Hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp FDI

Sau một số vụ gây rối vừa qua tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Hà Tĩnh, NHNN đã chỉ đạo các NHTM chủ động cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi kể cả khoanh nợ cho doanh nghiệp đầu tư trưc tiếp nước ngoài (FDI) bị thiệt hại. Đồng thời gia tăng hạn mức tín dụng nếu doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn.

Sau một số vụ gây rối vừa qua tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Hà Tĩnh, NHNN đã chỉ đạo các NHTM chủ động cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi kể cả khoanh nợ cho doanh nghiệp đầu tư trưc tiếp nước ngoài (FDI) bị thiệt hại. Đồng thời gia tăng hạn mức tín dụng nếu doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn.

Trong những ngày tới, NHNN sẽ có hướng dẫn về việc cơ cấu nợ, gia hạn nợ, giảm lãi cho những doanh nghiệp có thiệt hại. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN sẽ chủ động đề xuất với Chính phủ khoanh nợ cho doanh nghiệp FDI bị thiệt hại nặng trên cơ sở thông tin thiệt hại phải được các cơ quan chức năng ở địa phương đó xác nhận. Theo thống kê các doanh nghiệp FDI bị thiệt hại có dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng và 136 triệu USD, hiện NHNN chỉ đạo các TCTD xem xét cho giãn, hoãn hoặc khoanh nợ 3 -5 năm rồi sau đó xử lý tiếp.

Tính đến gần cuối tháng 5, theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương, có 306 khách hàng với dư nợ khoảng 2.870 tỷ đồng bị thiệt hại trong vụ gây rối vừa qua. Nhiều máy ATM bị đập phá bên ngoài nhưng tiền trong máy vẫn đảm bảo an toàn, không bị thiệt hại. Tại tỉnh Đồng Nai có 23 doanh nghiệp FDI có dư nợ khoảng 603 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là Vietcombank Nhơn Trạch. Còn thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, có 32 doanh nghiệp FDI bị thiệt hại trong các khu chế xuất Linh Trung 1 và 2… trong đó có 17 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các NHTM với tổng dư nợ khoảng 132 tỷ đồng và 4,7 triệu USD. Đa phần doanh nghiệp FDI này không có nợ xấu.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, cho biết đã có cuộc họp với các NHTM trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp FDI có thiệt hại. Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tiếp tục giữ hoặc tăng hạn mức tín dụng nếu doanh nghiệp có nhu cầu; chủ động miễn giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp có thiệt hại.

Nếu doanh nghiệp nào có thiệt hại lớn các NHTM trên địa bàn sẽ đề nghị trực tiếp lên NHNN, sau đó NHNN báo cáo lên Chính phủ có biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho họ. Tuy nhiên, theo ông Minh, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào đề nghị được khoanh nợ mà chủ yếu chỉ mới có đề nghị tiếp tục vay vốn để đáp ứng sản xuất, kinh doanh bình thường.

Hiện NHNN đã yêu cầu các TCTD báo cáo ngay những thiệt hại phát sinh, linh hoạt ứng xử, không giấu giếm nợ ở những khách hàng bị thiệt hại để NHNN có hướng hỗ trợ nhanh nhất. Đồng thời chủ động điều chỉnh giảm lãi suất, nhằm chia sẻ khó khăn cùng với các doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp FDI khoảng 4-5%/năm và 8-11%/năm đối với VNĐ.

Điển hình là HDBank dành khoản 500 tỷ đồng vốn ưu đãi cho vay trung hạn tín chấp đối với các doanh nghiệp FDI. Theo đó, các doanh nghiệp FDI đáp ứng đầy đủ các điều kiện của HDBank sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu…với mức vay 70% chi phí theo phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong vòng 8 tháng (theo khế ước nhận nợ); ân hạn 3-6 tháng. Lãi suất cho vay được HDBank ưu đãi trong 6 tháng đầu tiên: 12%/năm đối với loại tiền vay bằng VNĐ và 5%/năm đối với loại tiền vay USD. 

Sacombank ưu đãi giảm lãi suất cho vay và giảm đến 40% phí thanh toán quốc tế. Riêng với các doanh nghiệp nhập khẩu, Sacombank còn cung cấp sản phẩm UPAS giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài với mức phí bằng lãi suất vay ngoại tệ. Đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng sắt, thép, chất dẻo nguyên liệu, nhựa, hóa chất, ô tô và phụ tùng ô tô, giày da, may mặc, hàng điện tử…

Sacombank ưu đãi giảm phí chấp nhận thanh toán L/C trả chậm theo sản phẩm UPAS. Hiện VIB, Sacombank, Vietcombank, OCB... đang tập trung mở rộng thị phần đối với các doanh nghiệp FDI. Vì theo các NH, hơn 66% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI cũng là những khách hàng khá tiềm năng để khai thác của hệ thống NH.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, tính đến ngày 23-5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các TCTD tiếp tục đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân. Thị trường liên NH hoạt động thông suốt. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn, đến 23-5, tín dụng toàn ngành tăng 1,3%, chứng tỏ cầu vẫn yếu. NHNN đã họp với các NHTM và doanh nghiệp để tìm nguyên nhân. Kết quả chủ yếu là do cầu chưa cao, hiện nay doanh nghiệp cũng không quá quan trọng mức lãi suất vay. Vì thế, việc giảm lãi suất cũng sẽ được cân nhắc dựa trên cơ sở và tình hình kiểm soát lạm phát, nhằm đảm bảo giá trị cho tiền đồng.

Các tin khác