Vì sao đội vốn hơn 339 triệu USD?

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xung quanh việc chậm tiến độ và đội vốn lên hàng trăm triệu USD của dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xung quanh việc chậm tiến độ và đội vốn lên hàng trăm triệu USD của dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông.

Theo Ban quản lý dự án (QLDA) đường sắt, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của VN 133 triệu USD. Dự án do Cục Đường sắt làm chủ đầu tư.

Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc được chấp thuận chỉ định là tổng thầu EPC (hợp đồng tổng thầu thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng) gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp). Các thầu phụ thi công là các đơn vị của VN do tổng thầu lựa chọn và được chủ đầu tư chấp nhận.

Hạng mục nào cũng tăng vốn

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết ngày 23-12-2013, tổng thầu của dự án - Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc - đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư đã phối hợp với tư vấn thẩm tra, rà soát và xác định được khái toán tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt lúc đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết số vốn tăng thêm này sẽ bổ sung từ vốn ODA của Trung Quốc. Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đàm phán với phía Trung Quốc để vay thêm. Còn về chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, ông Trường cho biết sẽ xem cụ thể vì liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)chậm và nhiều vấn đề vướng mắc trong dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét để xử lý từng việc cụ thể chứ đến thời điểm này chưa nói cụ thể được, Bộ GTVT sẽ có trả lời sau khi giải quyết.

Trước đó, báo cáo với Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết việc bổ sung, phát sinh một số hạng mục và chậm GPMB làm thời gian thực hiện dự án kéo dài đã làm tăng tổng mức đầu tư. Cụ thể, việc thay đổi phương án nhà ga từ hai tầng thành ba tầng so với thiết kế cơ sở và có cầu vượt cho người đi bộ, dù giảm được 43,1 triệu USD GPMB nhưng tăng 84,2 triệu USD so với bước lập dự án. Ngoài ra, khi triển khai thiết kế kỹ thuật, căn cứ khảo sát địa chất phải xử lý nền đất yếu tại khu depot khiến chi phí xử lý là 13,54 triệu USD, dù tư vấn lập dự án (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT) không đề xuất phương án xử lý đất yếu cho khu vực này.

Do chưa GPMB được đường vào depot nên tổng thầu được Bộ GTVT cho thuê thêm bãi đúc dầm, huy động thêm thiết bị khiến phải bổ sung kinh phí 10,16 triệu USD. Với việc điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox để giảm chi phí sơn vỏ tàu, theo Bộ GTVT, sẽ tăng thêm 3,19 triệu USD. Dự án đầu tư ban đầu chưa tính chi phí ăn ở, đi lại cho các học viên (đi đào tạo vận hành khai thác ở nước ngoài), nên phải bổ sung cho hạng mục này thêm 2,91 triệu USD vào 5 triệu USD dự tính trước đó.

Cũng theo Bộ GTVT, với lý do biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, tỉ giá hối đoái, chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án và khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác trong bước thiết kế cơ sở khiến dự án bổ sung khoảng 95 triệu USD. Còn do công tác GPMB và di dời công trình kỹ thuật chậm, chi phí xây lắp tăng dẫn tới thuế VAT tăng, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại cũng tăng theo dự kiến cần bổ sung khoảng 88,3 triệu USD.

Chậm giao mặt bằng hay nhà thầu thiếu kinh nghiệm?

Theo Ban QLDA đường sắt, một trong những nguyên nhân khiến dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng nguồn vốn là do tổng thầu kiểm soát các thầu phụ thi công không chặt chẽ, còn phụ thuộc nhiều vào Ban QLDA, tư vấn giám sát. Công tác lập, trình phê duyệt thiết kế bảo vệ thi công và biện pháp thi công chi tiết còn chậm trễ. Đặc biệt, dự án đã gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp trong GPMB.

 

Được khởi công vào tháng 10-2011 nhưng đến thời điểm này dự án còn vướng khoảng 2,8km trên tổng số 13km của dự án và 0,8/ 1,7km đường ra vào khu depot. Theo ông Trần Văn Lục - giám đốc Ban QLDA đường sắt - vướng mắc gồm cả các hộ dân, đường dây điện, đường ống nước, nghĩa trang... chưa di dời. Việc này làm cho chi phí GPMB của dự án tăng thêm 25,06 triệu USD. Hệ lụy từ chậm GPMB cũng khiến công tác khoan khảo sát địa chất lấy số liệu lập thiết kế kỹ thuật cũng chậm theo.

Việc xin thỏa thuận của các cơ quan liên quan thuộc Hà Nội cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Như nhà ga Cát Linh (ga đầu tuyến) phải qua chín tháng mới có được quy hoạch tổng mặt bằng và ranh giới thu hồi đất được duyệt vì bị phụ thuộc vào tiến độ lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể quanh khu vực. Ngoài ra công tác xin cấp phép thi công thường kéo dài và cấp cho từng đoạn nhỏ lẻ, đôi khi còn cấp cho từng trụ làm chậm tiến độ triển khai các mũi thi công trên tuyến (trụ nút giao đường vành đai 3 mất 2-3 tháng mới được cấp phép, đoạn dọc đường Láng mất 3 tháng rưỡi mới được cấp phép quây hàng rào thi công...).

Cũng theo Bộ GTVT, quá trình thực hiện dự án đã xuất hiện các khó khăn vướng mắc do chưa có quy định cụ thể và chặt chẽ về hợp đồng EPC cũng gây nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ dự án. Cụ thể, Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn chỉ nêu khái niệm về hợp đồng EPC, không hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện và quản lý, điều hành, nhất là đối với công tác khảo sát thiết kế nên chủ đầu tư lúng túng trong việc thực hiện. Đặc biệt, cả chủ đầu tư lẫn tổng thầu đều lần đầu tiên thực hiện hợp đồng EPC nên các điều khoản hợp đồng thống nhất theo mẫu hợp đồng EPC của Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế FIDIC soạn thảo.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa thành các điều khoản chi tiết cho phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của dự án lại chưa được xây dựng đầy đủ. Chẳng hạn, VN vẫn chưa có quy định cụ thể về nội dung quản lý và trách nhiệm của chủ đầu tư trong giai đoạn lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiết kế bảo vệ thi công đối với hình thức hợp đồng EPC nên chủ đầu tư không có cơ sở và lúng túng trong thực hiện. Bên cạnh đó, quy định về nội dung các bước thiết kế, lập dự toán giữa VN và Trung Quốc có sự khác biệt dẫn đến quá trình trao đổi, thống nhất về nội dung, quy cách hồ sơ để trình duyệt mất rất nhiều thời gian.

Dự án sẽ tiếp tục... chậm?

Dự án sẽ xây dựng 13km đường sắt trên cao và 1,7km đường sắt vào khu depot. Đường sắt có khổ rộng 1,435m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/g, bình quân 35km/g với thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông 23,63 phút. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao, trong đó có hai ga trung chuyển là ga Cát Linh và ga Đại học Quốc gia. Dự án được trang bị 13 đoàn tàu, mỗi đoàn bốn toa xe (một toa chở khoảng 300 người), tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, tương đương lưu lượng 1,02 triệu người/ngày.

Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt là từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013. Nhưng do nhiều vướng mắc nên đến tháng 10-2011 dự án mới được khởi công. Dự kiến tuyến sẽ khai thác vào tháng 6-2015 với điều kiện GPMB hoàn thành trong năm 2013.

Các tin khác