Tái cơ cấu TCTD: Tiếp tục xử lý 6-7 ngân hàng

Ngoài danh sách các ngân hàng (NH) phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN đã thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất (M&A) 6-7 NH trong giai đoạn gần cuối của đề án tái cấu trúc, nhằm lành mạnh hóa hệ thống, giảm bớt số lượng NH nhỏ, yếu kém.

Ngoài danh sách các ngân hàng (NH) phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN đã thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất (M&A) 6-7 NH trong giai đoạn gần cuối của đề án tái cấu trúc, nhằm lành mạnh hóa hệ thống, giảm bớt số lượng NH nhỏ, yếu kém.

NH nhỏ khó tránh sáp nhập

Thông tin về kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) trong đợt tiếp theo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đang tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các TCTD sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Trong đó sẽ xử lý từ 6-7 NH thông qua hình thức sáp nhập, đưa số NH bị giải thể từ trước đến nay lên 7-10 NH.

Trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1, chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của NH này. Còn các NH khác cơ bản đã được khắc phục, tình hình tín dụng đã được cải thiện, thoát khỏi đổ vỡ.

Như vậy thông tin về thương vụ GP Bank sẽ bán 100% vốn cho cổ đông ngoại đến nay đã được rõ ràng, tuy phía GP Bank chưa tiết lộ đối tác chiến lược nước ngoài là ai, nhưng các nguồn thạo tin trên thị trường cho rằng khả năng NH sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore).

Hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6-3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. Hiện NHNN đang tập chủ chỉ đạo xử lý nợ xấu, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy định để có thể bán được các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài vì họ đang rất quan tâm đến các khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề liên quan đến tính pháp lý của các khoản nợ, đặc biệt là vấn đề đất đai. Đối với kế hoạch cụ thể, trong năm 2014, NHNN đặt mục tiêu mua thêm từ 70-100 ngàn tỷ đồng nợ xấu thông qua VAMC và điều này hoàn toàn nằm trong khả năng.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Từ thực tế trên cho thấy, các NH nhỏ sẽ khó tránh được thực trạng M&A, thậm chí khá sôi động trong thời gian tới khi đề án tái cơ cấu đi vào giai đoạn cuối. Vì vậy, các NH nhỏ, yếu kém đang lên phương án tìm kiếm đối tác để thương thảo, đàm phán trước khi NHNN buộc sáp nhập. Điển hình là trước những khó khăn của thị trường, tình hình nợ xấu cao và các đánh giá đưa ra tỷ lệ nợ xấu Southern Bank cao gấp đôi so với con số công bố gần 4%, NH này đã có đề nghị được sáp nhập vào Sacombank.

Thực tế, nếu không sáp nhập vào một đơn vị khác, Southern Bank sẽ khó tồn tại và cạnh tranh được trước tình hình thị trường hiện nay khi vốn điều lệ của NH chỉ ở mức khiêm tốn 4.000 tỷ đồng, quản trị yếu kém và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong những năm gần đây (chưa đạt 20-30% kế hoạch), nên việc đề nghị tự nguyện sáp nhập vào Sacombank được xem là giải pháp tốt nhất đối với NH này.

Không chỉ với Southern Bank, mà ngay cả với những ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ còn ở mức khiêm tốn trên dưới 3.000 tỷ đồng cũng đang phải đối mặt với thực trạng M&A để tồn tại và phát triển. Đây cũng chính là chủ trương của NHNN trong việc đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành.

Vì thế, với các NH có vốn đang ở mức 3.000 tỷ đồng và có nhu cầu tăng thêm trong thời gian qua cũng như sắp tới đây chưa hẳn đã được NHNN thông qua. Theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành NH, tăng vốn là điều cần thiết, song trước tình hình hiện nay việc tăng vốn của các NH sẽ phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua NHNN.

Thực tế cho thấy, trong 3 năm gần đây kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều NH khó thực thi, kể cả khi các nhà băng tăng vốn thông qua việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng. Qua đó có thể thấy với chủ trương và mục tiêu tái cấu trúc ngành sẽ còn nhiều NH nhỏ phải M&A.

Số lượng NH giảm mạnh

Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng NH sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15 NH. Lúc đó, nguồn vốn sẽ được tập trung hơn, vì một khi NH càng nhiều vốn sẽ càng phát triển mạnh hơn. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.

Vì thế đánh giá được đưa ra từ các chuyên gia tài chính, NH phải nhanh chóng đẩy mạnh việc tái cơ cấu, dứt điểm xử lý nợ xấu, thay vì để thời gian từ 3-5 năm là quá dài.

Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 NH yếu kém. Một số NH đã rút khỏi thị trường bằng biện pháp M&A như: Habubank (sáp nhập SHB), Western Bank (hợp nhất với PVFC), Tín Nghĩa, Đệ Nhất (hợp nhất cùng SCB), DaiA Bank (sáp nhập HDBank). Sắp tới đây có thêm thương vụ sáp nhập tự nguyện của Southern Bank vào Sacombank.

Không chỉ NH nhỏ, thị trường hứa hẹn còn nhiều thương vụ M&A đình đám hơn khi một số NH lớn tính đến chuyện M&A. Sacombank không chỉ sáp nhập thêm Southern Bank mà trước đó cũng đã ký kết một bản ghi nhớ với Eximbank, trong đó có nội dung hợp nhất sẽ được tìm hiểu trong vòng 3-5 năm kể từ đầu năm 2013.

Theo một lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Sacobmank, không chỉ với Eximbank và SouthernBank, mà đối với tất cả NH khác Sacombank đều mong muốn xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng phát triển thông qua con đường M&A.

Bởi đây cũng chính là con đường phát triển mau chóng với mục tiêu trở thành những doanh nghiệp lớn, không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đủ sức cạnh tranh và vươn ra tầm khu vực. Do vậy, việc hợp nhất hay sáp nhập với ngân hàng khác là một trong những kịch bản phát triển được Sacombank nghĩ đến.

Mục tiêu tái cấu trúc của NHNN là làm sạch hoạt động NH, bởi không phải cứ NH lớn là quản lý rủi ro đã tốt. Do đó, NHNN mới có việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của từng đơn vị nên NH lớn cũng không nằm ngoài vòng xoáy M&A nếu có yếu kém.

Hiện NHNN đưa ra chủ trương khuyến khích các TCTD sáp nhập, hợp nhất trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của 2 bên, M&A giữa các NH phù hợp sẽ giúp các bên tận dụng được sự cộng hưởng lẫn nhau từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ,  nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch, kênh phân phối. Ngoài ra, M&A cũng giúp các NH tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, thời gian phát triển mạng lưới… để nhanh chóng vươn tới tầm vóc cao hơn.

“Ngựa phi đường xa” hậu M&A

Đánh giá về thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đang được thị trường quan tâm cũng như việc khả năng các NH lớn sáp nhập với nhau, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng có thể trước mắt sau sáp nhập giữa NH nhỏ vào NH lớn hoạt động của NH mới sẽ gặp khó khăn nhất định.

Thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank sẽ có khó khăn tạm thời, vì Southern Bank không phải là NH mạnh, khi sáp nhập Sacombank cũng phải gánh nợ xấu từ NH này. Nhưng đó cũng là lẽ thường mà các thương vụ M&A trước đã thực hiện thành công như DaiA Bank sáp nhập HDBank hay Habubank sáp nhập SHB.

Ngược lại, đơn vị sáp nhập như Sacombank, SHB, HDBank sẽ tăng được quy mô tổng tài sản, vốn, mạng lưới, con người. Có thể trước mắt kết quả tái cơ cấu NH giữa một số NH chưa thể nói lên được điều gì khi kết quả hoạt động trong thời kỳ hậu M&A chưa thực sự sáng lên. Do vậy cần có sự giám sát của NHNN trong thời hậu M&A.

Cũng theo TS. Kiêm, việc hợp nhất, sáp nhập để giảm bớt những NH yếu kém, làm cho những NH này trở thành những TCTD mạnh, lành mạnh được hệ thống NH là điều cần thiết. Qua con đường M&A để giảm thiểu số lượng NH nhỏ, yếu kém, ngành NH cũng có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu… Vì vậy NHNN cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên chưa thể đòi hỏi được sự ổn định và lớn mạnh chỉ sau giai đoạn ngắn các NH sáp nhập, hợp nhất. Thực tế cho thấy, các NH sau hợp nhất, sáp nhập đã nhanh chóng rà soát bán nợ xấu cho VAMC. Đơn cử như SCB đã bán được 6.000 tỷ đồng nợ xấu, SHB cũng dần giải quyết được khoản nợ xấu 1.800 tỷ đồng , hay HDBank đang rà soát các khoản nợ xấu sau sáp nhập DaiA Bank để bán cho VAMC.

HDBank được xem là NH thành công trong việc sáp nhập DaiABank. Ảnh: LONG THANH

HDBank được xem là NH thành công trong việc sáp nhập DaiABank. Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia NH, để có được một hệ thống NH vững mạnh đòi hỏi trước hết phải xóa được sở hữu chéo.

Vì chính sở hữu chéo trong lĩnh vực này đã gây mất lòng tin khi một số cá nhân trong ngành đã lợi dụng cơ hội để lũng đoạn, dùng tiền gửi của dân để biến thành tiền của mình và mua NH bằng chính nguồn tiền ảo.

Các tin khác