Lạ lẫm công nghiệp sáng tạo

Ngày 28-10-2013, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế xác lập giá trị ngành công nghiệp sáng tạo (CNST). Trước thềm hội nghị, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, Giám đốc điều hành NTU Design Inc, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo.

Ngày 28-10-2013, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế xác lập giá trị ngành công nghiệp sáng tạo (CNST). Trước thềm hội nghị, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, Giám đốc điều hành NTU Design Inc, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo.

PHÓNG VIÊN: - Bà có thể chia sẻ khái niệm ngành CNST cũng như sự phát triển của ngành này tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Bà NGÔ THÁI UYÊN: - CNST là thuật ngữ được sử dụng để gọi tên các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng kỹ năng, tài năng và sức sáng tạo của cá nhân con người trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, được hình thành từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế, không riêng ở Việt Nam mà ở các nước phát triển khái niệm ngành CNST cũng không phải là khái niệm phổ cập, ai cũng biết. Vì khi nói đến sáng tạo người ta hay nghĩ đến nghệ thuật, sản phẩm mang tính thẩm mỹ độc đáo, giá trị cao, số lượng ít…

CNST tại mỗi nước thường có đôi chút khác nhau vì sáng tạo dựa trên nguồn nhân lực của từng nước, trên nền tảng văn hóa. Tại Việt Nam, khái niệm này còn khá mới. Vào năm 2008, sau khi tham gia chương trình thành phố sáng tạo của Hội đồng Anh, tôi có chia sẻ Việt Nam chưa có ngành CNST.

Đã có khá nhiều phản hồi khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng chúng ta có người làm sáng tạo, có những đơn vị làm ra sản phẩm sáng tạo trên quy mô công nghiệp, kinh doanh được trên sản phẩm sáng tạo đó, nhưng nói về tính liên kết ngành thì chưa mạnh. Trong khi đó, tính liên kết trong ngành lại hết sức quan trọng.

Năm 2010, Hội đồng Anh phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM (ITPC) tổ chức Chương trình Sài Gòn sáng tạo, nhưng đến nay chương trình này không còn tiếp tục do sự thay đổi lãnh đạo của ITPC. Hay chương trình tại Bình Dương cũng chưa thực sự thành công.

Tất nhiên, hiện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tiên phong xây dựng quy hoạch công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2020 bao gồm các bộ môn như âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, điện ảnh, tạo hình… Nhưng tất cả còn khá mới mẻ.

- Vậy Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo đang làm gì? Và bản thân các thành viên đã thực sự hiểu về ngành CNST hay chưa?

- Hiện nay, trong số 5.000 thành viên tham gia trang web của Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo có lẽ chỉ khoảng 20% thực sự hiểu ngành CNST, còn đa phần nghe từ sáng tạo thấy thú vị và nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội phát triển những kỹ năng sáng tạo.

Và theo tôi điều này cũng rất tốt. Còn nếu để chia sẻ câu lạc bộ đang làm những gì, tôi xin trở lại câu chuyện của Hội Đồng Anh. Cách đây vài năm họ muốn thực hiện một khảo sát xem tại Việt Nam có bao nhiêu nhánh của ngành CNST đang phát triển tốt, nhưng không thành.

Và khi câu lạc bộ ra đời, chúng tôi tự làm việc này bằng cách phân ra các nhóm nhỏ, xem có hỗ trợ nhau được hay không. Câu lạc bộ cũng có thể xem như bước tự thân của những người làm trong ngành này để cùng tìm ra hướng đi, từng bước hình thành cộng đồng để phát triển ngành CNST ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng làm chương trình liên kết với các hiệp hội khác, chẳng hạn tới đây tôi sẽ có buổi chia sẻ về CNST với liên chi hội của Hiệp hội DN Chợ lớn. Làm sao để kéo họ vào với cộng đồng sáng tạo. Họ có thể là thành viên hoặc là đối tác của các thành viên. Bởi ở một góc độ nào đó, CNST đi theo nền tảng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất. Ngoài ra, những thành viên cốt cán cũng chia sẻ những câu chuyện cụ thể của mình.

Tổng giá trị sáng tạo CNST trên toàn cầu ước đạt 3 tỷ USD/năm.

Tổng giá trị sáng tạo CNST trên toàn cầu ước đạt 3 tỷ USD/năm.

- Giá trị của ngành CNST trong phát triển kinh tế-xã hội như thế nào? Bà có thể kể lại câu chuyện của bà trong liên kết CNST?

- Ở Việt Nam hiện nay chưa có một thống kê cụ thể nào về giá trị của ngành CNST. Tuy nhiên, ngành CNST tại một số nước có những đóng góp khá lớn. Liên Hiệp quốc ước tính hoạt động giao thương trong ngành sáng tạo và văn hóa chiếm khoảng 3,4% tổng giá trị thương mại toàn cầu và đang tăng trưởng với tốc độ 8,7%/năm.

Hiện nay, tổng giá trị của ngành CNST trên toàn cầu ước tính đạt khoảng 3 tỷ USD/ năm. Như vậy, nếu Việt Nam phát triển tốt ngành này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những đóng góp to lớn ngành CNST mang lại.

Xuất phát điểm của tôi là một nhà thiết kế thời trang và tôi cũng muốn tồn tại bằng công việc của mình. Tôi đã mở công ty tư vấn và thiết kế thời trang và cũng không nghĩ mình nằm trong mối liên kết của ngành CNST. Tuy nhiên, sau khi tham dự nhiều hội thảo, đi đến nhiều nơi có sự phát triển mạnh về ngành CNST, tôi đã nhận ra hiệu quả khi liên kết trong CNST.

Khi áp dụng vào chính công việc của mình tôi đã thành công. Cụ thể, chúng tôi có một hợp đồng với một công ty may mặc ở Nha Trang. Công việc của chúng tôi là xây dựng nhãn hiệu, hệ thống cửa hàng…

Nếu chỉ mình công ty tôi chắc sẽ khó hoàn thành sớm. Chính vì thế tôi đã liên kết với 2 thành viên từng tham gia chương trình CNST, một là công ty thiết kế nội thất và hai là công ty đồ họa. Chúng tôi đã hoàn tất công việc chỉ trong 3 tháng dù trước đó chưa hề làm việc với nhau.

- Xin cảm ơn bà.