Đánh úp cổ đông?

Tại ĐHCĐ Licogi 16 (LCG) diễn ra ngày 20-4, công ty thay đổi giá phát hành CP từ không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP xuống không thấp hơn 7.500 đồng/CP. Điều này đã khiến nhiều NĐT bất ngờ, thậm chí tỏ ra rất bức xúc.

Tại ĐHCĐ Licogi 16 (LCG) diễn ra ngày 20-4, công ty thay đổi giá phát hành CP từ không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP xuống không thấp hơn 7.500 đồng/CP. Điều này đã khiến nhiều NĐT bất ngờ, thậm chí tỏ ra rất bức xúc.

Đây không phải lần đầu tiên LCG hành động tiền hậu bất nhất như vậy. 2 năm trước, nhiều tờ trình tại ĐHCĐ của LCG cũng khác với nội dung đăng tải trước đó. Chẳng hạn, trước ngày diễn ra đại hội, LCG đưa phương án chia cổ tức 2011 là 15%, đồng thời đặt kế hoạch cổ tức 12% cho năm 2012.

Nhưng khi diễn ra đại hội, cổ đông lại nhận được tài liệu cổ tức năm 2011 còn 5%, lợi nhuận năm 2012 dự kiến… 0 đồng nên không chi cổ tức. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, nhưng với cách hành xử của LCG, dù NĐT không muốn cũng buộc phải tin, vì không có cơ sở nào khác để tham khảo, tức đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro.

Điều đáng nói, LCG đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm về cách ứng xử với cổ đông. Hiện tại, LCG chỉ là trường hợp thiểu số có cách làm thiếu minh bạch như vậy, ảnh hưởng chỉ ở phạm vi doanh nghiệp. Nhưng thử đặt giả thiết nếu việc này được nhân rộng ra, niềm tin của thị trường sẽ bị tổn hại nghiêm trọng như thế nào?

Theo diễn biến giá CP của LCG trên TTCK thời gian qua cho thấy có bên lợi và bên chịu thiệt hại do cách làm của LCG. NĐT khi đọc tờ trình về việc phát hành CP với giá 1.0 của LCG có thể dễ dàng suy luận muốn phát hành giá này thị giá của CP ít nhất phải từ 1.0 trở lên.

Bởi rất hiếm trường hợp thị giá dưới 1.0 phát hành giá 1.0 thành công, trừ những thương vụ đặc biệt. Việc làm của LCG cũng dễ dẫn đến kỳ vọng kiểu gì giá CP cũng phải lên tới 1.0 để công ty có thể phát hành. Chưa kể, khi TTCK thuận lợi niềm tin dành cho CP còn tăng hơn nữa.

Trong tháng 3, LCG đã tăng khá mạnh từ dưới 7.000 đồng/CP lên gần 9.000 đồng/CP. Nguyên nhân có thể do TTCK thuận lợi, nhưng cũng không loại trừ kỳ vọng “kiểu gì cũng lên 1.0 để phát hành”. Nhưng nếu vẫn giữ kỳ vọng này ngay cả khi thị giá của LCG điều chỉnh quả là bi kịch.

Quang cảnh ĐHCĐ Licogi 16 năm 2014.

Quang cảnh ĐHCĐ Licogi 16 năm 2014. 

Sau khi tăng lên gần 9.000 đồng/CP, LCG bắt đầu điều chỉnh xuống dưới 8.0, dù vậy thanh khoản LCG vẫn ở mức cao với hàng triệu CP được giao dịch mỗi phiên. Ngay cả thời điểm trước khi LCG bị tạm ngừng giao dịch vào 3 ngày 8, 9 và 10-4 để đưa ra phương án khắc phục thua lỗ, thanh khoản vẫn cao.

