Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Bài 1: Thực trạng đáng lo ngại

Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên biển Đông, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả nền kinh tế trên thế giới, không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên biển Đông, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả nền kinh tế trên thế giới, không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Trong một thế giới hội nhập, khi các nền kinh tế đan xen lẫn nhau, sự phụ thuộc là điều không tránh khỏi. Nhưng cách nhiều doanh nghiệp Việt Nam quá lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, máy móc từ Trung Quốc lại đặt ra một thách thức lớn về việc làm sao vừa tận dụng được lợi ích, vừa tránh được các rủi ro lớn.

Bất bình thường mua - bán

Nhắc đến việc lệ thuộc nguồn nguyên liệu, không có minh chứng nào rõ ràng hơn với ngành dệt may. Dù được coi là ngành kinh tế chủ lực (đứng thứ 2 về xuất khẩu, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; trên 5.000 doanh nghiệp với hơn 2,5 triệu lao động, chiếm 5% tổng lượng lao động công nghiệp của Việt Nam; đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp…) nhưng phần lớn nguồn nguyên liệu lại phụ thuộc nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 4,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 39% tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu ở các thị trường khác. Trong đó, Việt Nam nhập xơ, sợi hơn 465 triệu USD, chiếm tỷ trọng 47%; vải lên đến gần 3,9 tỷ USD, chiếm 46%.

Trong thời gian dài, chính sách biên mậu với Trung Quốc và quản lý nhà nước khá dễ dãi đã tạo nên sự cạnh tranh thiếu công bằng đối với doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính. Nguồn nguyên liệu từ nông sản khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản, nhiều doanh nghiệp đã sống dở chết dở và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng.

Ông Đinh Văn Hương,
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Ở khía cạnh xuất khẩu, một nhóm hàng chịu nhiều tác động từ Trung Quốc là nông sản. Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng nông sản như lúa gạo, cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng. Riêng thanh long, bột sắn, thị phần ở thị trường này chiếm 80-90%.

Ông Phạm Vũ Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn, cho biết tính đến 20-6, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, giảm 14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do mặt hàng này phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc. Trong khi đó, thời gian vừa qua Trung Quốc lại tập trung mua hàng từ Thái Lan, đã khiến các công ty sản xuất trong nước tồn kho hàng chục ngàn tấn sắn.

Xét một cách tổng thể, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã có sự thay đổi nhanh chóng. Việt Nam xuất sang Trung Quốc từ 1,5 tỷ USD năm 2000 đã tăng lên 13,3 tỷ USD năm 2013; nhập khẩu cũng tăng lên tương ứng, từ 1,4 tỷ USD lên 37 tỷ USD. Từ chỗ xuất siêu vào thị trường này (năm 2000 là 135 triệu USD) đã giảm còn 23,7 tỷ USD năm 2013.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chúng ta đang bộc lộ những điểm yếu tử huyệt khi công nghiệp và dịch vụ trợ giúp kém phát triển, xuất khẩu quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Chúng ta đang bị thiệt đủ đường trong cả xuất và nhập khẩu do không xác định được vị trí của mình.

Chẳng hạn các tỉnh của Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây đều phải nhập khẩu một lượng lớn gạo từ Việt Nam. Dù bị họ ép giá nhưng rõ ràng họ không thể không nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Do đó, chúng ta phải xác định rõ vị trí của mình trong quan hệ thương mại giữa 2 nước.

Triệt tiêu sản xuất trong nước

Dẫn số liệu thống kê được phía Việt Nam và Trung Quốc đưa ra năm 2012 có sự chênh nhau lớn. Cụ thể, theo báo cáo của Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc 28,8 tỷ USD năm 2012, nhưng số liệu của Trung Quốc là 34 tỷ USD; tương ứng với đó là xuất khẩu 12,8 tỷ USD và 16,2 tỷ USD; tỷ lệ nhập từ Trung Quốc so với tổng nhập tương ứng 25,4% và 30%; tỷ lệ xuất sang Trung Quốc so với tổng xuất 11,2% và 14,1%.

Sai số lớn nêu trên trong thống kê 2 nước có thể hiểu đó là xuất, nhập lậu. Nhưng vấn đề là trong khi phía Trung Quốc thống kê cao hơn Việt Nam cho thấy họ kiểm soát được tình hình trong khi chúng ta ngược lại là điều đáng lo ngại.

Giá trị nhập siêu từ Trung Quốc phần lớn tập trung các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp, gia công, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất xuất khẩu. Như vậy, về bản chất Việt Nam đang đóng vai trò cầu nối xuất khẩu (với chi phí thấp) cho các ngành hàng thế mạnh của Trung Quốc. Diễn biến này đẩy nền kinh tế Việt Nam lún ngày càng sâu vào thế phụ thuộc Trung Quốc.

