Luật không quy định chủ tịch HĐQT phải là ông chủ

Báo ĐTTC số 712 ra ngày 27-3 có bài: “Làn sóng thay tướng ngân hàng - Ai là người thật sự cầm trịch?”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về việc vấn đề này có phù hợp với Luật Các TCTD. Để hiểu rõ hơn, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.

Báo ĐTTC số 712 ra ngày 27-3 có bài: “Làn sóng thay tướng ngân hàng - Ai là người thật sự cầm trịch?”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về việc vấn đề này có phù hợp với Luật Các TCTD. Để hiểu rõ hơn, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhân sự cấp cao ngành NH biến động mạnh trong thời gian gần đây và không ít nhà băng đã thay ghế “nóng” chủ tịch HĐQT, liệu có bình thường không?

TS. CAO SỸ KIÊM: - Biến động nhân sự cấp cao lĩnh vực tài chính-NH sẽ còn “nóng” trong thời gian tới khi làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A)trong lĩnh vực này ngày một sôi động trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành của NHNN, lành mạnh hóa hệ thống.

Trong xu thế hiện nay, việc M&A là điều đương nhiên. Vì muốn cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường ngày một khó khăn phải hợp nhất lại để cùng nhau lớn mạnh, không chỉ về công nghệ, mạng lưới và con người mà cả việc nâng tầm mô hình quản trị, không chỉ NH yếu M&A với nhau mà ngay cả NH lớn cũng M&A.

Do đó sẽ kéo theo sự thay đổi về cơ cấu cổ đông cũng như giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong lĩnh vực NH, nên  nhân sự cấp cao ngành này sẽ còn có biến động, nhất là ghế “nóng” chủ tịch HĐQT. Đó là xu thế tất yếu.

Có ý kiến cho rằng người chủ thục sự của nhà băng không muốn xuất đầu lộ diện với nhiều lý do khác nhau, nên không dễ xác định được người chủ phía sau của NH, khiến tình trạng sở hữu chéo trong ngành không những giảm mà sẽ tăng.

- Ông nghĩ sao về việc hiện nhiều chủ tịch HĐQT tuyên bố không sở hữu một cổ phiếu của NH mà mình đang giữ ghế “nóng”?

- Thông thường chủ tịch HĐQT là người có cổ phần nhiều nhất, là người đại diện theo pháp luật của NHTMCP và được ghi trong điều lệ NHTMCP.

Tuy nhiên, chủ tịch HĐQT chưa chắc đã là người nhiều vốn nhất, vì pháp luật chỉ quy định chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra mà không hề nói người được bầu đó là ai, có phải là người nhiều vốn nhất hay không. Song trước khi được bầu làm chủ tịch HĐQT, cổ đông đó phải là thành viên HĐQT.

- Nếu vậy tiêu chí như thế nào để chọn chủ tịch HĐQT của một NH?

- Nguyên tắc trước hết được bầu chủ tịch HĐQT là cổ đông nắm tỷ lệ cổ phần nhiều nhất, nhưng cũng có thể các thành viên trong HĐQT sẽ bầu cổ đông có năng lực điều hành và khả năng quyết đoán cao.

Song nếu HĐQT xét thấy chủ tịch HĐQT không có năng lực hoặc vì các lý do khác, các thành viên trong HĐQT sẽ xem xét bầu người khác thay thế. Người mới được bầu vào ghế chủ tịch HĐQT không nhất thiết phải là người nắm nhiều cổ phiếu của NH hay không có cổ phiếu nào, quan trọng là người đó được HĐQT bầu chọn.

Sau khi được bầu chọn vị trí chủ tịch HĐQT, HĐQT NH đó sẽ trình lên NHNN xét duyệt chấp thuận, hoặc trình NHNN trước khi bầu chủ tịch HĐQT. Luật Các TCTD không quy định về việc chọn chủ tịch HĐQT. Đó cũng là lý do hiện nay có một số thành viên HĐQT độc lập ở một số NH, với vai trò thành viên HĐQT giám sát hoạt động của NH đó.

- Thưa ông, gần đây một NH công bố có đến 20 phó tổng giám đốc, có ổn không?

- Mô hình mới hiện nay mỗi phó tổng giám đốc phụ trách và điều hành một lĩnh vực dưới tổng giám đốc. Như vậy dưới tổng giám đốc, một số NH sẽ cần xây dựng mô hình hàng loạt phó tổng giám đốc điều hành từng lĩnh vực, nhằm chia nhỏ trách nhiệm nhưng được quản lý trực tiếp dưới quyền của tổng giám đốc và được gọi là Hội đồng giám đốc.

Đây được xem là mô hình mới dễ quản lý, nên theo tôi cũng là điều hết sức cần thiết. Vì như thế bộ phận phó tổng giám đốc sẽ đi sâu vào nghiệp vụ cụ thể hơn.

- Ông đánh giá như thế nào về quản trị NH sau 2 năm tái cơ cấu?

- Tôi cho rằng cái được nhất trong quá trình tái cơ cấu 2 năm qua là tránh được sự đổ vỡ trong hệ thống NH và cải thiện được “sức khỏe” của các NH, vì nếu một NH đổ vỡ sẽ kéo đến sự đỗ vỡ của hệ thống NH. Cái được thứ hai là xử lý được tỷ lệ nợ xấu thông qua việc bán cho VAMC.

Có thể đến lúc này chưa thể đánh giá các NH sau M&A đã ổn định và tốt lên, nhưng quản trị của các NH phần nào được nâng lên và quản lý tốt hơn. Song để có thể tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững, các NH cần nâng tầm quản trị trong thời gian tới để có thể đảm bảo được hoạt động an toàn, tránh rủi ro.

- Xin cảm ơn ông.

 - Nguyên Chủ tịch Sacombank Phạm Hữu Phú khi còn đương nhiệm từng tuyên bố không giữ một cổ phiếu nào của STB. Cổ đông cá nhân lớn nhất tại Sacombank hiện nay là ông Trầm Trọng Ngân, con trai Phó Chủ tịch HĐQT Trầm Bê, nắm giữ 4,52% cổ phần (54,72 triệu cổ phiếu). Theo báo cáo quản trị công ty năm 2013 của Sacombank, ông Trầm Bê và các con đang nắm giữ tổng cộng 6,51% cổ phần Sacombank. Trong khi ông Bê và các con đều không ngồi vào ghế “nóng” chủ tịch HĐQT.

-  Với Southern Bank, gia đình ông Trầm Bê có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định 20%, nhưng người ngồi vào ghế “nóng” là người “đóng thế vai”.

- Ông Võ Quốc Thắng cũng không sở hữu cổ phiếu của KienLongBank nhưng được bầu Chủ tịch HĐQT KienlongBank tại kỳ ĐHCĐ thường niên tháng 4-2013. Tuy nhiên, con trai ông là Võ Quốc Lợi (sinh năm 1988) lại đang là một trong những cổ đông lớn của KienLongBank khi sở hữu số cổ phiếu tương đương gần 5% vốn điều lệ.

Các tin khác