Cho đến sát ngày diễn ra ĐHCĐ, LCG đã giảm về mức giá 7.000 đồng/CP, như vậy những ai mua với giá 8.000 đồng/CP trở lên đang tạm lỗ vì vẫn còn đó cơ hội bán 1.0. Nhưng điều này trở nên mong manh hơn khi LCG thay đổi mức giá chào bán tối thiểu xuống 7.500 đồng/CP, tức kỳ vọng 1.0 gần như xóa sổ và động lực để CP tăng cũng giảm theo.

Thực tế, ngay sau đó LCG đã giảm tiếp về mức giá 6.800 đồng/CP và những ngày qua chỉ quanh quẩn mức giá 7.000 đồng/CP. Đến đây, ai cũng nhìn ra việc LCG thay đổi giá chào bán đã giúp những người bán ra CP với giá cao có lợi, trong khi những ai kỳ vọng giá lên 1.0 và mua vào giá cao bây giờ phải “đổ vỏ”. 

Một NĐT đã nói nửa đùa nửa thật rằng anh Hùng quả là khó chơi. Đó là ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LCG, người luôn có cách xử trí rất khôn ngoan ngay cả những thời điểm khó khăn nhất và ảnh hưởng của ông tại công ty này rất rõ nét.

Nếu trách ông Hùng vì việc thay đổi tờ trình khiến nhiều cổ đông không kịp trở tay cũng đúng. Nhưng nói ông biết liệu cơm gắp mắm, sau khi tham khảo ý kiến NĐT điều chỉnh giá bán CP cho hợp lý cũng chẳng sai. Vì nếu niêm yết giá quá cao, CP chưa đến 1.0 mà chào giá 1.0 có khi bán không được, lúc đó công ty càng bị tổn hại.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, có lẽ những ai đã kỳ vọng vào khả năng lên 1.0 của LCG cũng phải xem lại. Kỳ vọng này có cơ sở, nhưng chưa vững chắc bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của TTCK. Khi TTCK không thuận lợi, ngay cả những CP tốt hay có tin tốt cỡ nào chăng nữa cũng khó gượng dậy được.

Ở chiều ngược lại, khi thị trường thuận lợi những khả năng dù có phần “điên rồ” vẫn có thể xuất hiện. Trở lại với phương án của LCG, ngoài mức giá tối thiểu 7.500 đồng/CP còn có cả điều kiện giá phát hành không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 3 tháng. Giả như trước khi LCG phát hành 3 tháng, giá của CP này là 1.0 vẫn có thể phát hành giá 1.0.

Hiện tại khả năng này khó xảy ra, nhưng giả sử TTCK thuận lợi trở lại không ai biết được điều gì. Lúc đó rất có thể nhận định “anh Hùng thật khó chơi” sẽ lại xuất hiện. Mà những người nhận định này có thể là những cổ đông đã bán LCG ngay tại các mức giá thấp.

Kiếm tiền nói chung hay đầu tư chứng khoán nói riêng chẳng bao giờ dễ, nhưng sức chịu đựng của NĐT cũng có hạn. Nếu LCG vẫn tiếp tục có những động thái thay đổi phương án, tờ trình e rằng đến lúc nào đó NĐT, kể cả lớn lẫn nhỏ lẻ sẽ chẳng dám hoặc chẳng muốn dính vào những CP như vậy.

Thực tế, ban đầu LCG dự định phát hành 15 triệu CP với giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn mệnh giá (tức 1.0). Nhưng sau khi tham khảo ý kiến cổ đông, LCG đã điều chỉnh thành phương án phát hành 20 triệu CP với giá không thấp hơn giá bình quân giá đóng cửa 3 tháng và không thấp hơn 7.500 đồng/CP.

Cả 2 phương án đều có thể đem về số tiền tối thiểu 150 tỷ đồng, nhưng chỉ một thay đổi về giá chào bán đã khiến những cổ đông LCG chao đảo. Trách ban lãnh đạo LCG tiền hậu bất nhất, trách thị trường, trách cổ đông hay trách tất cả?

Các tin khác