Trách nhiệm và chuẩn mực xuất bản

Với Nghị định 195/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-3-2014, Luật Xuất bản năm 2012 bắt đầu được áp dụng nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của đời sống văn hóa nước nhà. Việc cho phép tư nhân tham gia làm sách, sự cởi mở của không khí xuất bản đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, khi yếu tố thị trường len lỏi vào từng ấn phẩm, nhiều bất cập cũng xuất hiện.

Với Nghị định 195/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-3-2014, Luật Xuất bản năm 2012 bắt đầu được áp dụng nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của đời sống văn hóa nước nhà. Việc cho phép tư nhân tham gia làm sách, sự cởi mở của không khí xuất bản đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, khi yếu tố thị trường len lỏi vào từng ấn phẩm, nhiều bất cập cũng xuất hiện.

Vài con số thống kê của năm 2013 ít nhiều cho thấy bức tranh toàn cảnh của ngành xuất bản. Năm vừa qua cả nước có 26.933 đầu sách với 279.720.000 bản in, giảm 3,8% về số đầu sách và 7% về số lượng bản sách. Kết quả kinh doanh, chỉ có 4 nhà xuất bản (NXB) kinh doanh có lãi lớn 8-25 tỷ đồng, còn lại hầu hết đều gặp khó khăn. Một số NXB lỗ nặng dẫn đến tình trạng nợ thuế, nợ tiền thuê nhà đất và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Có NXB cả năm chỉ làm được 6 cuốn sách.

Một quốc gia 90 triệu dân với 64 NXB không phải nhiều. Thế nhưng, vì thói quen đọc sách còn khiêm tốn nên bản in mỗi đầu sách tương đối ít ỏi. Để tồn tại, nhiều NXB không chỉ khoán trắng cho tư nhân thực hiện bản thảo mà còn thiếu cẩn trọng trong công tác biên tập, dẫn đến nhiều sai sót nghiêm trọng. Do đó, Luật Xuất bản 2012 quy định: “Đối với tác phẩm, tài liệu có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký, NXB không được liên kết biên tập sơ bộ bản thảo”. Đồng thời, Nghị định 195 cũng bắt buộc NXB phải trực tiếp ký hợp đồng in với cơ sở in xuất bản phẩm.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với xuất bản chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để nâng cao trách nhiệm xuất bản. Chẳng đặng đừng, phải thú nhận với nhau trình độ của các biên tập viên hiện nay chưa hẳn đã đáng tin cậy. Thí dụ, một NXB có tên tuổi đã hồn nhiên sửa toàn bộ chữ “vô” thành chữ “vào” trong một cuốn sách, khiến tác giả và độc giả sững sờ vì bị có thêm những từ ngữ dị hợm như “hư vào” (hư vô), “vào nghĩa” (vô nghĩa), “vào ích” (vô ích)… Chính ông Cục trưởng Cục xuất bản Chu Văn Hòa cũng phải thốt lên: “Đến trẻ con lớp 1 cũng không sai, mà từ biên tập viên đến lãnh đạo NXB lại sai”.

Mỗi cuốn sách không chỉ liên quan mật thiết đến tri thức và thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của cộng đồng. Sẽ rất nguy hiểm nếu những người làm sách chỉ chạy theo đồng tiền, hoàn toàn rời xa chuẩn mực xuất bản.

Các tin khác