Đề thi văn mạo hiểm

Kỳ thi Tú tài đang đến gần, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) lại một lần nữa khiến các thí sinh hoang mang khi đưa ra nhiều thay đổi trong thi cử. Cùng với môn toán bị giảm thời gian làm bài từ 150 phút xuống còn 120 phút, môn văn lại thử thách học sinh cuối cấp ba bằng… đề thi mở.

Kỳ thi Tú tài đang đến gần, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) lại một lần nữa khiến các thí sinh hoang mang khi đưa ra nhiều thay đổi trong thi cử. Cùng với môn toán bị giảm thời gian làm bài từ 150 phút xuống còn 120 phút, môn văn lại thử thách học sinh cuối cấp ba bằng… đề thi mở.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT hoàn toàn có lý khi đúc kết, môn văn những năm gần đây có nhiều cố gắng, nhưng bộc lộ thực trạng học sinh vẫn phải học theo bài văn mẫu để trả bài cho thầy cô.

Cách dạy và cách chấm vẫn theo kiểu cũ, không phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, không thể sốt ruột để đi đến quyết định “đã đến lúc phải thay đổi việc trong chương trình dạy tác phẩm nào thì kiểm tra, hoặc thi về tác phẩm đó”.

Chủ trương đề thi môn văn điều chỉnh theo hướng mở gắn với việc đọc - hiểu của thí sinh, không phải không đúng nhưng quá mạo hiểm.

Bởi lẽ, muốn đổi mới đề thi phải đổi mới cách giảng dạy. Năm học 2013-2014 liệu môn văn đã được truyền thụ với tinh thần sáng tạo chưa để đòi hỏi học sinh kỹ năng làm bài theo chuẩn sáng tạo?

Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, ông Mai Văn Trinh, cho rằng đề thi có thể là một văn bản không có trong sách giáo khoa. Còn Vụ phó Vụ Giáo dục trung học Đỗ Ngọc Thống đề xuất vài dạng đề thi theo hướng mở, như “Viết một bài văn trả lời câu hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu thơ ca?” hoặc “Ngôn ngữ thơ Việt Nam rất giàu nhạc tính. Anh, chị hãy viết bài văn làm sáng tỏ nhận định đó qua một đoạn thơ tự chọn”.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứ có phải thi học sinh giỏi quốc gia đâu, sao lại yêu cầu cao quá mức cần thiết? Có lẽ, nếu gặp đề thi như vậy ngay đến ông Mai Văn Trinh và ông Đỗ Ngọc Thống cũng chưa chắc viết được bài văn thuyết phục trong thời gian hạn hẹp 120 phút, chứ đừng chấp chi các cô cậu học sinh tuổi 18.

Đành rằng cần ghi nhận thiện chí của ngành giáo dục muốn xóa bỏ tình trạng học vẹt, học tủ, nhưng đề thi kiểu đánh đố không phải là cách hữu hiệu để kiểm tra năng lực thực tế của học sinh. Đã theo đuổi sự nghiệp trồng người cần phải bình tĩnh và sáng suốt, không thể vì chịu áp lực dư luận mà nao núng đem trình độ học sinh ra làm thí nghiệm.

Dạy văn và học văn luôn đòi hỏi sự bồi đắp lâu dài và bền bỉ, không thể một sớm một chiều có ngay sự đột biến ngoạn mục. Nếu không cẩn thận, đề thi mở sẽ thu được những bài văn rùng rợn.

Các tin khác