Holcim sáp nhập Lafarge

2 nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới Holcim và Lafarge đã công bố đề xuất sáp nhập cùng với cam kết thanh lý bớt tài sản để xoa dịu những mối quan ngại trên thế giới.

2 nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới Holcim và Lafarge đã công bố đề xuất sáp nhập cùng với cam kết thanh lý bớt tài sản để xoa dịu những mối quan ngại trên thế giới.

Holcim của Thụy Sĩ sẽ sáp nhập Lafarge của Pháp với đề nghị 1 cổ phiếu Holcim đổi lấy 1 cổ phiếu Lafarge. Việc sáp nhập đã được 2 hội đồng quản trị của cả 2 công ty thông qua vào cuối tuần trước. Thương vụ này sẽ tạo ra một tập đoàn có doanh số kết hợp 39 tỷ EUR và thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao và khấu trừ là 6.5 tỷ EUR.

Giám đốc điều hành của Lafarge Bruno Lafont sẽ giữ vai trò tương tự ở tập đoàn mới, trong khi chủ tịch được chỉ định của Holcim Wolfgang Reitzle trở thành Chủ tịch tập đoàn. Tập đoàn LafargeHolcim mới sẽ đặt trụ sở ở Thụy Sĩ, được niêm yết trên 2 sàn Six tại Zurich và Euronext ở Paris. Mỗi công ty sẽ có 7 đại diện nằm trong ban quản trị của tập đoàn mới.

Việc sáp nhập của 2 công ty hàng đầu trong ngành xi măng sẽ dẫn tới các vấn đề gai góc về cạnh tranh ở nhiều quốc gia, cả ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, nơi ngành công nghiệp này từ lâu đã là đối tượng của những mối quan ngại chống độc quyền.

Từ năm 2008, cả 4 tập đoàn xi măng hàng đầu thế giới đã bị Ủy ban châu Âu điều tra hành vi cấu kết và áp đặt giá. CEO Lafarge Bruno Lafont và Chủ tịch Holcim Rolf Soiron cho biết họ đã dự tính bán bớt từ 10-15% tài sản và đã bắt đầu các cuộc thảo luận với Ủy ban châu Âu.

Ông Soiron cho biết 2 công ty dự kiến sẽ hoàn thành chương trình thoái vốn trước khi chốt kế hoạch “sáp nhập bình đẳng” vào nửa đầu năm 2015. Ông dự tính 2/3 hoạt động thoái vốn sẽ thực hiện ở châu Âu nhưng chưa đưa ra chi tiết.

“Chúng tôi đã nhận được những dấu hiệu cho thấy có nhiều sự quan tâm hơn so với kỳ vọng, mặc dù chúng tôi chưa thể khởi động các cuộc đàm phán cụ thể” - ông Soiron nói với tờ Financial Times. Theo ông Soiron, thương vụ sáp nhập Lafarge sẽ không ảnh hưởng tới động thái gần đây của Holcim trao đổi tài sản với Cemex và hợp sức tại Tây Ban Nha. Cemex là nhà sản xuất xi măng lớn nhất ở Hoa Kỳ, Đức và Cộng hòa Czech.

Cái bắt tay độc quyền?

Cái bắt tay độc quyền?

Cả 2 công ty đang nợ nần và bị trói buộc vào các chương trình cắt giảm chi phí đáng kể nhằm vượt qua cuộc suy thoái trong ngành xây dựng gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, cả Holcim và Lafarge đều khẳng định thỏa thuận sáp nhập không phải là một hành động phòng thủ để đối phó tình trạng dư thừa mãn tính mà ngành công nghiệp xi măng đang chịu đựng.

“Việc sáp nhập tập trung tạo ra một nền tảng tăng trưởng. Nó không phải là chuyện tái cơ cấu mà nó là một tầm nhìn xa hơn tái cơ cấu” - ông Lafont nói. Cả 2 vị lãnh đạo từ chối tiết lộ người đã khởi xướng thỏa thuận này. Họ chỉ cho biết đã có những cuộc điện thoại và cuộc họp mặt đối mặt đầu tiên được tổ chức tại Strasbourg vào cuối tháng 1.

Ông Soiron nói thêm: “Nếu bạn xem xét ngành công nghiệp này một cách khách quan thì điều gì đó phải xảy ra. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ có đủ can đảm để thực hiện điều đó”. Ông Lafont cho biết việc sáp nhập cũng đã được thảo luận với chính phủ Pháp, vốn rất nhạy cảm với những thương vụ sáp nhập công nghiệp có thể dẫn đến sa thải người lao động.

Ông cho biết trung tâm nghiên cứu của tập đoàn sẽ đặt ở Pháp và “chúng tôi không nói về việc đóng cửa nhà máy mặc dù sẽ có một tác động nhất định đến công ăn việc làm”.

Các tin khác