Lãi suất thấp, ngân hàng có thua thiệt?

Ngoài mức lãi suất ưu đãi, nhiều doanh nghiệp cũng có mong muốn ngân hàng nên quy định một mức lãi suất cố định hợp lý để họ chủ động được các khoản nợ sẽ phải trả trong tương lai.

Ngoài mức lãi suất ưu đãi, nhiều doanh nghiệp cũng có mong muốn ngân hàng nên quy định một mức lãi suất cố định hợp lý để họ chủ động được các khoản nợ sẽ phải trả trong tương lai.

“Cháy hàng” tín dụng ưu đãi

 

Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đến ngày 25/11/2013 đạt 7,54% so với cuối năm 2012, gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm ngoái. Điều này ghi dấu những nỗ lực mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua.

Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, thị trường liên tục đón nhận nhiều gói tín dụng ưu đãi, lãi suất hấp dẫn, được thiết kế đặc thù phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Từ nguồn vốn tốt này, nền kinh tế đã được tiếp sức mạnh mẽ. Trong tháng cuối cùng của năm, các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt tiếp tục mạnh tay triển khai các gói tín dụng ưu đãi.

Chẳng hạn ở HDBank, các tháng trước, ngân hàng này triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong tháng đầu tiên và cố định lãi suất 11,86% trong 11 tháng tiếp theo cho các khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên hoặc cố định 12,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay từ 200 triệu đồng.

Lãnh đạo HDBank cho biết, đây là nguồn vốn giá rẻ, góp phần hỗ trợ khách hàng thực hiện các kế hoạch cuối năm như mua nhà, xây/sửa nhà, tiêu dùng hay thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện của chương trình sẽ được giải ngân nhanh chóng với thủ tục đơn giản.

Gói tín dụng này đã được khách hàng trên cả nước hưởng ứng, tham gia đông đảo. Nhận thấy khả năng hấp thụ vốn người dân và doanh nghiệp đang cải thiện tích cực và nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp vẫn khát vốn, HDBank quyết định chi thêm 500 tỷ đồng, nâng tổng gói tín dụng ưu đãi lãi suất 0% trong tháng đầu tiên lên tới 1.500 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay từ nay đến hết năm.

Vì mục tiêu lâu dài

Tham dự một cuộc hội thảo về tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Ngọc Sang, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng mây tre đan tại Hà Nội cho biết, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp. “Ngân hàng cứ kêu không cho vay được, nhưng bản thân chúng tôi thấy rằng, nếu ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hy sinh một chút lợi nhuận để chúng tôi có cơ hội vay với lãi suất hợp lý thì không có lý gì chúng tôi lại chối từ nguồn vốn”, bà Sang phát biểu.

Cùng chung quan điểm, ông Đinh Văn Phương, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Tp.HCM cho rằng, doanh nghiệp chỉ mong ngân hàng đưa ra nhiều hơn các gói tín dụng với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp có niềm tin vào tương lai từ đó mạnh dạn vay vốn phát triển.

Ngoài mức lãi suất ưu đãi, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình cũng có mong muốn ngân hàng nên quy định một mức lãi suất cố định hợp lý, như thế doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể chủ động được các khoản nợ sẽ phải trả trong tương lai cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ.

Theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng chấp nhận lãi suất cho vay hấp dẫn là một bước đi năng động, linh hoạt. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp, giúp họ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ để giải quyết những khó khăn trước mắt và phát triển lâu dài cũng chính là bản thân các ngân hàng đang tạo lập niềm tin với doanh nghiệp. Khi ngân hàng dành được niềm niềm tin từ doanh nghiệp và người tiêu dùng, chắc chắn những khách hàng đó còn đồng hành với ngân hàng trong tương lai.

Các tin khác