Chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu

Trước những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu của một số hiệp định kinh tế Việt Nam tham gia, cũng như những nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các DN Việt Nam đang tìm nhiều giải pháp để dần thay thế nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu của một số hiệp định kinh tế Việt Nam tham gia, cũng như những nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các DN Việt Nam đang tìm nhiều giải pháp để dần thay thế nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chủ động vào cuộc

Bà Hồ Trang, Tổng giám đốc Công ty Áo mưa Lucky, kể lại câu chuyện cách đây khoảng 3 tuần khi đi mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất một số đơn hàng, bà nghe thông tin Trung Quốc đóng cửa tất cả 13 cửa khẩu. Dù chưa biết thực hư ra sao, nhưng bà Trang phải gom hết tiền mua nguyên vật liệu để sản xuất cho những đơn hàng đã ký vì lo lắng những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

Theo chia sẻ của Bà Trang, cách đây 5 năm Công ty Lucky sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc khá nhiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do những vấn đề về chất lượng nên bà chuyển dần sang nhập từ các thị trường khác như Thái Lan, Ấn Độ…

Đến nay, khoảng 95% sản phẩm của công ty không sử dụng nguyên liệu Trung Quốc, chỉ còn 3-5% những sản phẩm phụ do khách hàng yêu cầu sử dụng nguyên liệu Trung Quốc để giá thành rẻ hơn.

“Trong thời gian tới, nếu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn gặp khó, chúng tôi phải tìm một nhà nhập khẩu trung gian từ nước thứ 3 như Hồng Công, Campuchia, Thái Lan… để sản xuất hàng cho những khách hàng hiện vẫn có nhu cầu đặt hàng với nguyên liệu từ thị trường này. Mọi sự chuyển dịch cần có thời gian vì nếu sử dụng nguyên liệu thay thế ngay lập tức người tiêu dùng chưa thể chấp nhận thay đổi về giá” - bà Trang nói.

Thông tin Trung Quốc cấm xuất hàng về Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến sản xuất của không ít DN. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, khẳng định chưa nghe thông tin nào như vậy. Tuy nhiên, ông Hưng cũng khuyến cáo các DN cần có những bước chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Theo đó, từ từ dịch chuyển đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc… từ Trung Quốc sang các thị trường khác. Nhìn lại năm 2013, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng mạnh so với năm 2012 (khoảng 28,4%). Như vậy, chỉ tính riêng năm 2013 chúng ta đã nhập siêu 23,6 tỷ USD từ Trung Quốc.

Thực ra không chỉ bối cảnh này đòi hỏi có những chuyển dịch trong nhập khẩu nguyên phụ liệu, mà một số hiệp định Việt Nam tham gia như TPP cũng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hay việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đòi hỏi những vấn đề tương tự để hàng hóa có thể được hưởng mức thuế suất ưu đãi nhất. Thời gian đang rất gấp rút và các DN cần có sự vào cuộc càng sớm càng tốt.

Trong nguy có cơ

Bà Hồ Trang cho rằng việc chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc sang các nước khác cũng là cơ hội cho DN Việt Nam có bước chuyển mình. “Trước nay chúng tôi nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc, thời gian khấu hao khoảng 3-5 năm, nay dần chuyển qua nhập máy móc của Nhật Bản với thoài gian khấu hao khoảng 10-15 năm. Như vậy chúng tôi sẽ phải có tầm nhìn chiến lược dài hơi, bản thân tôi cũng có cơ hội nâng cao năng lực quản lý” - bà Trang nói.

Trên thực tế, không ít DN Việt Nam đã có những bước chuyển dịch trong nhập khẩu phục vụ cho sản xuất. Mặc dù sự chuyển dịch còn khó khăn, nhưng theo lời của một số chủ DN cái khó ló cái khôn. Bà Sương Nguyễn, chủ thương hiệu thời trang Chuồn chuồn ớt, cho biết thời gian đầu cũng nhập khẩu vải từ Trung Quốc, nhưng do những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe nên sau này quyết định thay đổi, chuyển qua dùng sợi vải cotton của nhà cung cấp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số ít từ nhà cung cấp Việt Nam.

“Song khi sử dụng chất liệu cotton cao cấp chúng tôi gặp vấn đề lớn là giải quyết mẫu trang trí trên vải như thế nào. Trước thách thức ấy, tôi đã phải đi tìm lời giải cho sản phẩm của mình bằng cách vẫn may những chiếc đầm bằng sợi cotton và sau đó vẽ hoa văn lên chúng bằng màu nhập từ Nhật Bản” - bà Sương Nguyễn chia sẻ.

Vinamilk luôn chủ động nguồn nguyên liệu. Ảnh: CAO THĂNG

Vinamilk luôn chủ động nguồn nguyên liệu. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Hưng, việc chuyển dịch như vậy còn giúp chúng ta có những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Song vấn đề đặt ra là hàng chất lượng cao giá cũng sẽ cao, làm sao để người tiêu dùng chấp nhận? “Hàng chất lượng cao có khách hàng của mình. Chúng ta không thể đi mãi ở phân khúc dưới, nhất là khi cánh cửa hội nhập đang dần rộng mở” - ông Hưng nói.

Không chỉ chuyển hướng, việc chủ động nội địa hóa cũng được nhắc đến. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa của riêng ngành dệt may đến năm 2015 là 55%, năm 2020 đạt 65% và năm 2030 đạt 70%. Vừa qua, Hiệp hội DN TPHCM đã làm việc với UBND TPHCM đề nghị giao cho hiệp hội một khu đất để một số DN tham gia sản xuất nguyên phụ liệu ngành may. Đây là những tín hiệu bước đầu rất tốt.

Các tin khác