Những cuộc chiến lobby (K2): Kỳ kèo khí thải

Gã khổng lồ ngành thép Arcelor Mittal đã ráo riết vận động hành lang về quota khí thải, giành lấy những mối lợi lớn.

Gã khổng lồ ngành thép Arcelor Mittal đã ráo riết vận động hành lang về quota khí thải, giành lấy những mối lợi lớn.

Những cuộc chiến lobby (K1): Ván cờ 1 tỷ USD

Được voi đòi tiên

Tháng 12-2006, Lakshmi Mittal, ông chủ tập đoàn thép khổng lồ Arcelor Mittal, đã viết thư cho Ủy viên môi trường EU Stavros Dimas, nhưng không phải để chúc mừng Giáng sinh và năm mới. Ông Mittal cũng gửi một bức thư tương tự cho Ủy viên doanh nghiệp EU Günter Verheugen để cảnh báo về tác động của giai đoạn tiếp theo trong Đề án mua bán khí thải (ETS) đối với công ty. “Arcelor Mittal có vẻ sẽ bị thiếu hụt một lượng lớn hạn ngạch CO2” - Mittal phàn nàn.

ETS là một hệ thống hạn ngạch và mua bán khí thải được đề ra vào năm 2005, theo đó giới công nghiệp có thể mua và bán các khoản cấp phép phát thải trong một hạn ngạch chung. Mittal nhắm mục tiêu Dimas vì Dimas không bằng lòng với Các kế hoạch phân bổ quốc gia (NAP) trong đó đề nghị cho phép quốc gia thành viên phân bổ giấy phép phát thải CO2 để thực hiện ETS. Dimas cho rằng chính phủ các nước đang quá hào phóng trong việc phân bổ và điều này sẽ dẫn đến thất bại trong việc cắt giảm khí thải CO2.

Việc phân bổ quá mức hạn ngạch khí thải cho ngành thép không phải là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, cũng không phải là một sai lầm trong thiết kế của giai đoạn đầu ETS, mà thực ra nó là kết quả của vận động hành lang.

Arcelor Mittal đã vận động chính phủ của các quốc gia mà họ đang hoạt động - Đức, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Luxembourg, Ba Lan, Czech và Romania - để đảm bảo được nhận các khoản cấp phép khí thải miễn phí thật hào phóng.

Ông than phiền rằng công ty của ông, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, sẽ buộc phải mua các khoản cấp phép CO2 bổ sung nếu các chính phủ điều chỉnh NAP theo đề xuất của Ủy ban và dọa rằng công ty “có thể thúc đẩy sản xuất thép bên ngoài EU, nơi lượng khí thải CO2 thậm chí còn cao hơn”.

Việc di dời hoạt động sản xuất tới các quốc gia không có hạn chế CO2 sẽ gây ra sự gia tăng lượng khí thải toàn cầu, được gọi là rò rỉ carbon. Tháng 1-2008, 2 giám đốc từ Arcelor Mittal Bremen đã gửi một bức thư cho Ủy viên Verheugen, cảnh báo rằng đề nghị bán đấu giá hạn ngạch khí thải đã trực tiếp đe dọa 90.000 việc làm ở Đức.

Họ cho rằng nó sẽ khiến ngành công nghiệp thép của Đức tiêu tốn 2 tỷ EUR vào năm 2020. Những lời đe dọa kiểu này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần bởi ngành công nghiệp thép trong khi vận động hành lang về ETS.

Từ tháng 1-2008 đến tháng 5-2009, Arcelor Mittal đã có ít nhất 5 cuộc gặp với Ủy viên Verheugen và các quan chức khác của DG Enterprise (chịu trách nhiệm theo dõi ETS và đưa ra danh sách các ngành được hưởng hạn ngạch miễn phí)

Năm 2008, Arcelor Mittal phát ra khoảng 64,7 triệu tấn CO2 ở EU nhưng họ đã nhận được hạn ngạch 85,3 triệu tấn miễn phí, thặng dư 20,6 triệu tấn, theo nghiên cứu được thực hiện bởi Corporate Europe Observatory.

