Dung hòa doanh nhân - nghệ sĩ

Tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, công nghiệp sáng tạo đã được định hình phát triển từ khá lâu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Nhưng tại Việt Nam, công nghiệp sáng tạo vẫn là điều gì đó khá mơ hồ.

Tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, công nghiệp sáng tạo đã được định hình phát triển từ khá lâu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Nhưng tại Việt Nam, công nghiệp sáng tạo vẫn là điều gì đó khá mơ hồ.

Đi lên từ những vấp váp

Bà Huỳnh Lê Anh Thư, Chủ tịch điều hành Học viện thiết kế M.Pro.

Bà Huỳnh Lê Anh Thư, Chủ tịch điều hành
Học viện thiết kế M.Pro.

Năm 2002, Huỳnh Lê Anh Thư tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương và nhanh chóng có được công việc ổn định trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng đam mê của cô gái này lại dồn vào lĩnh vực thiết kế, đặc biệt thiết kế nội thất.

Sau 3 năm đi làm, với số tiền tích lũy, Thư xin ba mẹ tài trợ thêm để theo học lĩnh vựcmình yêu thích tại Singapore. Cuối năm 2008, sau khi hoàn tất các chương trình học, Thư trở về Việt Nam và thành lập Công ty Moid Consulting, trở thành doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.

“6 tháng đầu tiên là giai đoạn nhọc nhằn nhất khi mỗi sáng thức dậy tôi thường tự hỏi mình tại sao lại mở công ty này?” - Thư nhớ lại. Được đào tạo bài bản và đã có một số kinh nghiệm làm việc tại Singapore, nhưng những lợi thế này của Thư rất khó phát huy tại môi trường mới.

Thư bộc bạch: “Một điều nghịch lý là có nhiều công ty nước ngoài khi xây dựng thương hiệu, hệ thống cửa hàng tại Việt Nam rất mong tìm được những đơn vị trong nước, chuyên nghiệp để tham vấn, nhưng khó tìm ra. Trong khi đó, nhiều công ty trong nước bỏ ra chi phí cả triệu USD để mời các đơn vị nước ngoài thực hiện các chương trình như thay đổi thương hiệu, nhưng sau đó lại sử dụng phần lớn nhân sự trong nước để triển khai”.

Bản thân Thư cũng phạm phải sai lầm khi tiếp xúc với đối tác nước ngoài. Khi tìm được một vài hợp đồng đầu tiên trong mảng thiết kế nội thất, Thư đã chấp nhận giảm giá về đến mức tối thiểu. Khi thi công, dự án này phát sinh nhiều chi phí khiến Moid bị lỗ. Hơn nữa, do đưa ra mức giá thấp nên việc thiết kế, thi công cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngày càng có nhiều tập đoàn nước ngoài mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều tập đoàn trong nước cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô, thương hiệu lên tầm quốc tế. Đây chính là cơ hội để công nghiệp sáng tạo phát triển. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải có được đội ngũ nhân sự, ý tưởng để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Huỳnh Lê Anh Thư,
Chủ tịch điều hành M.Pro

“Kinh nghiệm ở đây là đã xác định lợi thế của mình là sự chuyên nghiệp, tập trung ở chất lượng của dịch vụ và sản phẩm, không được để yếu tố giá cả chen ngang, bởi có thể tạo ra những mâu thuẫn, ảnh hưởng về sau. Sau sai lầm đầu tiên, tôi đã xác định cụ thể phân khúc khách hàng của mình là những công ty, tập đoàn lớn. Đối với những đơn vị này, câu hỏi đầu tiên của họ không phải là bao nhiêu mà là làm như thế nào, hiệu quả ra sao. Mới khởi nghiệp, lại chấp nhận chọn thị phần lớn, các đối tác lớn, nhiều người cho rằng tôi liều lĩnh” - Huỳnh Lê Anh Thư đúc kết.

Miệt mài tiếp cận với các khách hàng lớn, bên cạnh đó Moid cũng tập trung tuyển dụng, hợp tác với các kỹ sư nội thất có kinh nghiệm, nói tiếng Anh tốt, đã từng được đào tạo tại nước ngoài. Một thời gian sau, Moid cũng đã tìm được một số khách hàng nước ngoài, trong đó có hợp đồng xây dựng chuỗi thương hiệu thời trang M.

