Bán hàng đa cấp: Siết quản lý, tăng minh bạch

Bán hàng đa cấp (BHĐC) là mô hình kinh doanh đặc thù được pháp luật quốc tế và Việt Nam thừa nhận. Nhưng qua hơn 13 năm hoạt động tại Việt Nam, BHĐC đã xuất hiện nhiều biến tướng khiến xã hội có cái nhìn tiêu cực về hoạt động này. Để góp phần minh bạch thị trường, cần sự quản lý chặt chẽ và ý thức của doanh nghiệp để mô hình này đảm bảo đi đúng hướng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bán hàng đa cấp (BHĐC) là mô hình kinh doanh đặc thù được pháp luật quốc tế và Việt Nam thừa nhận. Nhưng qua hơn 13 năm hoạt động tại Việt Nam, BHĐC đã xuất hiện nhiều biến tướng khiến xã hội có cái nhìn tiêu cực về hoạt động này. Để góp phần minh bạch thị trường, cần sự quản lý chặt chẽ và ý thức của doanh nghiệp để mô hình này đảm bảo đi đúng hướng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bức tranh thị trường

Cách đây hơn 1 năm khi Công ty Nuskin chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam, anh N.C.D (Hà Nội) đã tham gia một số chương trình do Nuskin tổ chức với mong muốn được tham gia đội ngũ BHĐC. Nhưng cũng kể từ đó, gia đình, bạn bè, người thân của anh thường xuyên bị “tra tấn” bởi thông tin sản phẩm của Nuskin.

Chưa biết thực hư công dụng của sản phẩm song cách anh giới thiệu cũng khiến nhiều người quen cảm thấy không ổn. Thực ra, lâu nay việc 1 gia đình có người tham gia đội ngũ BHĐC là mọi thành viên trong gia đình, bạn bè đã bị ép nghe giới thiệu và dụ mua hàng xảy ra không hiếm. Và dưới cái nhìn của nhiều người tiêu dùng, BHĐC là một hình thức kinh doanh mang tính lừa đảo. Thậm chí trên mạng xã hội còn có những trang kiểu kêu gọi tẩy chay đa cấp, hoặc tham gia hội căm ghét BHĐC lừa đảo…

Thực ra nếu quy chụp BHĐC là lừa đảo cũng không hoàn toàn đúng vì hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh theo mô hình này. Điều đáng lưu tâm là sự mới mẻ, hấp lực của mô hình này đã khiến nhiều doanh nghiệp tham gia bất chính, biến tướng mô hình kinh doanh đa cấp chân chính và lừa gạt không ít người nhẹ dạ.

Hoạt động BHĐC mang tính chất lừa đảo đang gây bức xúc cho cộng đồng và làm mất uy tín, hình ảnh của các công ty kinh doanh đa cấp hợp pháp, chân chính. Do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt đồng BHĐC, siết chặt các chính sách và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý nhằm giúp ngành kinh doanh này minh bạch hơn, lấy lại niềm tin người tiêu dùng.

Trương Thị Nhi,
Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam

Nhìn lại hành trình gia nhập thị trường Việt Nam của hoạt động BHĐC có thể thấy mấy dấu mốc quan trọng. BHĐC bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2000, đến năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP để quản lý hoạt động này. Tính đến ngày 18-4-2014, đã có 102 doanh nghiệp đăng ký hoạt động BHĐC, trong đó 30 doanh nghiệp đã tạm dừng/chấm dứt hoạt động, 5 doanh nghiệp bị rút giấy phép hoạt động và chỉ còn 67 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở TPHCM và Hà Nội.

Hiện có khoảng 7.000 mặt hàng kinh doanh theo hình thức này. Số lượng người tham gia vào hoạt động BHĐC khoảng gần 1,4 triệu người. Doanh thu năm 2013 của BHĐC khoảng 6.450 tỷ đồng. Tổng số thuế doanh nghiệp BHĐC nộp ngân sách hơn 1.130 tỷ đồng. BHĐC cũng được xem là một phương thức bán hàng đơn thuần như các phương thức truyền thống khác với những ưu và nhược điểm.

Những ưu điểm được nhìn thấy rõ nét của mô hình này là tiết kiệm chi phí quảng cáo, tiếp thị, địa điểm kinh doanh, dành nhiều chi phí hơn cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm và hoa hồng cho người tham gia; linh hoạt về thời gian làm việc; thích hợp với những hàng hóa yêu cầu tư vấn, hướng dẫn khi sử dụng; nâng cao khả năng thuyết trình, giao tiếp của những người tham gia BHĐC; tạo thêm công ăn, việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cùng với đó có không ít nhược điểm: Kinh doanh theo kiểu truyền miệng, không có địa điểm bán hàng, khó kiểm soát thông tin; trình độ nhận thức của người tham gia tương đối đa dạng, nhận thức về BHĐC chưa cao, bản thân người tham gia bán chưa có tinh thần tuân thủ pháp luật cao; sự giám sát của các doanh nghiệp đối với người tham gia BHĐC chưa chặt chẽ; các hoạt động núp bóng BHĐC dẫn tới dư luận không tốt về hoạt động này…

Thổi phồng và lừa đảo

Những phản ứng của người tiêu dùng đối với hoạt động BHĐC không phải không có nguyên do. Thực tế trên thị trường đã xảy ra nhiều vụ lừa gạt khiến hàng ngàn người trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán này.

