Cần thêm lợi thế

Kết quả cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng DN châu Âu tiếp tục gia tăng. Chỉ số BCI quý II đã trở về giai đoạn thịnh vượng của năm 2011, tăng từ 59 điểm quý trước lên 66 điểm. Mức tăng trưởng này càng thể hiện rõ sự cam kết của các DN châu Âu vào thị trường Việt Nam.

Ngày 17-6, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố kết quả khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) lần thứ 15 thực hiện vào tháng 5-2014.

Kết quả cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng DN châu Âu tiếp tục gia tăng. Chỉ số BCI quý II đã trở về giai đoạn thịnh vượng của năm 2011, tăng từ 59 điểm quý trước lên 66 điểm. Mức tăng trưởng này càng thể hiện rõ sự cam kết của các DN châu Âu vào thị trường Việt Nam.

EuroCham cho rằng xu hướng khả quan của chỉ số BCI liên quan đến các đàm phán thương mại đang diễn ra như hiệp định thương mại tự do (FTA) châu Âu-Việt Nam và sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Với xu hướng hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, cuộc khảo sát có yêu cầu các DN đánh giá lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN qua nhiều tiêu chí khác nhau.

Kết quả cho thấy chi phí nhân công thấp được nhận định là một trong những lý do chính để khuyến khích các DN thành viên EuroCham đầu tư vào Việt Nam. Mặc khác cũng cần lưu ý là phần lớn DN phản hồi đánh giá Việt Nam kém cạnh tranh về cơ sở hạ tầng và hệ thống pháp luật/hành chính.

Nhìn vào kết quả cuộc khảo sát có thể thấy cho đến nay Việt Nam vẫn đang có lợi thế về chi phí nhân công thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia từng nhận định đã đến lúc Việt Nam cần tìm ra cho mình những lợi thế thu hút đầu tư khác, mang tính bền vững và dài hạn hơn, chi phí nhân công sẽ không thể mãi là lợi thế, vì rồi sẽ có nước chi phí còn thấp hơn. Đến lúc đó chúng ta sẽ lấy cái gì để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài?

Trở lại kết quả cuộc khảo sát của EuroCham, có tới 75% DN cho rằng Việt Nam kém cạnh tranh về cơ sở hạ tầng và 80% nhấn mạnh đến điểm yếu trong hệ thống pháp luật/hành chính. Những đánh giá này cũng chính là những lưu ý quan trọng để chúng ta có những đầu tư, cải tiến mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh cánh cửa hội nhập đang mở ra khá sâu rộng. Nếu không nhanh chóng cải thiện, Việt Nam có thể sẽ mất nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Thực ra, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay cải tiến hệ thống pháp luật/hành chính không chỉ giúp hỗ trợ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài mà còn có tác dụng nội tại với các DN trong nước khi công cuộc cạnh tranh đang ngày càng bình đẳng hơn, sân chơi chung đang rộng hơn.

Nếu có cơ sở hạ tầng tốt hỗ trợ, các DN nội như có thêm nền tảng, thêm sức mạnh sản xuất, kinh doanh và cả xuất khẩu hàng hóa ra khu vực và thế giới.

Các tin khác