Cần giải pháp tổng hợp cứu ngành mía đường

Báo ĐTTC ra ngày 21-4-2014 đăng bài “Khủng hoảng ngành mía đường” phản ánh thực trạng doanh nghiệp thua lỗ, nông dân phá ruộng mía… Vậy làm gì để vực dậy ngành mía đường, ĐTTC đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy  ngành mía đường.

Báo ĐTTC ra ngày 21-4-2014 đăng bài “Khủng hoảng ngành mía đường” phản ánh thực trạng doanh nghiệp thua lỗ, nông dân phá ruộng mía… Vậy làm gì để vực dậy ngành mía đường, ĐTTC đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy  ngành mía đường.

PHÓNG VIÊN: - Niên vụ sản xuất mía đường 2013-2014 sắp kết thúc trong bối cảnh doanh nghiệp kêu thua lỗ, nông dân quay mặt với cây mía. Vì đâu ngành mía đường rơi vào cảnh khốn đốn như vậy, thưa ông?

Ông NGUYỄN THÀNH LONG: - Tình hình ngành mía đường hiện nay hết sức bi đát. Theo kế hoạch, trong tháng 4 này vùng ĐBSCL sẽ kết thúc vụ sản xuất. Dù chưa có báo cáo chính thức nhưng có khoảng 30-40% nhà máy đường trong vùng thua lỗ, số còn lại tạm hòa vốn hoặc rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu vốn hoạt động, lượng đường tồn kho cao, trong khi phải chịu lãi ngân hàng nên tính ra không hiệu quả.

Đối với các nhà máy đường ở miền Bắc, miền Trung… cũng gặp những khó khăn tương tự. Do giá đường trên thị trường năm nay quá thấp, bình quân chỉ 12.000-13.000 đồng/kg, vì thế các nhà máy buộc lòng phải mua mía nguyên liệu giá thấp khiến lợi nhuận của nông dân trồng mía giảm, thậm chí không có lãi. Trồng mía không còn hiệu quả nên nông dân phá bỏ là chuyện hiển nhiên.

Có nhiều nguyên nhân gây khó cho ngành mía đường như: nguồn cung lớn hơn cầu, sức mua giảm, đường nhập lậu Thái Lan tràn vào biên giới Tây Nam với số lượng lớn bán giá rẻ, thiếu sự liên kết trong tiêu thụ giữa doanh nghiệp sản xuất đường với doanh nghiệp chế biến sữa, nước ngọt, bánh kẹo… Nhưng vấn đề cốt lõi là sự yếu kém, bất cập trong định hướng sản xuất và điều hành tiêu thụ mặt hàng đường.

- Trước những khó khăn trên, ngành mía đường đã có những động thái gì?

- Việc nông dân phá bỏ ruộng mía là biểu hiện rõ nét nhất về sự suy thoái của ngành đường. Thực trạng này khiến các doanh nghiệp lo lắng do thiếu nguyên liệu hoạt động, dẫn tới những nhà máy nhỏ, nội lực kém phải đóng cửa.

Trong khi đó, các quy định cứ phập phù khiến việc xuất khẩu đường bị động, tiêu thụ trong nước ì ạch, đã làm doanh nghiệp mía đường kiệt sức. Trước tình hình này, hiệp hội đã có công văn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan can thiệp một số việc cấp bách.

Trước hết, các cấp thẩm quyền quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan đến tiêu cực. Hiệp hội cũng đề xuất cơ chế linh hoạt để xuất khẩu mặt hàng đường theo các cửa phụ (dạng đường biên lối mở) sang thị trường Trung Quốc nhằm giải phóng lượng đường tồn kho lớn hiện nay (hơn 614.000 tấn).

- Có nghĩa giữa sản xuất và điều hành tiêu thụ đường không khớp nhau?

- Suốt thời gian dài ngành mía đường đứng trước nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, Bộ NN-PTNT ủng hộ hiệp hội về việc xuất khẩu đường nhằm giảm lượng tồn kho, tăng giá bán đường để nâng giá mua mía, bảo vệ đời sống của hàng triệu hộ nông dân trồng mía.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng đường là mặt hàng thiết yếu nên yêu cầu kiềm giá theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Giá đường thấp, người tiêu dùng được lợi nhưng nông dân trồng mía và doanh nghiệp chịu thiệt vì sản xuất không hiệu quả.

Đây là nghịch lý chưa có hướng giải quyết. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy dù là quốc gia không sản xuất đường nhưng họ vẫn xuất và nhập đường rất linh hoạt theo diễn biến thị trường. Còn ở nước ta sản xuất đường trong nước đang dư thừa nhưng không có cơ chế linh động để xuất khẩu đường, đồng thời chưa có chính sách bảo hộ sản xuất trong nước.

- Vậy ngành mía đường làm gì để vượt qua khủng hoảng và cạnh tranh trên trường quốc tế?

- Dù chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường đã hoàn thành và đang hướng tới 2 triệu tấn đường vào năm 2020, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan, ngành mía đường nước ta đi sau hàng chục năm. Cụ thể, các nhà máy ở nước ta sản xuất ra 1kg đường tốn tới 12.500 đồng mua mía, trong khi Thái Lan chỉ mất hơn 6.000 đồng (do chữ đường trong mía của Thái Lan rất cao).

Về chi phí nhiên liệu, vận hành, lao động, để ra 1kg đường các nhà máy trong nước tốn thêm 3.000 đồng so với Thái Lan do các nhà máy điều khiển tự động. Bình quân giá thành sản xuất đường của ta cao hơn Thái Lan 4.000-5.000 đồng/kg. Mức chênh lệch cao như vậy nên các nhà máy đường trong nước không thể cạnh tranh.

Khắc phục nhược điểm này, vấn đề đầu tiên là nhanh chóng nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu. Tăng cường ứng dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao chữ đường. Các nhà máy đầu tư thiết bị hiện đại, giảm số lượng lao động, tiến tới tự động hóa nhằm giảm chi phí, tăng hiệu suất.

Bên cạnh đó, đầu tư sản xuất điện từ bã mía để tăng nguồn thu cho nhà máy đường. Về quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngành mía đường về vốn, cơ chế xuất khẩu, có biện pháp ngăn đường lậu hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

- Xin cảm ơn ông.

Ngành mía đường đang vào giai đoạn sàng lọc khắc nghiệt và nhiều nhà máy trị giá hàng trăm tỷ đồng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Có thể nói, ngành mía đường đang đi xuống nhưng chạm đáy chưa vẫn còn là ẩn số. Để ngành mía đường vượt thoát khủng hoảng rất cần cơ chế thoáng và linh hoạt nhằm “cởi trói” những bất cập hiện nay, giúp ngành mía đường ổn định, phát triển bền vững.

Các tin khác