Thị trường bán lẻ - Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường bán lẻ trong nước, hướng đi trong tương lai sẽ là một câu hỏi lớn đối với mọi doanh nghiệp nội.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường bán lẻ trong nước, hướng đi trong tương lai sẽ là một câu hỏi lớn đối với mọi doanh nghiệp nội.

Tiềm năng thị trường nông thôn

Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp nội đang có nhu cầu đẩy mạnh phát triển thị phần ở khu vực nông thôn. Hoạt động kinh doanh ở thành thị vốn luôn là chiến lược phát triển chính của các doanh nghiệp, tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà bán lẻ nội gặp nhiều cạnh tranh cũng như dần bão hòa tại thị trường này thì việc đầu tư phát triển tại nông thôn sẽ là phương án thích hợp.

Bà Mai Thị Tuyết Hoa, Giám đốc nghiên cứu bộ phận Định lượng của Công ty Nieisen cho biết: “Thị trường nông thôn theo tôi khá là tiềm năng đối với các doanh nghiệp bán lẻ, thậm chí tác động của các nhà bán lẻ tại thị trường nông thôn còn lớn hơn rất nhiều so với ở thành thị. Gần đây, có nhiều doanh nghiệp bán lẻ từ cỡ lớn như Unilever P&G đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến công ty chúng tôi hỏi về tính chất của thị trường nông thôn và chiến lược áp dụng tại thị trường này.”.

Theo nghiên cứu của Công ty Nieisel, người tiêu dùng ở thị trường nông thôn bị tác động rất nhiều bởi lời giới thiệu, quảng cáo của các nhà bán lẻ. Mặt khác, các nhà bán lẻ tại đây thường xuyên có xu hướng giới thiệu sản phẩm và lời khuyên đối với người tiêu dùng, chiếm tới 90% (thống kê ở các cửa tiệm vừa và lớn).

Có khoảng 477.000 cửa hàng vừa và lớn tại thị trường nông thôn Việt Nam, nếu tính trung bình có 64 khách hàng ra vào một cửa hàng mỗi ngày, ta sẽ có khoảng 27,5 triệu người mua sắm có khả năng sẽ mua hàng theo lời giới thiệu của các nhà bán lẻ. “Con số này khiến nhiều doanh nghiệp khá bất ngờ và khiến họ phải thay đổi chiến lược phát triển tại thị trường này của mình”, bà Mai chia sẻ.

Trước xu hướng đầu tư phát triển tại thị trường nông thôn, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng đồng nhận định rằng đây là một thị trường hết sức tiềm năng. Song bà cũng cho rằng, để cạnh tranh đối với các doanh nghiệp ngoại, không chỉ cần mở rộng thị trường kinh doanh là đủ, các nhà bán lẻ nội cần phải đảm bảo trước hết về mặt chất lượng và giành được lòng tin của người tiêu dùng.

Với nhiều sự cố xảy ra liên quan đến chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước, lòng tin của người tiêu dùng dường như đã bị lung lay. “Số lượng các mặt hàng trên thị trường là rất nhiều, do vậy sự cố xảy ra là điều tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các nhà bán lẻ phải biết rút kinh nghiệm và bài học cho mình sau những sự cố đó. Chúng tôi cũng hy vọng người tiêu dùng cũng đừng vì những sự cố đó mà đánh mất lòng tin vào hệ thống bán lẻ của nước nhà.”, bà Loan nhận định.

Cạnh tranh nội - ngoại

Theo cam kết gia nhập WTO, đến tháng 1-2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Theo các chuyên gia kinh tế, sắp tới, thị trường nước ta nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng sẽ diễn ra các "cuộc chiến" khốc liệt. Với tiềm lực kinh tế lớn, các "ông lớn" ngoại quốc rõ ràng sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến và "thâu tóm" thị trường.

Một loạt tên tuổi các "ông lớn" bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đang hướng tới thị trường Việt Nam như Aeon, Lotte, Wal-Mart hay  Fairprice của Singapore. Trong lĩnh vực bán lẻ thì họ không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, thương hiệu, mà còn có mối quan hệ với các đối tác lớn. Khi họ đã vào Việt Nam sẽ là đối thủ đáng gờm của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam còn phải kể đến 2 nhà bán lẻ cỡ bự khác là Big C và Metro Cash&Carry. Big C mặc dù đã có 24 siêu thị trên cả nước, nhưng vẫn không ngừng mở rộng chuỗi. Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ lên 45%.

Với 90 triệu dân, mức tăng trưởng 23% ở thị trường bán lẻ, Việt Nam đang được xem là "mảnh đất" có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Rõ ràng, trong cuộc chiến này, kẻ yếu về quản lý, năng lực sẽ bị những người có tiềm lực mạnh hơn thâu tóm. Sức cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước còn khá yếu so với các nhà bán lẻ lớn đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Có thể thấy, yếu thế chính của các nhà bán lẻ trong nước vẫn là tiềm lực kinh tế, tài chính vẫn còn yếu; đồng thời kinh nghiệm hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ nội vẫn chưa thể so sánh được với các nhà bán lẻ nước ngoài. Do vậy, hướng phát triển trong thời gian sắp tới cần phải được các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu một cách chi tiết và cẩn thận.

Các tin khác