Nhận diện vai trò vàng

Từ cuối năm 1999, NHNN chính thức được giao quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam và đến nay trải qua 2 chặng đường. Song việc quản lý thị trường vàng hiệu quả vẫn cần thêm nhiều giải pháp nữa.

Từ cuối năm 1999, NHNN chính thức được giao quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam và đến nay trải qua 2 chặng đường. Song việc quản lý thị trường vàng hiệu quả vẫn cần thêm nhiều giải pháp nữa.

Nên thừa nhận vàng là tiền tệ

Chặng đường thứ nhất, NHNN cho phép các NHTM huy động vốn bằng vàng và cho vay hoặc chuyển đổi vốn huy động vàng sang VNĐ, nhưng giai đoạn này vàng không tăng trưởng do NH ngại rủi ro biến động của giá vàng.

Sau đó NHNN cho kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, do chuyển đổi sẽ gặp rủi ro về biến động giá, nếu giá tăng sẽ thua lỗ, nên thay bằng một hợp đồng mua kỳ hạn ở nước ngoài để các NHTM kinh doanh vàng theo thông lệ quốc tế nhưng vẫn phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng từ lượng vàng huy động và chuyển đổi sang VNĐ.

Theo đó, tiền chuyển đổi xong ký quỹ 7% để mua ở nước ngoài, 93% còn lại gửi liên NH hay mua trái phiếu chính phủ để kiếm lợi nhuận. Chính lúc này là giai đoạn bùng nổ huy động. Trong giai đoạn này, NHNN thấy một lượng vàng rất lớn tại các NH, có những NH lên đến 60.000 tỷ đồng.

Khi bảng cân đối tài sản của một NH nắm giữ trạng thái vàng quá lớn, chính sách tiền tệ đối với VNĐ tác động lên bảng cân đối tài sản mất hiệu quả vì trong hệ thống tồn tại đến 2 loại tiền, một loại là NHNN in và có công cụ điều tiết bơm vào rút ra, một loại là vàng không có công cụ điều tiết.

Bước sang chặng đường thứ hai, NHNN thực hiện chủ trương tất toán trạng thái vàng. Đây là nỗ lực loại bỏ rủi ro của biến động giá vàng, một chủ trương mang tính chất tốt. Nhưng nỗ lực đó thực hiện phải thông qua nhiều quy định và cuối cùng NHNN buộc phải đấu thầu vàng mới đáp ứng đủ lượng vàng tất toán trên tài khoản.

Từ đây lại đặt ra vấn đề, đã tất toán xong tại sao NHNN lại tiếp tục ra đời Nghị định 24? Theo đó có khoảng 39 đơn vị được phép kinh doanh vàng. Điều này đồng nghĩa với việc nỗ lực loại bỏ vàng huy động ra khỏi NHTM giờ lại đổ vào đầu tư vàng. Vậy khoản mục trên bảng cân đối tài sản chỉ chuyển từ tiền vàng huy động sang đầu tư và tiếp tục gánh chịu rủi ro về biến động giá vàng.

Nhìn lại thời gian qua có thể thấy 2 vấn đề, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (Gap) và cầu vàng (Demand). Chênh lệch giảm nhờ giá vàng thế giới giảm, mà giá vàng thế giới giảm dẫn đến lực cầu giảm. Đặt ra trường hợp nếu giá vàng thế giới đi theo kịch bản tăng, việc ứ đọng vốn, dư thừa tiền như hiện nay liệu NH có mua vàng hay không? Chắc chắn là có.

Bởi vì giai đoạn trước năm 2000 đến trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới, giá vàng tăng 15%/năm, đây là một khoản lợi nhuận khá lớn nên các NH mua và nắm giữ vàng. Mặc dù Nghị định 24 có quy định NH chỉ được giữ trạng thái vàng 2%, nhưng trong 39 đơn vị được phép kinh doanh vàng có 17 công ty kinh doanh vàng vừa có quan hệ thân hữu, vừa là công ty con của NH hoặc có thể có quan hệ sở hữu, cổ đông lớn của NH, nên NH sẽ chuyển lượng vàng nắm giữ vượt 2% cho các công ty kinh doanh vàng.

