Tăng trưởng tín dụng cần chất hơn lượng

Tín dụng của các NHTM và cả hệ thống đã dương trở lại kể từ cuối tháng 3. Điều này được NHNN đánh giá là dấu hiệu tích cực, tạo đà tăng trưởng trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khi nợ xấu toàn ngành NHNN đánh giá khoảng 7% và sức mua thị trường còn yếu, bất động sản chưa ấm lên.

Tín dụng của các NHTM và cả hệ thống đã dương trở lại kể từ cuối tháng 3. Điều này được NHNN đánh giá là dấu hiệu tích cực, tạo đà tăng trưởng trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khi nợ xấu toàn ngành NHNN đánh giá khoảng 7% và sức mua thị trường còn yếu, bất động sản chưa ấm lên.

Vốn chưa vào doanh nghiệp

Số liệu thống kê từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn 2 tháng đầu năm nay không tăng không giảm, nhưng đến cuối tháng 3-2014 tín dụng đã dương được 0,12%, trong đó tín dụng xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, để kỳ vọng dư nợ tăng mạnh trong quý II là chưa thể.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, quý I hàng năm tín dụng luôn tăng trưởng thấp nhất, thậm chí âm trong 3 năm trở lại đây, năm 2014 cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận để kỳ vọng tín dụng tăng trưởng nhanh trong 2 quý đầu năm không dễ. Bởi theo quy luật hàng năm, dư nợ tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong 2 quý cuối năm, nhất là vào quý IV hàng năm.

Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang, cho biết tín dụng Sacombank đến ngày 11-4 đã tăng khoảng 4,7% so với mức hơn 2% của tháng trước đó. Nhiều khả năng tín dụng sẽ được cải thiện trong những tháng tới khi lãi suất giảm và nhu cầu vốn cao hơn.

Do trong tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng hơn 3 tháng đầu năm khối cá nhân chiếm phần lớn, nên với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là 13%, Sacombank kỳ vọng hoàn tất, chủ yếu đến từ khối khách hàng cá nhân. Lãnh đạo NamA Bank cũng cho biết dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng trưởng 7-8% so với chỉ tiêu NHNN giao đầu năm 13%. Nếu những tháng tới tín dụng cải thiện tích cực, NamA Bank sẽ trình NHNN để xin nới thêm room.

Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp và rủi ro nợ xấu, để an toàn và có khả năng sinh lãi cho đồng vốn, các NH đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP). Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã mua khoảng 83% lượng TPCP phát hành (đến 28-3, tổng lượng TPCP phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng).

Tạo nhiều đường dẫn vốn

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm nay không khó. Song nếu chỉ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng là không nên, quan trọng hơn vẫn là chất lượng. Bởi khi nào “cục máu đông” nợ xấu của NH được rã băng, mới kỳ vọng tín dụng tăng trưởng và cải thiện mạnh. Vì thế, để tín dụng tăng trưởng cần có thêm thời gian khi các gói kích cầu phát huy tác dụng, nhất là đối với kích cầu bất động sản.

TS. Trần Du Lịch,
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%. Theo đó, xem xét linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính, khả năng mở rộng tín dụng sau khi đã sử dụng hết room giao ban đầu.

Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng để cho vay thu, mua, tạm trữ lúa, gạo; triển khai chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất hợp lý. Cùng với đó nhân rộng việc áp dụng mô hình chương trình liên kết NH-doanh nghiệp.

Trong nỗ lực khai thông dòng vốn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu các NHTM xem xét giảm thêm 1-2% lãi suất kể từ quý này. Trước đó, từ cuối tháng 3, Thống đốc NHNN đã quyết định giảm trần lãi suất huy động; trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm thêm 1%, xuống còn 8%/năm; giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống phổ biến mức 9-11%/năm.

Đến nay, tỷ trọng các khoản cho vay cũ lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 65% trước thời điểm 15-7-2012. Đồng thời, các NH cũng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng trên 300.000 tỷ đồng dư nợ.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện nay khi sức khỏe doanh nghiệp chưa hoàn toàn hồi phục, cộng với nợ xấu của ngành vẫn là rào cản lớn đối với tăng trưởng tín dụng trong năm 2014. Mặc dù nợ xấu đã được các NHTM tích cực xử lý thông qua giải pháp thu hồi, trích dự phòng và đẩy mạnh bán cho VAMC. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chưa thể kỳ vọng tín dụng cải thiện ngay.

Bởi lẽ hệ thống NH không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn ở mức thấp, càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất không có đầu ra, sức tiêu thụ của thị trường chưa mấy cải thiện. Trong khi đó, những doanh nghiệp tốt, có dự án kinh doanh khả thi trong lúc này cũng chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay mà chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có.

Theo chuyên gia tài chính - NH Huỳnh Bửu Sơn, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay không dễ, bởi sức hấp thu vốn của các doanh nghiệp hiện nay khá yếu. Đặc biệt nợ xấu vẫn là rào cản lớn đối với việc NH tăng trưởng hoạt động cho vay.

Thực tế cho thấy ngay cả với gói vốn 30.000 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất 5%/năm, nhưng sau gần 1 năm triển khai, đến nay mới giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng và ít doanh nghiệp được vay. Nguyên nhân do rủi ro thị trường, nhất là với tín dụng bất động sản đã buộc NH thận trọng khi trao vốn. Bởi lẽ bản thân NH là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tiền cho vay ra là tiền NH huy động từ dân, nếu không thận trọng khi tăng trưởng tín dụng, nợ xấu tăng. 

Các tin khác