Nâng chất thanh tra xây dựng

Theo Nghị định 26/2013 của Chính phủ, từ ngày 15-5 tới, Thanh tra Xây dựng cấp quận-huyện sẽ tổ chức thành đội trực thuộc Sở quản lý; Thanh tra Xây dựng cấp phường-xã sẽ không còn duy trì.

Theo Nghị định 26/2013 của Chính phủ, từ ngày 15-5 tới, Thanh tra Xây dựng cấp quận-huyện sẽ tổ chức thành đội trực thuộc Sở quản lý; Thanh tra Xây dựng cấp phường-xã sẽ không còn duy trì.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đội ngũ thanh tra xây dựng cấp phường-xã hiện nay sẽ được bố trí công việc như thế nào và việc bỏ đội ngũ này có ảnh hưởng đến công tác quản lý địa bàn, ngăn chặn các vi phạm?

Tùy theo yêu cầu quản lý, các đội thanh tra sẽ được điều động nhân lực xuống địa bàn xã-phường. Ngoài tổ chức điều hành, khác biệt căn bản nhất là các cá nhân thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng của sở được bố trí ở quận-huyện hoặc xã-phường phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật (kỹ sư chuyên ngành xây dựng, cử nhân kinh tế, cử nhân luật và một số chuyên ngành khác).

Tại TPHCM, hiện thanh tra cấp quận-huyện và phường-xã có 2.900 người. Tuy nhiên, chiếu theo tiêu chuẩn đề ra, chỉ có 800 người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm thanh tra viên. Hầu hết lực lượng thanh tra xây dựng cấp phường-xã tại TPHCM là đội ngũ cộng tác viên, do đó hiện nay phần lớn anh em đang băn khoăn chưa biết số phận mình sẽ về đâu.

Một cộng tác viên thanh tra xây dựng của phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) băn khoăn: “Hiện nay anh em đang chờ thông tư hướng dẫn của Nghị định 26, trong tình hình hiện nay nếu mất việc tìm việc khác sẽ rất khó khăn”.

Hiện nay Sở Xây dựng đang cùng với Sở Nội vụ TPHCM đi đến từng quận-huyện để nắm lại nhu cầu, con người của từng địa phương đề xuất TP hướng giải quyết, sắp xếp lại đội ngũ dôi dư. Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết sẽ phối hợp với Sở Nội vụ để triển khai Nghị định 26 về tổ chức và nhân sự, nhưng chắc chắn sở sẽ sử dụng đội ngũ cộng tác viên có năng lực, phẩm chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Lâm Quang Thơ, Chánh Thanh tra xây dựng quận Tân Phú, cho rằng việc bố trí, cài cắm lại các đội ở quận-huyện phải căn cứ vào các tiêu chí: mật độ dân số, diện tích địa bàn và tốc độ đô thị hóa.

Theo ông Thơ, sau khi thành lập các đội đặt tại cấp huyện, cần tiếp tục có sự phân bổ xuống địa phương. Bởi địa phương là cơ quan phát hiện nhanh nhất, kịp thời nhất các vi phạm xây dựng. Với tốc độ đô thị hóa như Hà Nội và TPHCM nếu không quản lý chặt địa bàn sẽ rất khó quản lý, kiểm tra giám sát. 

Các tin khác