Vì vậy, nếu NHNN không thừa nhận vàng là tiền tệ và phải quản lý sẽ làm gia tăng cung tiền. Vì nếu có 1.000 lượng vàng được bán cho NHTM, NH sẽ chuyển ra nền kinh tế số tiền tương ứng. Và khi NH nắm giữ vàng và bán lại cho công ty kinh doanh vàng, công ty này phải chuyển trả nhưng thực hiện bằng nợ.

Tiếp theo công ty kinh doanh vàng sẽ bán lại cho người dân, người dân lại tiếp tục bán cho NH. Quá trình này gọi nôm na là “phân rã”, chỉ có 1.000 lượng vàng nhưng tạo ra một vòng xoắn ốc làm cho tín dụng tăng trưởng và cung tiền M2 tăng trưởng nhưng tăng trưởng này sai lệch.

Quản lý thông qua nhiều giải pháp

Giải pháp thứ nhất là ban hành luật định. Bởi những xáo trộn trên thị trường vàng trước nay xuất phát từ việc cho phép mở tài khoản rồi cấm mở tài khoản, nhưng tất cả các văn bản quy định đều ở cấp thấp trong khi ở các nước trên thế giới vàng được đặt lên thành Luật định. Vì vàng là tiền tệ trong hệ thống, trong nền kinh tế nên để cho một cơ quan quản lý cấp bộ điều hành sẽ dẫn đến những xáo trộn của nền kinh tế, ảnh hưởng đến các ngành nghề khác.

Hiện nay, văn bản về quản lý thị trường vàng cao nhất là Thông tư thuộc cấp bộ, nhưng nếu thành luật định thì Quốc hội và Nhà nước sẽ kiểm soát. Với chứng khoán, chúng ta có Luật Chứng khoán thì vàng cũng cần đưa vào luật như Luật Các tổ chức tín dụng hay Luật Quản lý ngoại hối để kiểm soát.

Một giải pháp nữa là không thực hiện đề án huy động vàng. Lâu nay chúng ta nghe nhiều về việc huy động vàng trong dân, nhưng phải đặt ra trường hợp nếu huy động NHNN đối mặt với vấn đề gì? NHNN đứng ra huy động có thể thông qua các kênh trực tiếp hay gián tiếp như qua mạng lưới các NHTM bán cho người dân, người dân có vàng gửi lại NHTM và NHTM gửi lên NHNN.

Song nếu làm vậy NHNN cũng phải trả phí cho NHTM thực hiện, đồng thời phải trả lãi suất dân mới gửi. Sau khi có vàng, NHNN phải bán ra để bình ổn, đáp ứng cầu vàng của người dân và khi bán ra sẽ lại gặp rủi ro về giá. Trường hợp NHNN sử dụng lượng vàng huy động này thế chấp hay ký quỹ ở nước ngoài để đảm bảo lòng tin vay USD với lãi suất thấp nhằm bơm vốn vào nền kinh tế, thì lãi suất thấp là lãi suất như thế nào và chi phí thực phải trả cho người dân ra sao? Nếu tiết kiệm thấp hơn chi phí, NHNN phải gánh thêm chi phí lớn đó. Từ đó để thấy quản lý thị trường vàng cần phải đi đến mô hình để huy động được vàng mà không phải trả lãi để chống vàng hóa.

Trên thế giới, các NH Trung ương dùng định chế tài chính chuyên biệt (SPV). Hiện nay Việt Nam đã đưa ra một số công cụ quản lý: Thứ nhất, chỉ có loại vàng là SJC; thứ hai, đã thu hẹp mạng lưới hệ thống phân phối, hiện chỉ còn NH và các công ty kinh doanh vàng; thứ ba, tổ chức đấu thầu vàng sơ cấp. Xuất phát từ đó, thị trường vàng đang rất cần có cần có định chế như SPV để tổ chức, sắp xếp lại.

Từ việc nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn trên hệ thống NHTM, NHNN đưa ra chủ trương tất toán, cấm kinh doanh vàng tài khoản. Tuy nhiên, khi cấm kinh doanh vàng tài khoản các NH gặp rủi ro, bởi tất toán là bỏ đi vàng tài khoản, lúc đó trên bảng cân đối kế toán tồn tại tiền gửi bằng vàng càng cao tổng tài sản NH càng lớn, dẫn đến chính sách tiền tệ không tác động lên bảng cân đối kế toán được. Do đó NHNN buộc loại bỏ vàng ra khỏi NHTM.

Các tin khác