TPHCM: Chống lách thuế, nợ thuế

Cục Thuế TPHCM vừa công bố 2 “đại gia” gồm Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24 bị truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng, gây sự chú ý của dư luận. Theo tìm hiểu của ĐTTC, ngoài 2 đơn vị trên, trong văn bản đề cập đến vấn đề chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, TPHCM kiến nghị với Bộ Tài chính năm 2013 còn nhiều cái tên khác được nhắc đến.

Cục Thuế TPHCM vừa công bố 2 “đại gia” gồm Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24 bị truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng, gây sự chú ý của dư luận. Theo tìm hiểu của ĐTTC, ngoài 2 đơn vị trên, trong văn bản đề cập đến vấn đề chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, TPHCM kiến nghị với Bộ Tài chính năm 2013 còn nhiều cái tên khác được nhắc đến.

Quây lưới

CTCP Y khoa Hoàn Mỹ là cái tên khá quen thuộc trong ngành y với mạng lưới các bệnh viện chất lượng cao tại TPHCM, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế. Giữa năm 2011, Y khoa Hoàn Mỹ đã thực hiện thương vụ M&A đình đám khi bán 65% cổ phần cho Tập đoàn Fortis (Ấn Độ) với giá 64 triệu USD.

Sau 2 năm đầu tư, Tập đoàn Fortis bán hết cổ phần đang sở hữu tại Hoàn Mỹ cho Quỹ đầu tư Chandler (Singapore) với giá 80 triệu USD, kiếm lời 16 triệu USD. Còn nhớ, khi Fortis tuyên bố rút và Hoàn Mỹ Huế rục rịch làm thủ tục phá sản, Công ty IMG - đơn vị cho Hoàn Mỹ Huế thuê mặt bằng làm trụ sở bệnh viện - như ngồi trên “đống lửa” vì khoản nợ 36 tỷ đồng đang treo lơ lửng (bài “Góc khuất Hoàn Mỹ Huế phá sản”, đăng trên ĐTTC ngày 9-9-2013).

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển nhượng vốn cho đối tác nước ngoài và giữa các đối tác nước ngoài với nhau tại Y khoa Hoàn Mỹ khá kín kẽ, phức tạp, nếu cơ quan thuế giữa các địa phương không liên kết, không giám sát chặt sẽ dễ bị thất thu ngân sách.

Phở 24 - 1 trong 2 đại gia vừa bị truy thu thuế.

Phở 24 - 1 trong 2 đại gia vừa bị truy thu thuế. 

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách quý I-2014, Cục Thuế TPHCM cho biết sau khi tiến hành thanh tra Y khoa Hoàn Mỹ đã truy thu thuế thu nhập cá nhân và phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 114 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế 104 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Y khoa Hoàn Mỹ thành lập CTCP Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (do Chi cục Thuế quận 3 quản lý), đồng thời thành lập thêm 2 chi nhánh tại quận 2 và Tân Bình. Y khoa Hoàn Mỹ do Chi cục Thuế quận 3 quản lý, nhưng từ năm 2010 đã chuyển đến 2 địa chỉ khác nhau tại quận 1, đổi tên thành CTCP Y khoa Fortis Hoàn Mỹ (thuộc Chi cục Thuế quận 1 quản lý).

Đơn vị này đã 7 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký DN, thay đổi vốn điều lệ từ 118 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng, chuyển nhượng vốn cho cá nhân nước ngoài nhưng không kê khai, chỉ thay đổi tên người đại diện pháp luật.

Tương tự, Công ty Phở 24 do ông Lý Quý Trung làm chủ. Thương hiệu Phở 24 đã chuyển nhượng cho Công ty Việt Thái Quốc Tế, do ông Davaid Thái làm chủ (thương hiệu Highlands Coffee) với giá 20 triệu USD (giá vốn chỉ 1 tỷ đồng). Sau đó Công ty Việt Thái Quốc Tế bán 50% cổ phần từ Phở 24 cho Jollibee - thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng của Philippines - với giá trị giao dịch 25 triệu USD.

Tuy nhiên, khi cơ quan thuế qua kiểm tra, công ty mới chỉ đăng ký thay đổi tên người đại diện pháp luật cho ông Davaid  Thái, còn tên các thành viên và tỷ lệ góp vốn không thay đổi. Hiện Cục Thuế TPHCM đã truy thu thuế thu nhập cá nhân của 6 thành viên khi chuyển nhượng cổ phần trong CTCP Thương mại Dịch vụ Phở 24 với tổng số tiền 18 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều “cá lớn”

Ngoài Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24, nhiều cái tên khác cũng được cho đã có những chiêu lách thuế tinh vi: Công ty Intel Asia Holdin Limited, Công ty PT Global Investment, Bất động sản Ê KE... Cụ thể, việc chuyển nhượng của Công ty Intel Asia Holdin Limited cho công ty trong cùng tập đoàn với giá bán bằng giá vốn (100 triệu USD). Hợp đồng khai với cơ quan thuế rằng giá bán bằng giá vốn không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế.

Công ty PT Global Investment, thuộc Chi cục Thuế quận 6 quản lý, tăng vốn từ 1 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, sau đó thành viên góp vốn 48% và bán cho cá nhân nước ngoài với giá bán là 48 tỷ đồng, không phát sinh thuế phải nộp và công ty đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Với trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Ê KE, đơn vị này đã mua cổ phiếu với giá cao, sau đó chuyển nhượng với giá thấp hơn giá mua (lỗ) và đưa vào chi phí tài chính. Khi Công ty Ê KE lập tờ khai thuế thu nhập DN đã đưa số lỗ của việc chuyển nhượng vốn trên để làm giảm số thuế thu nhập DN phải nộp khi quyết toán năm.

3 DN trên từng bị TP nhắc đến khi nói về thực trạng chuyển nhượng vốn, mức chênh lệch cao, tức là phát sinh thu nhập nhưng không kê khai. Câu hỏi đặt ra là liệu những DN này có bị truy thu thuế như Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24? Và chắc chắn con số DN lách thuế sẽ không dừng lại ở 5-6 mà có thể nhiều hơn rất nhiều nếu trách nhiệm và năng lực giám sát của cơ quan thuế cải thiện.

Được biết, kết quả thanh tra, kiểm tra trong 3 tháng đầu năm 2014 tại 2.899 DN, Cục Thuế TPHCM đã truy thu và phạt 1.072 tỷ đồng, tăng 143,8% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó riêng số tiền nợ thuế lớn, dù đã dùng tới biện pháp cưỡng chế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do theo cơ quan thuế, các DN có nợ thuế lớn, kéo dài đa số là những DN thuộc diện bị truy thu và phạt. Khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản có giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế; hoặc bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập công ty khác.

Biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, chủ DN thường cố tình tránh né bằng nhiều cách để không cung cấp hóa đơn cho cơ quan thuế. Các ứng dụng chương trình quản lý nợ khi được nâng cấp thường xuyên bị lỗi và không ổn định về số liệu, mất rất nhiều thời gian để khắc phục.

Các tin khác