Đưa công nghệ từ nhà trường đến nhà máy

Việc kết nối DN và các trường đại học không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp đưa các công trình nghiên cứu về công nghệ, sản phẩm của các trường đến với DN, với thực tiễn sản xuất. Song cho đến nay, hành trình rút ngắn khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến nhà máy sản xuất vẫn còn khá gian nan.

Việc kết nối DN và các trường đại học không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp đưa các công trình nghiên cứu về công nghệ, sản phẩm của các trường đến với DN, với thực tiễn sản xuất. Song cho đến nay, hành trình rút ngắn khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến nhà máy sản xuất vẫn còn khá gian nan.

Còn nhiều nút thắt

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food (SG Food), chia sẻ câu chuyện liên kết giữa DN và các trường đại học trong nghiên cứu về công nghệ cũng như sản phẩm: “Công ty chúng tôi thành lập năm 2003, 1 năm sau chúng tôi có hợp đồng với Trường Đại học Bách khoa để nghiên cứu một sản phẩm và đó là sản phẩm nền cho nhiều sản phẩm chúng tôi phát triển sau này. Ngay thời điểm đó, khoa thực phẩm của Đại học Bách khoa hỗ trợ chúng tôi mua máy móc thiết bị và hiện nay những máy móc đó cũng còn hoạt động, nhưng chỉ ở quy mô sản xuất thử vì khi phát triển lên chúng tôi đầu tư nhiều thiết bị khác”.

Bà Lâm cũng nhấn mạnh bên cạnh những hoạt động nghiên cứu tại chỗ của phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty, SG Food cũng có những hoạt động hợp tác với các trường, các viện như Viện Nghiên cứu thủy sản, Đại học Bách khoa. Bà Lâm nói thêm: “Việc hợp tác với những chuyên gia độc lập cũng có những rủi ro như chi phí hợp tác nghiên cứu còn lớn hơn chi phí mua máy”.

Cũng nói về những gút mắc trong việc hợp tác với các viện nghiên cứu, trung tâm, bà Huỳnh Ngọc Bảo Thy, đại diện Tập đoàn Thiên Long, chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hợp tác thất bại. Thứ nhất, khả năng ứng dụng và sự phù hợp của công nghệ của các viện nghiên cứu đưa ra. Thí dụ, một sản phẩm có nhiều tính năng nổi trội nhưng thực tế người tiêu dùng chỉ cần một vài tính năng. Vấn đề là khi có nhiều tính năng giá thành sản phẩm sẽ cao, khó thương mại hóa. Thứ hai, hạn chế về tính khả thi khi sản xuất đại trà. Thứ ba, sự linh động của viện nghiên cứu.

Về phía các trường đại học, tuy cũng rất nỗ lực để kết nối với DN nhằm đưa các nghiên cứu vào thực tế, song PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cũng thừa nhận: “Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu công nghệ của các trường đại học, trong đó có Đại học Bách khoa, chưa đến được với DN. Một trong những nguyên nhân cơ bản cho tình trạng này là nhiều nghiên cứu của nhà trường chưa thực sự nhắm đến giải quyết các vấn đề kỹ thuật tồn tại của DN, hay nói cách khác là chưa đúng địa chỉ. Đó là hệ quả của sự liên kết có phần lỏng lẻo giữa nhà trường và DN”.

Theo số liệu của Trường Bách khoa TPHCM, hiện mỗi năm doanh số chuyển giao công nghệ là 70-80 tỷ đồng. Song trường cho rằng đây còn là con số rất nhỏ và lợi nhuận thu về cũng rất khiêm tốn.

Mong muốn bắt tay

DN và các trường, viện cần tăng cường kết nối để đưa công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Ảnh: MAI HẢI

DN và các trường, viện cần tăng cường
kết nối để đưa công nghệ
vào thực tiễn sản xuất. Ảnh: MAI HẢI

Tuy vẫn còn nhiều nút thắt nhưng cả phía DN cũng như các trường đều thể hiện mong muốn được liên kết cùng nhau. Ông Phạm Hoàng Ngân, Phó Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm ICP, một người từng có 14 năm làm việc trong các viện nghiên cứu trước khi đến làm việc tại các DN, chia sẻ: “Thời gian của cả DN và các thầy đều rất quý, nhưng trước tiên DN và nhà trường phải tăng cường kết nối để có những chia sẻ về chiến lược vì vấn đề nghiên cứu sẽ liên quan đến chiến lược phát triển của một công ty, liên quan đến đối thủ và bảo mật rất cao. Nên những kết nối ban đầu chưa thể đi đến tầm mức chúng ta chia sẻ được ngay”.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Dương Duy Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nói: “Khi đặt vấn đề hợp tác cần có thời gian chứ không thể trong ngày một, ngày hai được”. Hiện nay Đại học Bách khoa đã thiết lập phòng quan hệ đối ngoại để DN có thể liên hệ với nhà trường.

Có một mối quan tâm chung khi liên kết DN và nhà trường đó chính là bất đồng về sở hữu trí tuệ cũng như tính bảo mật của các nghiên cứu. Để hợp tác có thể thành công, theo bà Thy, ban đầu DN và các viện, trường có thể hợp tác từng phần. Và quan trọng hơn nên có các kênh để giới thiệu các chuyên gia cho các DN.

Trên thực tế cũng đã có nhiều cái bắt tay thành công giữa các trường với DN cả trong và ngoài nước. Việc mang công nghệ “made in Vietnam” đến các nhà máy sản xuất không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao tính chủ động. Và một điều nhận được nhiều sự đồng tình của cả phía trường lẫn DN là để thành công trong hợp tác, chỉ 2 bên thôi chưa đủ mà cần có thêm sự “mai mối” từ bên thứ 3.

Có lẽ đó cũng là lý do trong Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao hiện đang diễn ra tại TPHCM có thêm một số hoạt động như chợ kết nối cung cầu về công nghệ giữa Đại học Bách khoa, Trung tâm Khoa học công nghệ TPHCM với DN.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, chia sẻ: “Hơn 1/3 số DN đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, chế biến, nông sản… những DN này rất cần sự hỗ trợ của các viện, trường như Đại học Bách khoa, Đại học Nông Lâm… Chúng tôi hy vọng sự mai mối của mình sẽ có tiến triển cụ thể”. 

Các tin khác