Năm 2010, tổ chức NGO Sandbag ước tính vào cuối giai đoạn II của ETS (2008-2012) Arcelor Mittal dôi ra được khoảng 100 triệu tấn hạn ngạch, tương đương với giá trị gần 1,4 tỷ EUR. Trong giai đoạn một, Arcelor Mittal cũng đã có hạn ngạch thặng dư rất lớn 58 triệu tấn.

Báo cáo tài chính năm 2009 tiết lộ Arcelor Mittal đã thu được 108 triệu EUR thông qua việc sang nhượng hạn ngạch từ năm 2007 và đó chỉ mới là một phần nhỏ so với giá trị hạn ngạch thặng dư mà họ còn giữ lại. Chiến lược của Arcelor Mittal là không bán tất cả các thặng dư mà phải giữ lại một phần đáng kể để sử dụng trong tương lai.

Gây ô nhiễm được “thưởng”

Ngành thép tiêu thụ rất nhiều năng lượng và chiếm 6-7% lượng khí thải của nhân loại. Carbon Trust ước tính ngành công nghiệp thép chiếm tới 20% phát thải CO2 của EU. Lĩnh vực sắt thép đã được hưởng lợi từ sự phân bổ hạn ngạch quá hào phóng, năm 2009 họ được hạn ngạch 184.949.947 tấn trong khi thực tế lượng khí thải xác minh được chỉ bằng một nửa con số đó (94.053.080 tấn).

Đầu tháng 12-2008, nhóm lobby ngành thép Eurofer đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại Brussels của 10.000 công nhân phản ứng vì lo sợ sẽ mất việc nếu di dời sản xuất. Không riêng gì ngành thép, các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng (bao gồm xi măng, sắt thép, hóa chất, nhà máy lọc dầu, giấy) đã thực hiện những chiến dịch lobby lớn. Họ tuyên bố không thể gánh chi phí mua cấp phép khí thải và đe dọa sẽ chuyển sang các nước khác, nơi họ không phải đối mặt với những hạn chế CO2 như vậy.

Nếu họ di dời sang nước khác hàng loạt người lao động ở châu Âu sẽ thất nghiệp, trong khi lượng khí thải sẽ tăng (rò rỉ carbon). Họ đã “ép” Ủy ban nhượng bộ và “Gói năng lượng và khí hậu” đã thiết lập hệ thống phân bổ hạn ngạch miễn phí cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi rò rỉ carbon. Danh sách các ngành có nguy cơ rò rỉ carbon mà Ủy ban phê chuẩn vào tháng 12-2009 bao gồm 164 ngành (trong đó có thép, xi măng… chiếm hơn 75% phát thải của lĩnh vực sản xuất) được cấp phép phát thải miễn phí.

Như vậy rất nhiều kẻ gây ô nhiễm tồi tệ nhất lại nhận được “phần thưởng” hạn ngạch miễn phí trị giá hàng triệu EUR.

Dù đã thặng dư hạn ngạch phát thải miễn phí nhưng Arcelor Mittal vẫn kêu nài thêm.

Dù đã thặng dư hạn ngạch phát thải miễn phí nhưng Arcelor Mittal vẫn kêu nài thêm.

Vận động hành lang của ngành công nghiệp cũng dẫn đến một lỗ hổng lớn trong hệ thống: ngân hàng hạn ngạch. Trên nguyên tắc, các công ty có thể giữ hạn ngạch thặng dư để sử dụng trong các giai đoạn tiếp theo.

Vì vậy, Arcelor Mittal có thể bắt đầu giai đoạn III với thặng dư gần 100 triệu tấn. Điều này có nghĩa là họ sẽ không cần phải thực hiện cắt giảm khí thải. Họ có thể giữ lại để sử dụng trong tương lai hoặc bán hạn ngạch ngay bây giờ hay chờ sau này khi giá khí thải CO2 có thể cao hơn để thu lợi nhuận lớn hơn nữa.

Dù bằng cách nào nó cũng giúp cho lợi nhuận của công ty chứ không giúp cho mục tiêu chiến đấu ngăn chặn biến đổi khí hậu. Như các nhóm môi trường đã nhiều lần cảnh báo, những động thái nhượng bộ yêu cầu các ngành công nghiệp đã khiến ETS trở nên không hiệu quả.

Các tin khác