CLL có làm nên chuyện?

Theo kế hoạch, mã CLL của CTCP Cảng Cát Lái sẽ chính thức chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 8-7 với giá tham chiếu 29.500 đồng/CP. Với hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định nhưng CLL có làm nên chuyện trong ngày chào sàn hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Theo kế hoạch, mã CLL của CTCP Cảng Cát Lái sẽ chính thức chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 8-7 với giá tham chiếu 29.500 đồng/CP. Với hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định nhưng CLL có làm nên chuyện trong ngày chào sàn hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Ưu thế cạnh tranh

CLL được thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và khai thác cầu cảng chuyên dụng xếp dỡ hàng container của cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM). Cảng Cát Lái nằm trong hệ thống cảng biển của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có lợi thế về vị trí nằm trong trung tâm tứ giác phát triển kinh tế động lực chiến lược và tiềm năng nhất nước, gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây cũng là khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu cả nước, đồng thời với tỷ lệ dân số chiếm gần 50%, nên cũng là vùng đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế nước nhà, chiếm gần 60% nguồn thu ngân sách và trên 70% kim ngạch xuất khẩu. Trong số các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang khai thác, có 2 cảng container lớn nhất Việt Nam là khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái và cảng Tân Cảng - Cái Mép. Trong đó, theo quy mô được đầu tư, khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái hiện đang đứng trong top 34 cảng container hàng đầu thế giới.

Trong năm 2013, khu cảng này đạt sản lượng 3,2 triệu TEU, chiếm khoảng 86% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng tại khu vực TPHCM và 42% thị phần container xuất nhập khẩu cả nước. CLL thực hiện việc cung cấp các dịch vụ cảng biển, dịch vụ bốc xếp tại bãi và bến tàu cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Hoạt động kinh doanh của CLL phát triển khả quan kể từ khi hệ thống cầu cảng chính thức đi vào hoạt động năm 2009. Cụ thể, doanh thu tăng bình quân 22,82%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng 16,26%/năm trong giai đoạn năm 2010-2013. Doanh thu thuần của CLL tăng mạnh vào năm 2010 và 2011 với mức tăng lần lượt 34,32% và 31,31%.

Dù mức tăng trưởng doanh thu thuần năm 2012 và 2013 lần lượt đạt 9,53% và 17,79%, thấp hơn những năm trước đó nhưng lợi nhuận sau thuế 2 năm này đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2010-2013 (mức tăng trưởng lợi nhuận của năm 2010, 2011, 2012 và 2013 lần lượt 0,37%, 12,22%, 30,36% và 24,2%).

Nhờ lợi nhuận tăng đều hàng năm nên EPS của CLL cũng tăng dần và ở mức 3.427 đồng/CP (năm 2013). Đồng thời, CLL duy trì chính sách trả cổ tức cao và ổn định, khoảng 18-22% trong vòng 5 năm trở lại đây (dự kiến năm 2014 là 22%).

Định giá cao

Theo kế hoạch CLL sẽ niêm yết toàn bộ 24 triệu CP lên sàn HOSE với giá chào sàn 29.500 đồng/CP. Tuy nhiên, trong một bảng phân tích mới vừa được CTCK Vietcombank (VCBS) công bố, giá trị hợp lý của CLL chỉ ở mức 25.800 đồng/CP. Cụ thể, nếu tính theo phương pháp so sánh tương đối bằng cách lấy thông tin tài chính của 8 công ty trong ngành dịch vụ hỗ trợ hàng hải và tính trung bình P/E và P/B của các công ty này, giá trị hợp lý của CLL là 23.660 đồng/CP. Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do (FCFE), giá hợp lý của CLL là 28.902 đồng/CP.

Theo VCBS, giá trị hợp lý của CLL được tổng hợp từ 2 phương pháp trên với phân bố tỷ trọng không bằng nhau. Phương pháp FCFE sử dụng nhiều giả định về tình hình hoạt động kinh doanh của CLL trong vòng 5 năm tới. Đồng thời tốc độ tăng trưởng sau năm 2018 được tính toán từ kết quả của giai đoạn 2014-2018 với thay đổi nhỏ của tốc độ tăng trưởng này có thể tạo ra thay đổi rất lớn đến giá trị của CLL.

Do đó, phân bổ tỷ trọng cho 2 phương pháp so sánh tương đối và FCFE lần lượt là 60% và 40%. Từ đó, mức giá hợp lý của CLL là 25.800 đồng/CP. Một yếu tố quan trọng để VCBS không đánh giá cao CLL là doanh nghiệp này có tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực kinh doanh cảng biển thời gian qua do có nhiều ưu thế cạnh tranh. Thế nhưng đà tăng trưởng của mảng này không còn khi cầu cảng B7 đã hoạt động hết công suất và hoạt động vận tải tàu biển đang có xu hướng di dời ra khỏi khu vực TPHCM.

Bốc dỡ hàng tại cảng Cát Lái.

 Bốc dỡ hàng tại cảng Cát Lái.

Ngày 1-7, HOSE đã có Thông báo 681/TB-SGDHCM công bố danh sách bổ sung CK không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, trong đó có CLL do thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Từ thực tế này đã có nhiều nhận định cho rằng, CLL khó có thể bứt phá trong phiên chào sàn, bởi việc định giá cao cộng với sự thiếu vắng dòng tiền đầu cơ từ các hoạt động margin.

Cổ đông nhà nước chiếm hơn 49% cổ phần tại CLL thông qua Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (nắm 24,4%), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (20,9%) và Công ty Vận tải biển Đông (3,4%). Hơn 50% số cổ phần còn lại được nắm giữ bởi các cổ đông trong nước, chủ yếu là cổ đông cá nhân và cán bộ, nhân viên công ty.

Các tin khác