Thương hiệu nhà tuyển dụng

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những công ty có thương hiệu nhà tuyển dụng (THNTD) uy tín sẽ thu hút nhân tài hiệu quả hơn 1,5 lần, có mức cam kết gắn bó của nhân viên cao hơn 30% so với những công ty còn lại. Vậy THNTD là gì, làm sao để DN có thể xây dựng được THNTD? ĐTTC đã trao đổi với bà Thanh Nguyễn (ảnh), Giám đốc Điều hành CTCP Anphabe, sở hữu mạng cộng đồng các nhà quản lý Việt Nam www.anphabe.com.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những công ty có thương hiệu nhà tuyển dụng (THNTD) uy tín sẽ thu hút nhân tài hiệu quả hơn 1,5 lần, có mức cam kết gắn bó của nhân viên cao hơn 30% so với những công ty còn lại. Vậy THNTD là gì, làm sao để DN có thể xây dựng được THNTD? ĐTTC đã trao đổi với bà Thanh Nguyễn (ảnh), Giám đốc Điều hành CTCP Anphabe, sở hữu mạng cộng đồng các nhà quản lý Việt Nam www.anphabe.com.

PHÓNG VIÊN: - Bà có thể nói rõ hơn về khái niệm THNTD cũng như đánh giá lợi ích từ THNTD?

Bà THANH NGUYỄN: - THNTD là hình ảnh của DN dưới góc độ một nơi làm việc lý tưởng trong mắt nhân viên hiện tại, ứng viên tiềm năng cũng như các đối tượng chiến lược chính (khách hàng, nhà cung cấp…). Như vậy, THNTD không phải những gì DN nói về mình, mà là hình ảnh môi trường làm việc tại DN được các đối tượng mục tiêu nhìn nhận.

Vì vậy, dù muốn hay không, mỗi DN đều có một THNTD nhất định và DN nào tập trung vào định vị và xây dựng THNTD càng sớm sẽ càng có lợi thế trong việc thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài, từ đó ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận. Khái niệm này chưa phổ biến với DN Việt Nam vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, thị trường nhân sự Việt Nam phát triển chậm hơn so với thế giới, trong khi khái niệm THNTD cũng chỉ mới được thực sự nhìn nhận và phát triển trong vòng 1 thập niên gần đây. Tại Việt Nam, ngoại trừ  một số công ty đa quốc gia, các vấn đề nhân sự chiến lược như THNTD chưa được quan tâm đúng mức.

- Theo bà, làm thế nào để DN, đặc biệt DNNVV, có thể xây dựng thành công THNTD?

- Một sai lầm thường thấy trong quan niệm về THNTD là sự đồng nhất THNTD với thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu DN. Một DN lớn chưa chắc đã có một THNTD mạnh và ngược lại. Trong thực tế, THNTD không chỉ dừng lại ở việc đánh bóng thương hiệu mà DN phải thật sự tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, đáp ứng tốt kỳ vọng của nhân viên và nhóm ứng viên mục tiêu.

Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá THNTD do Anphabe vừa công bố, người lao động đánh giá một THNTD hấp dẫn dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau chứ không chỉ có lương, thưởng, phúc lợi. Đó có thể là công việc thú vị với nhiều trải nghiệm đa dạng, môi trường làm việc năng động và sáng tạo, con người thân thiện, đội ngũ lãnh đạo có khả năng gắn kết nhân viên, công ty kinh doanh có đạo đức và chính trực, có hoạt động trách nhiệm xã hội tốt…

DN có thể tạo ra những yếu tố này bằng cơ chế tổ chức, quản lý hiệu quả chứ không chỉ là việc đầu tư kinh phí. Xét trên khía cạnh quản lý, tổ chức, DNNVV với mô hình nhỏ gọn và linh hoạt sẽ có ưu điểm so với các tập đoàn đa quốc gia trong việc thay đổi, cách tân để đáp ứng tốt kỳ vọng của nhân viên.

Mỗi DN dù lớn, dù nhỏ đều có tầm nhìn, sứ mệnh và tiêu chí hoạt động riêng. Trên cơ sở đó, DN sẽ phù hợp với một số đối tượng nhất định trên thị trường lao động. Và thành công sẽ đến với những DN tuyển mộ được nhân tài phù hợp với mình nhất. Như vậy, không phải có kinh phí thật lớn như các tập đoàn đa quốc gia để có lương cao, phúc lợi tốt mới thu hút nhân tài, các DNNVV hoàn toàn có thể thu hút nhân tài bằng nhiều chiến lược khác nhau.

- Cách thức DN có thể ứng dụng bộ tiêu chuẩn Anphabe để thu được hiệu quả cao nhất?

- Bộ tiêu chuẩn THNTD Anphabe được xây dựng dựa trên tham khảo các nhóm tiêu chí hành động đang được áp dụng tại nhiều công ty đa quốc gia điển hình để thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài. Sau khi thực hiện nhiều phỏng vấn chuyên sâu với các chuyên gia nhân sự hàng đầu thuộc mạng lưới chuyên gia và đối tác chiến lược của Anphabe, công ty còn tổ chức nhiều khảo sát với nhiều nhóm nhân tài khác nhau để xác định các yếu tố mới mà người lao động quan tâm khi chọn nơi làm việc.

Vì THNTD là hình ảnh của DN dưới góc độ một nhà tuyển dụng trong mắt nhân viên và ứng viên chứ không phải là hình ảnh công ty tự nhận định về chính họ, nên việc tham khảo ý kiến trực tiếp của người lao động sẽ nâng tính chuẩn xác và góp phần rất lớn để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn.

Được tham khảo từ nhiều tập đoàn đa quốc gia giàu kinh nghiệm và xây dựng phù hợp với thực tế DN tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn đưa ra nhiều xu hướng về động cơ nghề nghiệp mới nhất và phản ánh đúng kỳ vọng của người lao động.

Thí dụ, tiêu chí lương, thưởng, phúc lợi đã ghi nhận xu hướng mới về yếu tố thu nhập tương lai hấp dẫn. Trong vài năm gần đây, yếu tố này ngày càng được quan tâm do người lao động đã bớt nhảy việc để tăng lương nhanh, mà mong gắn bó ổn định với DN, nên rất chú trọng những phúc lợi lâu dài DN cam kết mang lại.

Trong tiêu chí danh tiếng công ty, yếu tố phát triển bền vững với môi trường không chỉ ghi nhận xu hướng mới của nhiều DN có trách nhiệm mà còn thể hiện sự quan tâm của người lao động ngày nay tới vấn đề môi trường.

Với bộ tiêu chí này, DN phần nào hiểu được người lao động có nhiều động cơ nghề nghiệp khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở các yếu tố căn bản như lương, thưởng, phúc lợi, cơ hội thăng tiến…

Tùy vị trí, ngành nghề, phòng ban… các đối tượng sẽ có động cơ nghề nghiệp khác nhau. Và bộ tiêu chuẩn là cơ sở để DN sẽ phát huy hay hạn chế các yếu tố phù hợp với sự quan tâm của từng đối tượng, từ đó đáp ứng chính xác kỳ vọng của họ để thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn.

Ngoài ra, DN còn có thể áp dụng bộ tiêu chuẩn như là thước đo để đánh giá sức hấp dẫn THNTD của mình trong mắt nhân viên và ứng viên tiềm năng, cũng như trong tương quan so sánh với các đơn vị cùng ngành.

- Xin cảm ơn bà.