Vào thời điểm 2011, năm được xem tăng trưởng nóng của hoạt động BHĐC tại Việt Nam, sự việc Agel chấm dứt hoạt động đã khiến hàng ngàn người tham gia hệ thống này phải “nuốt trái đắng”. Không chỉ Agel, thị trường còn có nhiều cái tên khác đã lừa gạt người tham gia, như Công ty Sinh Lợi. Những doanh nghiệp này đã núp bóng hoạt động kinh doanh đa cấp để thu lợi bất chính.

Hình thức BHĐC đóng góp không nhỏ vào việc tăng trưởng chỉ số bán lẻ, tạo việc làm, đem lại thu nhập cho một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã hoạt động bất chính, vi phạm nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, ghi không đúng nhãn mác, cung cấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Có doanh nghiệp không đăng ký BHĐC nhưng áp dụng phương thức kinh doanh đa cấp là hoàn toàn sai với quy định về thương mại điện tử.

Ông Võ Đan Mạch,
Tổng thư ký Hiệp hội BHĐC Việt Nam

Môtíp lừa gạt những người nhẹ dạ của các doanh nghiệp làm ăn bất chính là đánh vào tâm lý thích ngồi mát ăn bát vàng, không mất nhiều công sức lao động vẫn có thể kiếm được vài chục triệu đồng/tháng. Lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc mời gọi được càng nhiều người tham gia càng tốt. Rất nhiều buổi hội thảo với “người thật, việc thật” được các doanh nghiệp tổ chức nhằm tạo hấp lực với hàng ngàn người.

Không chỉ những người ở vùng sâu, xa thiếu thông tin mà ngay ở những trung tâm như TPHCM, Hà Nội cũng không ít những hội thảo như vậy được tổ chức. Đó là Công ty Unicity tổ chức hội thảo tại TPHCM nói quá lên về công dụng sản phẩm cũng như tô vẽ mức thu nhập khổng lồ sau một thời gian ngắn tham gia mạng lưới.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, từng đề cập đến vi phạm trong hoạt động này: “Mô hình BHĐC trong thực tế đã bị lợi dụng trái phép, giống như các phòng khám không phép nhưng vẫn hoạt động thu lợi bất chính. Ngay cả những doanh nghiệp có giấy phép cũng có một số vi phạm như nói quá công dụng sản phẩm, nói quá về quyền lợi của những người bán hàng khi tham gia hình thức bán hàng này”.

Với dân số trên 90 triệu dân, Việt Nam được xem là thị trường đầy hấp dẫn cho mô hình BHĐC. Song việc một hãng mỹ phẩm lớn như Avon phải rút khỏi thị trường Việt Nam do kinh doanh khó khăn cũng là lời cảnh báo. Lẽ dĩ nhiên ở mảng kinh doanh nào cũng sẽ có người vào, kẻ ra nhưng trong một bức tranh mà những mảng màu sáng tối còn chưa minh bạch, rõ ràng như hoạt động BHĐC, việc cân nhắc tham gia thị trường là điều rất quan trọng, đặc biệt khi nghị định mới về vấn đề này sắp có hiệu lực.

Lành mạnh hóa thị trường?

Để quản lý hoạt động BHĐC, năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định 110. Tiếp theo, cùng với quá trình phát triển của thị trường, Chính phủ đã cho ra đời Nghị định 42/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp BHĐC, đồng thời bảo vệ người tham gia trước hành vi lừa đảo, trục lợi.

Một trong những điểm nhận được nhiều sự quan tâm của Nghị định mới này là cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Đây được xem là hình thức hoạt động BHĐC bất chính phổ biến hiện nay.

Theo Hiệp hội BHĐC Việt Nam, để phân biệt mô hình BHĐC chân chính và mô hình kim tự tháp sẽ có 7 câu hỏi: Chi phí tham gia có cao một cách bất hợp lý? Có phải người tham gia được tưởng thưởng chủ yếu nhờ vào việc tuyển dụng những người khác cùng tham gia? Liệu việc tưởng thưởng chủ yếu dựa trên doanh số bán hàng và dịch vụ? Sản phẩm và dịch vụ có hợp pháp và đạt điều kiện tiêu thụ không? Người tham gia có phải mua sản phẩm nhiều hơn khả năng bán hoặc sử dụng của mình? Mô hình có cho phép trả hàng tồn kho? Có hợp đồng bằng văn bản cung cấp các điều khoản quan trọng và thời gian hủy cụ thể?

Ngoài ra, theo Nghị định 42, doanh nghiệp phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng và phải ký quỹ khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng. Quy định này sẽ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp do thời gian chuyển đổi chỉ 6 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực khiến doanh nghiệp rất khó chuẩn bị vốn kịp nhưng là việc cần thiết để siết lại hoạt động BHĐC có nhiều yếu tố tiêu cực hiện nay.

Một cuộc hội thảo về nhận diện mô hình BHĐC do Bộ Công Thương tổ chức.

Một cuộc hội thảo về nhận diện mô hình BHĐC do Bộ Công Thương tổ chức.

Ngày 1-7-2014 này Nghị định 42 sẽ chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự và nâng cao công tác giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh BHĐC. Song để hoạt động này phát triển đúng hướng, công tác truyền thông hết sức quan trọng.

Hoạt động BHĐC tuy mới mẻ ở thị trường Việt Nam nhưng tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nó đã có lịch sử khá lâu. Tuy vẫn còn những tranh cãi xung quanh mô hình này nhưng việc nó vẫn được duy trì, phát triển cũng minh chứng đây không phải hoạt động xấu. Nhưng tại Việt Nam để có thể thanh lọc thị trường, trả BHĐC về với bản chất vốn có cần phải có thời gian, sự đồng hành của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các tin khác