Đặc biệt đến nay Moid đã tham gia thiết kế, thi công chuỗi cửa hàng (shop) cho khoảng 20 thương hiệu trong và ngoài nước với các khách hàng lớn trong các lĩnh vực thời trang (Mango), nữ trang (PNJ) hay tài chính (Ngân hàng Đông Á)…

- Là doanh nhân, phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng chị cũng là một nhà thiết kế, tức là một nghệ sĩ, cần phải có những sự sáng tạo để chứng tỏ năng lực, thỏa mãn đam mê của bản thân. Chị dung hòa giữa 2 yếu tố doanh nhân - nghệ sĩ như thế nào - tôi hỏi.

- Công nghiệp sáng tạo là một ngành rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ thiết kế, quảng cáo, in ấn, nội thất, nữ trang cho đến sản xuất phim, nghệ thuật trình diễn… đòi hỏi phải có ý tưởng và sáng tạo, quan trọng nhất là phải được triển khai một cách chuyên nghiệp, gắn bó mật thiết với nhu cầu của DN, của nền kinh tế. Vì thế, một sản phẩm nghệ thuật, hay một mẫu thiết kế, thương hiệu nào đó đều có thể định lượng rõ ràng, không chỉ có yếu tố định tính. Trước tiên, nhà thiết kế khi ký hợp đồng với khách hàng cần thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Như trường hợp tôi thực hiện thiết kế các buồng ATM cho 1 ngân hàng lớn, lựa chọn của khách hàng đưa ra là an toàn, có nghĩa phải đảm bảo thiết kế đẹp, nổi bật, có cá tính riêng nhưng không quá bay bổng hay khác người. Từ những yêu cầu này, đội ngũ thiết kế của Moid sáng tạo ra những mẫu phác thảo để phía đối tác xem qua.

Truyền kiến thức, đam mê

Triển khai nhiều dự án, nhu cầu tuyển dụng nhân sự gia tăng, Huỳnh Lê Anh Thư nhận ra một vấn đề là các sinh viên trong ngành thiết kế dù có tài năng, ý tưởng nhưng lại thiếu những kỹ năng ngành này đang cần. Thí dụ, khi được giao thiết kế thực hiện đồ án, khả năng tương tác của các sinh viên với khách hàng còn yếu, rất lúng túng khi khách hàng yêu cầu chỉnh sửa một số chi tiết của đồ án, trong khi thực tế công việc rất cần kỹ năng này.

Điều này không chỉ gây khó cho sinh viên khi tìm kiếm việc làm mà chính DN trong ngành thiết kế cũng phải đau đầu khi tuyển dụng và tốn kém chi phí để đào tạo lại. Từ sự thiếu đồng bộ này, Huỳnh Lê Anh Thư cùng các doanh nhân trong ngành thiết kế nội thất, như ông Toshi Kawauchi, CEO của Zoo Studio hợp tác thành lập Học viện Thiết kế M.Pro.

Trong vai trò là Chủ tịch điều hành M.Pro, Huỳnh Lê Anh Thư , cho biết Học viện M.Pro sẽ là nơi trang bị những kiến thức thực tiễn nhất cho sinh viên ngành thiết kế, ban đầu sẽ là thiết kế nội thất, để có thể trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các DN trong ngành.

Chưa kể, các sinh viên thiết kế chỉ mới được đào tạo về kỹ năng liên quan đến chuyên môn, trong khi tương lai các em hoàn toàn có thể trở thành một giám đốc sáng tạo, hay một chủ DN liên quan đến lĩnh vực này. Lúc đó, ngoài chuyên môn, các em cần có kiến thức về quản trị, tài chính trong lĩnh vực của mình và các giảng viên M.Pro cũng sẽ tập trung đào tạo thêm cả lĩnh vực này. Ngoài ra, học viện cũng chính là nơi có thể tìm kiếm nhân sự cho các công ty thiết kế.

M.Pro ra mắt vào tháng 9 vừa qua và đã bước vào đợt tuyển sinh thứ 3. Học viên theo học tại M.Pro sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng và nếu được đánh giá cao sẽ được tài trợ học bổng. Ngoài ra M.Pro cũng có chương trình hỗ trợ học phí cho học viên. Theo đó, học viên sẽ được học viện cho “nợ” học phí với một tỷ lệ nhất định trong thời gian theo học và sau khi tốt nghiệp, khi có việc làm sẽ tiến hành chi trả dần học phí với các điều kiện khác nhau.

“Trong vòng 3-5 năm tới, mục tiêu của chúng tôi là đào tạo được đội ngũ học viên có thể theo kịp sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam. Chúng tôi sẽ phát triển học viện bằng nhiệt huyết, bằng cái tâm để truyền cho các em kiến thức, sự đam mê, chuyên nghiệp” - Huỳnh Lê Anh Thư nói.