Chống hàng giả: Doanh nghiệp không thể thờ ơ

Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Đó là ý kiến của ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại Hội thảo "Doanh nghiệp đồng hành với Quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả" do Cục Quản lý thị trường phối hợp với MUTRAP tổ chức sáng 22-4, tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, mỗi năm lực lượng này xử phạt hàng trăm nghìn vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Riêng quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 40.000 vụ, xử lý trên 25.000 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 70 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra. Lý giải điều này, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay, một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng nhái thời gian qua là do nhiều danh nghiệp chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mặc dù biết mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại không hợp tác với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn vì họ e ngại rằng nếu người tiêu dùng biết thì tẩy chay luôn hàng thật.

Theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, vì doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu doanh nghiệp bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả.

Số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2013 chỉ có 106 doanh nghiệp Việt Nam đề nghị thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, con số rất nhỏ trong tổng số khoảng 3,5 triệu doanh nghiệp hiện nay.

“Số lượng đơn đề nghị xử lý vi phạm quyền sở hữu dường như đang ít đi. Nhiều doanh từ chối, thậm chí "ngại" đề nghị xử lý xâm hại với lý do khó khăn về kinh tế... Trong khi đó, theo qui định hiện nay, để xử lý việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp cần có sự tham gia của chủ sở hữu (doanh nghiệp)”, ông Nguyễn Thanh Hồng, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho hay.

Trước thực tế trên, để nâng cao công tác chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu, tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp chủ động tham gia chống hàng giả sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi khâu thiết kế mẫu mã các sản phẩm, hạ giá thành, đồng thời quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý tận gốc hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo kinh nghiệm của ông Lê Minh Nhựt, trưởng bộ phận bảo vệ thương hiệu Nike.Inc, khu vực Nam Á, các doanh nghiệp khi ra làm ăn, dù lớn hay nhỏ cũng phải có ý thức bảo vệ thương hiệu ngay từ đầu bằng việc đăng ký bảo hộ để tránh trường hợp khi làm ăn được thì đã có người khác đăng ký mất thương hiệu.

Đặc biệt, khách hàng nên lấy hóa đơn mua hàng để làm căn cứ khiếu nại và được bảo vệ trong trường hợp mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng như công bố.

Các tin khác