phù hợp nhất đối với từng ngành hàng cụ thể. Vì thế, doanh nghiệp cần phải chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuẩn bị nguồn cung cấp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt.

Phát huy nội lực

Chính những thách thức của việc hội nhập trên đã lý giải phần nào tại sao Việt Nam đã ký FTA với 8 đối tác nhưng việc tận dụng cơ hội còn nhiều hạn chế. Việt Nam bán nông sản sang Trung Quốc không phải vì giá cả hấp dẫn, so với các thị trường khác, thậm chí hàng hóa còn bị xử ép tại cửa khẩu biên giới, bị chậm thanh toán, hủy ngang hợp đồng… nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu bởi chúng ta chưa biết cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng khó tính EU, Hoa Kỳ…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bên cạnh việc chủ động hội nhập để hợp tác phát triển kinh tế hay quan hệ thương mại với các nước, việc phát huy nội lực cũng đóng vai trò quan trọng. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư trong nước.

Cụ thể, ưu đãi các doanh nghiệp trong nước được hưởng tương tự như đầu tư nước ngoài, đặc biệt các lĩnh vực làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, không khuyến khích doanh nghiệp khai thác khoáng sản để xuất thô sang Trung Quốc. Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, do TPP có quy định xuất xứ nguồn hàng, nên chọn đột phá là sợi và vải. Để làm được cần có sự phân vai hợp lý giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó vai trò của kinh tế nhà nước rất quan trọng.

Đầu tư phát triển nguyên liệu cho sản xuất là nhiệm vụ cấp thiết đối với doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Đầu tư phát triển nguyên liệu cho sản xuất là nhiệm vụ
cấp thiết đối với doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán các hiệp định quan trọng, trong đó có TPP. Khi Việt Nam tham gia TPP, thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức 0%, và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này. Với việc dự thảo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đang được sửa đổi theo hướng các doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm.

Do vậy, Việt Nam cần tận dụng các lợi thế của mình để khuyến khích hoạt động đầu tư cả trong và ngoài nước vào những lĩnh vực còn yếu như công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước. Bên cạnh việc xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn việc khai thác thị trường trong nước bởi với 90 triệu dân, nếu tất cả dùng hàng Việt Nam sẽ tạo một thị trường lớn. Mặt khác, người tiêu dùng cần tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” để tạo thị trường lớn cho sản xuất nội địa và đó là hành động yêu nước thiết thực.

Các tin khác