TS. Nguyễn Minh Phong,
chuyên gia kinh tế

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chúng ta luôn tự hào là quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng đứng trong top thế giới nhưng thực tế phần xuất khẩu hộ Trung Quốc cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chẳng hạn, hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD năm 2012 và chiếm 4,5-6% trong nhập khẩu từ Trung Quốc giai đoạn 2007-2012. “Quả thực đáng lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc hiện nay” - bà Lan nói.

Việc Việt Nam phụ thuộc nặng vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nhập siêu liên tục tăng cao đã khiến lợi ích thương mại phần lớn vào tay doanh nghiệp Trung Quốc, kể cả trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Trong khi đó, cơ cấu thương mại và sản xuất của Việt Nam ít thay đổi, tụt hậu hơn so với các nước, vị thế yếu trên thị trường khiến càng lệ thuộc sâu hơn.

Hệ quả nhiều ngành sản xuất trong nước bị chèn lấn, khó phát triển. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, phát triển các sản phẩm trung gian do khó cạnh tranh với Trung Quốc. Theo ông Đinh Văn Hương, thương nhân Trung Quốc tập cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại, không an toàn thực phẩm và nhiều rủi ro.

Khi Trung Quốc không mua nữa, với chất lượng hàng hóa đó không thể bán vào thị trường khác. Trong khi đó, nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc lại có dư lượng thuốc hóa học rất cao, trong đó có những hóa chất cấm, gây tổn hại sức khỏe cho người dân. Việc nhập khẩu qua biên mậu có chính sách nhập khẩu cũng quá dễ dãi, không được kiểm soát chặt chẽ như hàng nhập chính ngạch. Việc nhập nông sản từ Trung Quốc đã gây áp lực lên nông sản Việt ở giá thấp, dù chất lượng kém và không an toàn.

Thời cơ hội nhập sâu

Một nghiên cứu từng được CIEM công bố, cho biết 97% hợp đồng thương mại của doanh nghiệp Việt Nam là ngắn hạn dưới 3 năm. Điều đó phần nào cho thấy doanh nghiệp coi trọng vào ngắn, nhanh, ít chú trọng phát triển chất lượng. Theo các chuyên gia, điều khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng lớn là cách tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tuy tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đã gần 20 năm nhưng các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt vẫn dựa trên các hợp đồng ngắn hạn, chưa tham gia sâu các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu dựa trên các hợp đồng dài hạn và năng lực được liên tục nâng cao; phần lớn doanh nghiệp còn duy trì cách quản trị và kinh doanh cũ dễ dãi với Trung Quốc.

Vì thế, giải pháp hạn chế nhập siêu cũng như giảm ảnh hưởng nhập khẩu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hơi, ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và cần có chính sách hợp lý đối với xuất - nhập khẩu qua đường biên mậu để gia tăng hoạt động chính ngạch.

Các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu. Bên cạnh đó là chủ động kích thích sản xuất trong nước như đặt hàng, đấu thầu trong nước trước khi nhập khẩu; kiên trì thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ.

Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng nông sản như lúa gạo, cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng. Ảnh: THANH DŨNG

Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng nông sản như lúa gạo,
cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu
của các ngành hàng. Ảnh: THANH DŨNG

Theo TS. Võ Trí Thành, đây là thời cơ với chúng ta giúp đẩy nhanh tái cấu trúc, hội nhập sâu rộng với những đối tác và các nền kinh tế tốt nhất để học hỏi. Theo đó, cần đẩy nhanh ký kết TPP, FTA Việt Nam - EU. Chẳng hạn như TPP, các ngành hàng có lợi thế từ TPP là dệt may, da giày và xuất khẩu, những ngành nông nghiệp chất lượng cao về trồng trọt và thủy sản.

Trong nông nghiệp không phải lĩnh vực nào cũng cạnh tranh, nhưng nếu có TPP chuyển động về đầu tư là cực lớn, vấn đề Việt Nam có làm được không.

Theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bên cạnh việc tăng năng lực sản xuất trong nước, cần đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nguyên nhiên liệu và việc Việt Nam sẽ tham gia TPP đang là cơ hội lớn cho việc kêu gọi đầu tư này. Bên cạnh đó, các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có. Vấn đề là lĩnh vực này vẫn không thể phát triển vì “chúng ta dường như chỉ nói nhiều hơn làm”.

Hay như hàng rào kỹ thuật, dù được đề cập nhiều nhưng hàng kém chất lượng vẫn ồ ạt vào Việt Nam không kiểm soát được. Thực tế này cho thấy, đã đến lúc phải hành động thay vì chỉ nói suông hay mất thời gian với hàng loạt hội thảo, hội nghị tốn kém, mất thời gian mà tình hình sau đó vẫn không thay đổi.

Các tin khác