Nga bỏ kinh tế, lấy chính trị?

Margarita R. Zobnina, một giáo sư ở Moscow, đang dõi theo những thay đổi trong nền kinh tế Nga với ngày càng nhiều dấu hiệu báo động: những người bạn đã chuyển ra nước ngoài không hẹn ngày trở lại, những người khác dẹp bỏ các dự án kinh doanh mới vì mất niềm tin.

Margarita R. Zobnina, một giáo sư ở Moscow, đang dõi theo những thay đổi trong nền kinh tế Nga với ngày càng nhiều dấu hiệu báo động: những người bạn đã chuyển ra nước ngoài không hẹn ngày trở lại, những người khác dẹp bỏ các dự án kinh doanh mới vì mất niềm tin.

Trong khi đó, bà Zobnina và chồng Alexander, cũng là một giáo sư, đã thuê một két an toàn để gửi ngoại tệ như một cách chống lại đồng rúp đang trượt giá. Trong khi việc sáp nhập Crimea đã giúp uy tín ông Putin tăng đạt hơn 80%, nó lại góp phần làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế đất nước, vốn đã gặp khó khăn ngay cả trước khi phương Tây áp đặt trừng phạt. Với lạm phát cao, tăng trưởng trì trệ, đồng rúp và thị trường chứng khoán sụt giảm và hàng tỷ USD bị tháo vốn ra khỏi đất nước, nền kinh tế đang bấp bênh bên bờ vực suy thoái kinh tế, như Bộ trưởng Kinh tế thừa nhận hôm 16-4.

Tổng thống Putin vừa rồi đã chi tới 50 tỷ USD cho Thế vận hội Sochi, nay phải đau đầu tính thêm các chi phí khi sáp nhập Crimea, vốn cũng mang trong mình nhiều “mầm bệnh” kinh tế và nhu cầu cơ sở hạ tầng cao. Cái giá kinh tế phải trả đã được lòng yêu nước che lấp trong thời gian qua, nhưng có thể sẽ sớm ám ảnh Điện Kremlin, khi giá cả tăng vọt và tiền lương lao dốc làm xói mòn niềm tin tiêu dùng.

Ngay cả trước khi xảy ra vụ việc ở Crimea cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Nga đã bị tổn hại vì tình trạng lạm phát và tăng trưởng trì trệ. Ở Nga thất nghiệp vẫn ở mức thấp, nhưng chỉ bởi nhiều năm suy giảm dân số đã khiến lực lượng lao động ngày một teo lại. Trong những tuần vừa qua, các ngân hàng Nga và quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 1,8% nếu phương Tây gia tăng cấm vận vì Ukraine.

Trong năm 2013, WB ước tính khoảng 63 tỷ USD đã rút khỏi Nga, nhưng chỉ trong quý I, con số này lên tới 64 tỷ USD. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán chính của Nga lao dốc 10% trong tháng trước do lo ngại liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Aleksei L. Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, cho rằng các lệnh cấm vận có thể làm hàng trăm tỷ USD bị tháo vốn khỏi nền kinh tế và bóp nghẹt tăng trưởng GDP.

Dòng vốn tháo chạy khỏi Nga trong quý I lớn hơn cả năm 2013.

Dòng vốn tháo chạy khỏi Nga trong quý I lớn hơn cả năm 2013.

Những căn bệnh thâm căn cố đế trong nền kinh tế của Nga đã phát triển nặng hơn trong nhiều năm qua: 1 thập niên giá năng lượng tăng vọt từng giúp ông Putin được ủng hộ nhiệt tình nay đã bị san bằng, phơi bày những rủi ro của việc quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu và khí tự nhiên.

Những nỗ lực đa dạng hóa vào sản xuất, công nghệ cao và các ngành khác đã thất bại, trong khi các quan chức đã không thể, hoặc không muốn ngăn chặn tham nhũng tràn lan, ăn mòn nguồn lực đất nước và làm các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Nhu cầu tiêu dùng, một động lực chính của nền kinh tế Nga trong những năm gần đây, bị sụt giảm mạnh trong năm 2013.

Theo các nhà phân tích, việc sáp nhập Crimea cho thấy ông Putin đã đặt chính trị lên trên lợi ích kinh tế. Vì vậy rất ít lý do để lạc quan về kinh tế, bao gồm cả cam kết của ông Putin về việc tạo ra hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, thậm chí cả cơ quan xếp hạng tín dụng của riêng Nga để không phải dựa vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Các tin khác